Lôi kéo, hướng dẫn 'bùng' nợ tín dụng tiêu dùng có thể bị xử lý

Hiện tình trạng 'bùng' nợ của nhiều nhóm, hội trên trên mạng xã hội đối với tín dụng tiêu dùng kéo theo nợ xấu lĩnh vực này tăng cao. Vậy làm thế nào để ngăn chặn?

Tài chínhtiêu dùng đau đầu với nạn "bùng" nợ

Các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đang đối mặt với một vấn đề nan giải chung trong công tác thu hồi nợ, đó là hoạt động "bùng" nợ. Một bộ phận khách hàng đang cố tình đánh đồng hoạt động thu hồi nợ chính đáng của các công ty được cấp phép là phạm pháp để tẩy chay và chây ỳ việc trả nợ.

Thế nhưng, với tỷ lệ khách hàng “vay mà không trả” gia tăng nhanh chóng, chế tài xử phạt chưa có và hoạt động khởi kiện gặp khó với các khoản vay giá trị thấp, các công ty tài chính tiêu dùng buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu tăng cao.

Thêm vào đó, việc khách hàng cản trở hoạt động thu hồi nợ bằng các hành vi đe dọa, khủng bố ngược tinh thần nhân viên thu hồi nợ đã gây ra các xáo trộn tâm lý, hoang mang cho chính những nhân viên này. Tình trạng này đặc biệt trở nên nghiêm trọng trong hai năm qua.

Tình trạng "bùng nợ tài chính tiêu dùng gia tăng

Ông Marcin Figlus, Giám đốc Khối quản trị rủi ro Công ty tài chính FE Credit cho hay, nếu như năm 2019 và 2020, Công ty chỉ ghi nhận có 2 trường hợp nhân viên thu hồi nợ bị hành hung, thì năm 2022 và 2023 có tới 24 vụ việc được ghi nhận. Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề kiến thức tài chính cá nhân còn hạn chế. Người vay chưa ý thức được trách nhiệm trả nợ với khoản vay và hệ quả xảy ra.

Mặc dù luật pháp hiện hành có những quy định tương đối chặt chẽ với người đi vay, nhưng việc áp dụng vào thực tế còn thiếu sức răn đe, dẫn đến tình trạng người dân coi thường pháp luật. Một số người vay lợi dụng điều này cố tình trốn tránh, không trả nợ, thậm chí tỏ thái độ thách thức với tổ chức cho vay và hành hung nhân viên thu hồi nợ.

Trong khi đó, chi phí nhắc nợ, chi phí tuyển dụng, chi phí đào tạo… như một hệ quả leo thang, chiếm một tỷ trọng lớn trong miếng bánh doanh thu của các công ty tài chính tiêu dùng.

Cũng theo ông Marcin Figlus, sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, trên nguyên tắc linh hoạt và thích ứng để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, FE Credit đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế và nhiều lĩnh vực như dịch vụ, bán lẻ… từ đó kích cầu nhu cầu vay tiêu dùng và cải thiện hoạt động thu hồi nợ.

Ngay từ tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu tác động xấu tới nền kinh tế nói chung và người đi vay nói riêng, FE Credit đã chủ động thực hiện miễn, giảm lãi suất vay, và tái cơ cấu thời hạn trả nợ để khách hàng an tâm, không quá áp lực khi thanh toán khoản vay. Đã có hàng trăm nghìn khoản vay, trị giá hàng nghìn tỷ đồng, được hưởng lãi suất ưu đãi.

Công ty đã thực hiện miễn, giảm lãi suất và cơ cấu thời hạn trả nợ để khách hàng không cảm thấy quá áp lực về tài chính trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và sự suy giảm kinh tế như hiện nay.

Bên cạnh chương trình miễn, giảm lãi suất và cơ cấu thời hạn trả nợ, FE Credit cũng đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói cho vay trị giá 10.000 tỷ đồng dành cho những công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên cả nước, với mức lãi suất chỉ tương đương 50% lãi suất trên thị trường, nhằm giúp công nhân có sự hỗ trợ về tài chính để cải thiện cuộc sống và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

Tuy nhiên, nền kinh tế phục hồi chậm hơn với kỳ vọng và dự báo, trong khi mặt bằng lạm phát và lãi suất leo thang, tăng trưởng kinh doanh của FE Credit theo đó cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm từ đầu năm 2023 đến nay.

Trong khi đó, nhiều hội nhóm trên mạng xã hội kêu gọi, hướng dẫn người vay "bùng" nợ. Việc này ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của FE Credit nói riêng và các công ty tài chính nói chung khiến nợ xấu tín dụng tiêu dùng tăng.

Số liệu NHNN đưa ra, nợ xấu vay tiêu dùng đến cuối tháng 9/2023 của các công ty tài chính tăng 10-15% khiến các công ty tài chính không dám cho vay. Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang sụt giảm mạnh, khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính chỉ còn 134.000 tỷ đồng.

Giải pháp nào để ngăn chặn?

Sau các biến cố liên tiếp trên thị trường, các công ty tài chính có hạn chế giải ngân các món nợ mới mà chỉ tập trung thu hồi nợ. Bởi thực tế, đây là một vấn đề rất nan giải khi hành vi cố tình không trả nợ, hay còn gọi là “bùng" nợ đã trở thành một làn sóng, một hành vi có tổ chức với những hội nhóm trên mạng xã hội lên tới hàng trăm nghìn thành viên.

Giám đốc Khối quản trị rủi ro Công ty tài chính FE Credit cho biết, với những khách hàng này, Công ty vẫn kiên trì với các giải pháp thu hồi nợ đang áp dụng hiện tại như liên hệ trao đổi với khách hàng về trách nhiệm trả nợ của họ, phân tích cho họ hiểu rõ việc chây ì trả nợ là hành vi phạm pháp và có thể ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của họ trong tương lai.

FE Credit cũng đã nộp đơn khởi kiện hàng nghìn khách hàng ra Trung tâm Trọng tài và Tòa án trong năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, số khách hàng bị khởi kiện chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số khách hàng đang không thực hiện cam kết trả nợ. Chỉ khoảng một nửa trong số đó là đã khởi kiện thành công.

Nguyên nhân là thời gian xử và ra phán quyết với một vụ kiện như vậy rất lâu, có thể kéo dài tới 12 tháng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm và làn sóng rủ nhau "bùng" nợ nở rộ như vậy, thời gian qua hoạt động thu hồi nợ luôn được FE Credit ưu tiên. Hoạt động giải ngân các khoản vay mới của Công ty cũng bị ảnh hưởng.

"Chúng tôi phải thận trọng hơn và rà soát kỹ hơn trong việc chọn lựa khách hàng, tập trung vào những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt", ông Marcin Figlus nói và cho rằng, tài chính tiêu dùng được cho là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, góp phần hữu hiệu ngăn chặn tình trạng tín dụng "đen".

Khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng nói chung chủ yếu là khách hàng cá nhân Việt Nam có thu nhập trung bình thấp, chưa đủ điều kiện tiếp cận được ngân hàng thương mại cấp tín dụng, trong đó phần lớn là công nhân và lao động tự do.

Nếu như các công ty tài chính tiêu dùng không đưa ra những giải pháp, điều kiện vay thuận tiện, dễ dàng nhất thì sẽ làm hẹp cánh cửa tiếp cận với nguồn tín dụng chính thống đối với nhiều người dân. Khi người dân thấy khó tiếp cận với nguồn tín dụng chính thống, đó chính là điều kiện để tín dụng "đen" phát triển.

Để giải quyết vấn đề này, FE Credit đề xuất cần có các biện pháp cụ thể nhằm kêu gọi, nâng cao ý thức, thái độ của những người vay và đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng tham gia vào các hội nhóm "bùng" nợ, cũng như những người hướng dẫn và khuyến khích hành vi "bùng" nợ, cố tình không trả nợ.

Đồng thời, theo ông Marcin Figlus, cần áp dụng chế tài răn đe đối với những cá nhân có hành vi cố tình vi phạm quy tắc và đạo đức trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói riêng và lĩnh vực tín dụng cá nhân nói chung. Nếu không có hành động cụ thể, việc "bùng" nợ có thể tiếp tục xảy ra và có thể tác động đến nợ xấu không những cuối năm 2023 mà còn nhiều năm sau nữa.

Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cả người đi vay và ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty tài chính tính dụng tiêu dùng và từ đó ảnh hưởng đến khó khăn của chính khách hàng tiếp cận vốn vay do công ty tài chính phải siết chặt lại công tác cho vay.

Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó phòng Trọng án Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, gần đây, cơ quan công an đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập doanh nghiệp gồm công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, lợi dụng việc cơ quan công an trấn áp, xử lý quyết liệt các hành vi gọi điện, nhắn tin đe dọa đòi nợ để cưỡng đoạt tài sản như trên, xuất hiện tình trạng một số đối tượng vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính chính thống… cố tình trây ỳ trả nợ. Thậm chí, trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm kín, đăng tải các bài viết, video hướng dẫn, lôi kéo cách “bùng" nợ khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính gây ảnh hưởng hoạt động tín dụng chính thống.

Vì thế, theo Thượng tá Tùng, cần bổ sung các quy định để xử lý các hành vi phát tán thông tin số lượng lớn vi phạm quy định về viễn thông, an toàn thông tin trên không gian mạng nhất là để quảng cáo, dụ dỗ mời chào cho vay, đánh bạc, mại dâm, lừa đảo; xử lý các hành vi thành lập, lôi kéo, hướng dẫn “bùng" nợ, các hành vi mua bán thông tin của chính mình cho người khác gây hậu quả nghiêm trọng trong đó có hậu quả từ tội phạm...

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý - Đại học Fulbright Việt Nam nhận xét, hiện tượng "bùng" nợ khiến người dùng bị mất niềm tin vào các tổ chức tài chính. Nó vừa khiến lượng người "bùng" nợ có thể ngày càng tăng, đồng thời làm suy giảm uy tín của các tổ chức tài chính cũng như hoạt động tín dụng.

Thiếu tướng Trần Thanh Phong - Phó cục trưởng Cục Truyền thông (Bộ Công an) cho rằng, cần có sự chung tay của nhiều cấp, ngành để xóa sổ tệ nạn tín dụng đen. Trong đó, truyền thông là phương pháp hiệu quả và lâu dài nhất, bền vững nhất. Việc truyền thông không chỉ về chính sách mà còn là hậu quả của hoạt động tín dụng đen đối với người dân, xã hội, cũng như nhiều hệ lụy khác, như bắt giữ người trái phép. Đặc biệt nên truyền thông sâu đến những người yếu thế - đối tượng dễ bị dính vào hoạt động tín dụng đen.

T.V

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/loi-keo-huong-dan-bung-no-tin-dung-tieu-dung-co-the-bi-xu-ly-d204151.html