Lời khuyên của chuyên gia

TP - Từ số báo này, Tiền Phong sẽ đăng tải lời khuyên của chuyên gia đối với việc hệ thống lại kiến thức trước ngày thi tốt nghiệp đang đến rất gần.

Môn Hóa học: Đừng chăm chăm giải nhiều đề mẫu (Cô Đoàn Thị Như Hương - Giáo viên môn Hóa học, trường THPT Trần Phú, Q. Tân Phú, TPHCM) Từ khi bắt đầu thi trắc nghiệm đến nay, chỉ duy nhất có năm 2007 là có thi môn Hóa học. Bởi vậy, việc đúc rút kinh nghiệm, trọng tâm cho các em ôn thi trong năm nay là khá khó khăn. Năm nay môn Hóa lại thi cùng môn Lịch sử, Địa lý nên các em không có nhiều thời gian nắm vững kiến thức môn Hóa học. Qua kỳ thi thử tốt nghiệp mới đây của trường, các em có xu hướng giải đề mẫu thật nhiều với mục đích vào phòng thi, quen dạng nào làm dạng đó. Nhưng thi trắc nghiệm Hóa học có nhiều dạng bài tập, không cô đọng, những thí sinh có học lực trung bình, yếu thường rất khó nắm rõ các dạng riêng. Thí sinh có xu hướng học ban C, D cũng thường làm bài tập rất chậm. Để khắc phục cũng hơi khó khăn, bởi với môn Hóa học, muốn có kỹ năng làm bài tập nhanh phải có cả một quá trình dài. Các em phải nắm vững được kiến thức trong Sách giáo khoa lớp 12, về khái niệm, tính chất, biết áp dụng định luật, có thế mới sử dụng để làm bài tập được. Trong quá trình ôn thi những ngày cuối cùng này, các em nên xem lại bài tập từng chương, vận dụng kiến thức tổng hợp để giải các đề thi mẫu có sẵn trên mạng và do giáo viên biên soạn, cung cấp. Phần bài tập cần nắm vững, biết vận dụng định luật bảo toàn khối lượng, nguyên tố, định luật bảo toàn e, phương pháp tăng giảm khối lượng, m trung bình, định luật bảo toàn điện tích… Tuy vậy, trong cấu trúc đề thi thì lý thuyết lại nhiều hơn, chiếm nhiều điểm hơn phần toán nên ôn tập lý thuyết là rất quan trọng. Những phần cần ôn tập kỹ bao gồm: hiện tượng phản ứng, công thức cấu tạo hợp chất, so sánh tính chất các chất, đồng phân, cấu hình e… Cũng như các môn thi khác, với môn Hóa học, khi vào phòng thi, thí sinh cần đọc hết, lướt qua một lần sau đó chọn câu dễ làm trước, câu khó làm sau và với câu không biết, cũng cần làm luôn theo cảm tính. Với các câu hỏi lý thuyết, các đáp án cũng sẽ là giả thuyết để chọn ra câu trả lời đúng nhất. Thí sinh nên sử dụng phương pháp loại suy để tìm ra câu trả lời đúng cho mình. Lời khuyên của tôi ở những ngày cuối cùng này là các em không nên chăm chăm giải nhiều đề mẫu quá mà quan trọng là phải nắm vững được kiến thức thì khi vào phòng thi mới làm bài môn Hóa học tốt được. Môn Sử: Bốn điều cần lưu ý (Cô Nguyễn Thị Đào, Tổ trưởng tổ Xã hội, trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội) Thứ nhất, nhắc lại cho các em cách nhớ được các kiến thức mà mình đã học. Kiến thức môn lịch sử dài, nhiều sự kiện, nhiều mốc thời gian quan trọng. Để giúp các em xâu chuỗi kiến thức một cách hệ thống, trong quá trình ôn tập thầy cô nào cũng đều cho các em soạn một đề cương trên cơ sở các câu hỏi mà thầy cô đưa ra. Các em phải nhớ nội dung khái quát rồi mới nhớ được từng ý cụ thể. Với mỗi câu hỏi, các em phải nhớ bố cục của từng câu. Ví dụ với câu hỏi, các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ năm nào 1911 đến năm 1930, các em phải nhớ được hai ý chính: Quá trình tìm đường cứu nước từ năm 1911 đến 1920; Quá trình chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức từ 1921 đến 1930. Nếu trong câu hỏi kiểm tra mức độ hiểu bài thì các em nhớ thêm một phần nữa, đó là vai trò của Người đối với sự ra đời của Đảng.v.v... Thứ hai, dù trước khi bước vào phòng thi, các em học được kỹ hay không kỹ, khi nhận được đề thi các em cần bình tĩnh. Tất cả những câu hỏi trong đề thi mà các em gặp phải chắc chắn sẽ chẳng là những kiến thức xa lạ. Các em đều đã từng được nghe giảng, được ghi chép vào vở, được ôn tập. Nếu các em mất bình tĩnh, các em sẽ không thể khởi động trí nhớ. Thứ ba, các em phải đọc thật kỹ đề. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước đây, môn lịch sử thường có hai đề cho thí sinh lựa chọn. Mỗi đề gồm nhiều câu hỏi nhỏ. Các em phải đọc kỹ từng câu hỏi trong từng đề, đánh dấu vào những câu hỏi mà mình có thể trả lời được (mỗi câu hỏi đều có điểm số đi kèm). Sau đó các em cộng số điểm mà các em có thể đạt được ở mỗi đề, đề nào các em nghĩ mình sẽ được điểm cao hơn thì chọn đề đó. Thứ tư, khi làm bài, các em không vội vàng viết vào bài thi ngay mà phải viết bố cục ra giấy nháp. Các em gạch đầu dòng những ý chính ra nháp sau đó mới viết vào bài. Khi viết vào bài thì chọn câu nào dễ làm trước, câu nào chưa thuộc kỹ thì làm sau để tránh câu loay hoay với những câu chưa thuộc (vì làm theo thứ tự) mà bỏ lỡ câu mình thuộc. Trong câu đang làm, chỗ nào chưa thuộc thì để cách ra làm câu khác. Làm xong rồi mới quay lại chỗ còn thiếu để bổ sung. Viết hết câu nào thì đọc lại luôn, thấy thiếu thì bổ sung. Sau đó mới làm tiếp câu khác. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4-6-2010. Để giúp thí sinh kiểm tra kết quả bài làm của mình, Báo Tiền Phong sẽ xuất bản phụ trương đăng đáp án gợi ý giải đề thi do các giảng viên có uy tín, kinh nghiệm ở Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn (TPHCM), ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sài Gòn…đảm trách. Phụ trương in 4 màu, phát hành kèm theo Tiền Phong nhật báo vào các ngày 3,4,5-6-2010 và không tính vào giá bán. Gợi ý giải đề thi cũng sẽ được đăng tải trên Tiền Phong điện tử (www.tienphong.vn) ngay sau khi kết thúc mỗi môn thi. Mời các bạn đón đọc. (Còn nữa) Đăng Khoa - Quý Hiên (ghi)

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/khoa-giao/501502/loi-khuyen-cua-chuyen-gia.html