Lợi lớn đấu thầu bảo trì đường bộ qua mạng

Năm 2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có chủ trương thực hiện đấu thầu qua mạng 100% gói thầu quy mô nhỏ...

Trong 276 dự án quản lý, bảo trì đường bộ đã đấu thầu qua mạng từ đầu năm 2018 đến nay đã có 259 dự án có kết quả đấu thầu, tiết kiệm 55,38 tỷ đồng (Trong ảnh: Công nhân sơn vạch kẻ đường trên tuyến QL1, đoạn qua tỉnh Hà Nam) - Ảnh: Tạ Tôn

Triển khai thực hiện chủ trương đấu thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia của Chính phủ tại Quyết định số 1402 ngày 13/7/2016 của Bộ GTVT, từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 276 gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên được Tổng cục Đường bộ VN thực hiện đấu thầu qua mạng, số tiền tiết kiệm được lên đến hàng chục tỷ đồng.

Kỳ 1: Minh bạch, giảm chi phí khi đấu thầu

Đấu thầu qua mạng được xem là xu thế phát triển tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa tới mọi lĩnh vực và dần thay thế đấu thầu truyền thống bởi tính ưu việt trong tiết kiệm chi phí, minh bạch, công bằng và tăng sự cạnh tranh.

Hạn chế tối đa can thiệp của con người

Là một trong số những ngành đi tiên phong trong việc thực hiện đấu thầu qua mạng, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, đến thời điểm này có thể khẳng định, tổng cục đã đạt các chỉ tiêu được giao trong lĩnh vực mới mẻ này.

Năm 2018, Tổng cục Đường bộ VN có 641 dự án sửa chữa đường bộ, gồm cả các sở, các cục đã có kế hoạch chi (đủ điều kiện đấu thầu). Đến ngày 15/9, đã đấu thầu 606 gói (94,6%), trong đó có 276/606 gói đấu thầu qua mạng, đạt 43% tổng số dự án đấu thầu trong năm, nhưng đạt trên 50% tổng số gói đấu thầu dự án quy mô nhỏ. So với chỉ tiêu đảm bảo tối thiểu 30% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ mà Bộ GTVT giao và chỉ tiêu 40% số gói thầu quy mô nhỏ của Tổng cục Đường bộ VN giao, thì hiện đều đã hoàn thành.

Năm 2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có chủ trương thực hiện đấu thầu qua mạng 100% gói thầu quy mô nhỏ (dưới 20 tỷ), trừ trường hợp sự cố lớn như bão lũ, cháy nổ, TNGT gây ảnh hưởng lớn đến an toàn công trình giao thông.

Theo ông Điệp, đấu thầu qua mạng đem lại nhiều tiện ích: Mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh và mang lại hiệu quả kinh tế; đặc biệt là tăng tính công khai, minh bạch, giảm tối đa tác động của con người. Bởi mọi thủ tục, quy trình đấu thầu qua mạng được thực hiện trên hệ thống đấu thầu quốc gia của Bộ KH&ĐT nên chủ đầu tư, đơn vị mời thầu hay nhà thầu đều không thể can thiệp, cũng như nếu có khiếu kiện, thì đều có thể trích thông tin lưu trữ, tra cứu, đối chiếu và trả lời rõ ràng.

Phân tích kỹ hơn, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban QLDA 3, đơn vị thực hiện chào thầu nhiều gói thầu của Tổng cục Đường bộ VN cho biết, thực hiện đấu thầu qua mạng, toàn bộ thông tin đấu thầu từ kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo sơ tuyển, thông báo mời thầu, hồ sơ mời thầu, biên bản mở thầu, đến kết quả lựa chọn nhà thầu đều được công khai trên hệ thống, thông tin được lưu trữ và sử dụng cho nhiều lần đấu thầu. Khi chưa mở thầu, chủ đầu tư hay đơn vị mời thầu, nhà thầu, thậm chí cả người quản trị hệ thống sẽ không biết được bất cứ thông tin gì trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu.

Do đó, đấu thầu qua mạng không chỉ giúp loại bỏ hiện trạng thông thầu, “quân xanh, quân đỏ” nhờ việc giữ bí mật số lượng và tài liệu nhà thầu tham dự đến trước thời điểm mở thầu, mà còn hạn chế tối đa sự can thiệp của con người, giảm việc tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, nảy sinh tiêu cực. Mọi thông tin được lưu trữ trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và có thể dễ dàng trích xuất lại trong quá trình kiểm tra, thanh tra cũng như trả lời các khiếu kiện, thắc mắc liên quan.

Công tác quản lý, bảo dưỡng các hạng mục được triển khai thường xuyên trên các QL - Ảnh: Tạ Tôn

Dễ dàng thanh kiểm tra, giải đáp khiếu kiện

Đơn cử như gói thầu số 02: Công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các hạng mục tuyến QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (giai đoạn 1), hai nhánh lên xuống nút giao Thịnh Đán, tuyến tránh TP Thái Nguyên (nút giao Tân Lập Km 62+200 - Nút giao Tân Long Km 70+700) và toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng thuộc Dự án Tuyến tránh TP Thái Nguyên, do Cục Quản lý đường bộ cao tốc (trực thuộc Tổng cục Đường bộ VN) làm chủ đầu tư, Ban QLDA 3 (Tổng cục Đường bộ VN) làm bên mời thầu. Trong quá trình đấu thầu, phía nhà thầu Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ VN, một số cơ quan truyền thông phản ánh về kết quả lựa chọn nhà thầu.

Báo cáo Tổng cục Đường bộ và trả lời VEC E, Ban QLDA3 khẳng định, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là đúng theo các quy định của Luật Đấu thầu. Như tổng thời gian từ ngày mở thầu đến ngày ban hành kết quả phê duyệt là 95 ngày, đối chiếu với thời gian thực hiện gói thầu số 02, tổng thời gian thực hiện lựa chọn nhà thầu là 92 ngày, đúng thời gian yêu cầu.

Về kiến nghị VEC E không đồng ý với lý do bị loại thầu là không đáp ứng yêu cầu khả năng huy động nhân sự để thực hiện gói thầu, ông Trường cho biết, theo mẫu hồ sơ mời thầu, nhà thầu phải kê khai nhân sự, trang thiết bị sẵn sàng chỉ phục vụ cho gói thầu đó. Yêu cầu hồ sơ của gói thầu này là 187 nhân sự, vì đây là gói thầu bảo trì nên yếu tố con người vô cùng quan trọng. VEC E có đưa ra danh sách 187 nhân sự, nhưng khi xem xét, thấy số lượng nhân sự này đang làm cho 1 dự án khác tại khu vực phía Nam (tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây).

“Để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, bên mời thầu đã có văn bản đề nghị VEC E làm rõ việc có sẵn sàng huy động nhân sự phục vụ gói thầu; VEC E có văn bản trả lời nhưng không giải trình, không làm rõ, không trình bày phương án, không kèm theo tài liệu chứng minh về việc sẵn sàng huy động 187 nhân sự phục vụ gói thầu như đã kê khai tại hồ sơ dự thầu”, ông Trường thông tin thêm.

Ông Nguyễn Quốc Tùng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, trước tình huống này, Ban QLDA 3 đã báo cáo và cục đã có văn bản gửi Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT đề nghị hướng dẫn. Ngày 21/8, Cục Quản lý đấu thầu đã có Văn bản số 1011 phúc đáp cho biết, theo quy định, khi tham dự thầu, nhà thầu phải kê khai nhân sự, máy móc, thiết bị sẵn sàng thực hiện gói thầu và đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Trong trường hợp hồ sơ dự thầu của nhà thầu kê khai các nhân sự đang thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên ở một công trình khác (khu vực phía Nam) thì các nhân sự này được coi là không đáp ứng tính chất sẵn sàng huy động để tham gia việc quản lý, bảo dưỡng công trình ở phía Bắc theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến biện pháp tổ chức thi công, giải pháp kỹ thuật của nhà thầu dẫn đến không đảm bảo tiến độ thực hiện và chất lượng trong công tác quản lý, bảo dưỡng đường bộ cao tốc. Theo đó, hồ sơ đó được coi là không đáp ứng yêu cầu về khả năng huy động nhân sự nên được đánh giá là không đạt yêu cầu kỹ thuật.

“Các tình huống phát sinh trong quá trình xử lý gói thầu 02 này cũng như các gói thầu khác, bên mời thầu đều xin ý kiến chủ đầu tư, tham khảo ý kiến Cục Quản lý đấu thầu và mọi thủ tục, các bước đấu thầu qua mạng đều hết sức minh bạch, rõ ràng. Ngay cả chuyện nhà thầu VEC E thắc mắc đơn giá trúng thầu cao hơn nhiều so với giá họ đưa ra, thì nguyên tắc mở thầu phải đạt các điều kiện kỹ thuật. Xong bước nhập kỹ thuật, hệ thống đấu thầu mới cho mở giá, xem xét về giá. VEC E đã bị loại ở vòng kỹ thuật thì không thể xem xét về giá”, ông Trường thông tin thêm.

Quỳnh Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/loi-lon-dau-thau-bao-tri-duong-bo-qua-mang-d275576.html