Lối mở cho du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long – Bài 1: Lợi thế chưa được phát huy

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế du lịch, với các loại hình du lịch miệt vườn, sông nước, sinh thái, cộng đồng, biển đảo... Tuy nhiên, thời gian qua các địa phương trong vùng chưa phát huy được lợi thế. Trong đó, việc sụt giảm khách du lịch đến Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) gần đây là một chỉ dấu đáng phải bàn. Vậy làm gì để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh?

Du lịch Phú Quốc (Kiên Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: Quốc Trung.

Du lịch Phú Quốc (Kiên Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: Quốc Trung.

Dịp Lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, các con có kỳ nghỉ dài, lúc đầu anh Nguyễn Đức Hiền (trú tại TP Cần Thơ) chọn Phú Quốc làm nơi nghỉ dưỡng cho cả gia đình. Tuy nhiên, do vé máy bay tăng cao, trong khi vé tàu không có, anh Hiền quyết định đưa gia đình đi An Giang, Đồng Tháp để trải nghiệm du lịch sinh thái miệt vườn. “Đi cả gia đình 4 người mà giá vé máy bay cao quá. Tôi quyết định lái xe đưa gia đình đi các điểm tham quan ở An Giang và Đồng Tháp trong 3 ngày vừa tiết kiệm chi phí vừa cho các con có được trải nghiệm mới lạ thay vì đi biển như mọi năm” - anh Hiền chia sẻ.

Chợ Nổi Cái Răng (Cần Thơ).

Kết quả bước đầu đáng ghi nhận

Không chỉ riêng gia đình anh Hiền, xu hướng du lịch sinh thái đang ngày càng được nhiều người yêu thích và lựa chọn. Tại Đồng Tháp, loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp khởi đầu khá muộn so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cuối năm 2016, nhưng cũng đã đạt một số kết quả.

Những năm gần đây, du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan du lịch tại ĐBSCL thường lựa chọn những tuyến du lịch sinh thái cộng đồng - loại hình du lịch hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho người dân nhưng đã bị “bỏ quên” một thời gian dài…

Ông Ngô Quang Tuyên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, du lịch sinh thái nông nghiệp ở Đồng Tháp thời điểm ban đầu là phát triển tự phát. Khởi điểm có 5 hộ dân trồng sen ở huyện Tháp Mười tiên phong khai thác loại hình du lịch trải nghiệm chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen. Tiếp đến, các hộ dân vườn cam, quýt ở huyện Lai Vung đã mạnh dạn mở cửa vườn đón khách du lịch đến tham quan. TP Cao Lãnh - thủ phủ đất Sen hồng cũng đã xây dựng và phát triển được mô hình Làng du lịch Tân Thuận Đông với các dịch vụ du lịch sinh thái - ẩm thực; trải nghiệm - giáo dục và du lịch trải nghiệm - nghỉ dưỡng.

Trong các mô hình du lịch cộng đồng, thành công nhất là mô hình các hộ trồng hoa ở Làng hoa Sa Đéc. Đây là những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách.

Du khách trải nghiệm tại bè cá Bảy Bong trên sông Hậu.

Giai đoạn 2016-2022 các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tổ chức đón tiếp và phục vụ trên 4,3 triệu lượt du khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 519 tỷ đồng.

“Địa phương đã phát triển được 65 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm khá hiệu quả và còn hơn 40 điểm du lịch cộng đồng đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để có thể hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian tới”- ông Tuyên cho biết.

Tại Cà Mau, nhờ tận dụng tốt sự đa dạng, phong phú của sản phẩm du lịch đặc biệt như Điểm cực Nam Tổ quốc; Tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt của 2 Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh hạ... cùng các biện pháp kích cầu du lịch, địa phương này ngày càng trở nên hấp dẫn với khách du lịch.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Cà Mau hơn 1 triệu lượt khách (tăng 59% so với cùng kỳ năm 2022) nhờ đó tổng thu du lịch đạt hơn 1.100 tỷ đồng (tăng 54,4% so với cùng kỳ năm 2022). Đặc biệt trong kỳ nghỉ Lễ dài ngày vừa qua, du lịch Cà Mau ghi nhận sự tăng vọt về lượng khách (tăng 167,6% so với cùng kỳ năm 2022).

Còn tại Bạc Liêu, các mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp - du lịch xanh được người dân quan tâm đầu tư và có xu hướng phát triển trong những năm gần đây. Những tín hiệu bước đầu rất đáng ghi nhận, các mô hình này mang đến những trải nghiệm tích cực, mới mẻ cho du khách có xu hướng tìm về những miền quê, gần gũi với thiên nhiên, tái tạo năng lượng sau những ngày làm việc. Từ đó, đã thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan, đặc biệt là nguồn khách đến từ các địa phương lân cận của tỉnh Bạc Liêu.

Trải nghiệm du lịch sinh thái, sông nước ở Cà Mau.

Phát triển rời rạc, thiếu liên kết

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng thì du lịch ĐBSCL vẫn cần tiếp tục tìm lời giải để bứt phá.

Tiến sĩ Tạ Duy Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch cho biết, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, gắn với bảo vệ môi trường ở các địa phương duyên hải vùng ĐBSCL là rất lớn. Thế nhưng, suốt một thời gian dài chưa được khai thác hoặc có khai thác cũng mới chỉ dừng lại ở cấp độ địa phương đơn lẻ, mạnh ai nấy làm. Du khách khi đến với mảnh đất giàu tài nguyên tiểu vùng duyên hải phía Đông đều khao khát được trải nghiệm các giá trị văn hóa cộng đồng, được quản lý bền vững không tách rời mục tiêu bảo vệ môi trường. Nhưng chưa được đáp ứng ở mức độ lẽ ra phải có.

Mặc dù du lịch sinh thái đang phát triển rầm rộ ở các địa phương trong vùng nhưng vẫn đang tồn tại nhiều bất cập. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, tốc độ tăng trưởng của loại hình du lịch nông nghiệp tại tỉnh mặc dù khá cao nhưng chủ yếu quy mô nhỏ. Sản phẩm du lịch nông nghiệp còn giản đơn, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch, chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ khác cho khách.

Ông Lý Vỹ Triều Dương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, những năm gần đây, Bạc Liêu có nhiều điểm tham quan sinh thái đậm chất dân dã miền Tây, gần gũi với thiên nhiên, thu hút đông đảo khách du lịch tham quan, trải nghiệm, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, tăng khả năng thu hút khách trong và ngoài tỉnh, nhất là giới trẻ thích check-in lưu giữ những kỷ niệm đẹp. Tuy nhiên, theo ông Dương, bên cạnh những mặt tích cực, mô hình này cũng còn tồn tại nhiều hạn chế như hoạt động du lịch còn rời rạc, chưa có sự đầu tư bài bản nên việc khai thác sản phẩm, dịch vụ đơn điệu, trùng lặp, na ná giống nhau và thiếu các dịch vụ du lịch đi kèm; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng giao thông chưa phát triển; doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch sinh thái chưa có sự liên kết chặt chẽ, chưa tạo được tour, tuyến trong và ngoài tỉnh.

Không ít du khách nhận định các sản phẩm du lịch sinh thái ở miền Tây “na ná” nhau do đặc điểm về địa lý, tài nguyên thiên nhiên có nhiều nét tương đồng dễ dẫn đến sự nhàm chán cho du khách.

Một doanh nghiệp lữ hành tại TP Cần Thơ cho rằng, du lịch ở ĐBSCL đang phát triển trùng lặp nhau, không có nhiều điểm đặc trưng riêng. Mỗi một địa phương khi xây dựng chương trình du lịch cần xây dựng một đặc trưng riêng. Nếu đi vườn trái cây thì cũng na ná nhau, không có điểm nào khác điểm nào. Từ Tiền Giang trở xuống các tỉnh miền Tây không có tour nào tạo ra điểm riêng. Đi ra miền Trung thì khác. Ra Hội An thì một tour khác, Đà Nẵng một tour khác, Cù lao Chàm thì lại một tour khác, có đặc trưng riêng. Còn với ĐBSCL, những tour liên kết lại giống nhau, chưa có nét riêng…

ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, thủy sản, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. ĐBSCL cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Địa hình ĐBSCL tương đối bằng phẳng, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phân bố rất dày thuận lợi cho giao thông đường thủy.

(Còn nữa)

Nhóm PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/loi-mo-cho-du-lich-dong-bang-song-cuu-long--bai-1-loi-the-chua-duoc-phat-huy-5718635.html