Lời nhắc nhàm chán khi bay có thể là 'bùa hộ mệnh' của bạn

Việc tuân thủ theo các hướng dẫn đã giúp cho phi hành đoàn của 2 hãng Japan Airline và Alaska Airline đảm bảo được tính mạng bản thân và cả hành khách trên chuyến bay.

Trong lúc kéo vali nặng trĩu dọc theo 2 hàng ghế trên máy bay, bạn vừa đi vừa nhìn tờ vé xem hàng ghế mình ở đâu.

Sau khi kiểm tra kĩ đúng ghế của mình, bạn bắt đầu vật lộn với chiếc vali to tướng của mình để có thể nhét nó vào hộc đồ trên đầu. Tiếp theo, nếu đã có người ngồi dãy ngoài trước thì bạn phải ráng chui người vào trong chiếc ghế của mình.

Màn hình hiển thị biển báo thắt dây an toàn và cấm hút thuốc được chiếu sáng trên máy bay. Ảnh: BBC.

Sau những công đoạn mệt mỏi ấy, bạn rã rời và không còn muốn nghe ai nói gì, kể cả hướng dẫn an toàn của các tiếp viên hàng không ngay sau đó. Bạn cảm thấy những điều ấy thật nhàm chán, lần nào đi máy bay cũng phải nghe những “bài giảng” lặp đi lặp lại như cái máy.

"Phao cứu sinh" trong gang tấc

Câu chuyện trên chính là trải nghiệm mà phần lớn những người đi máy bay đều đã và đang trải qua. Sau khi thực hiện chuỗi hành động chỉ để được ngồi vào ghế của mình, bạn sẽ thường bỏ qua những hướng dẫn an toàn của các tiếp viên hàng không.

“Mức độ tập trung vào hướng dẫn an toàn trên các chuyến bay đang ở mức rất thấp”, Sara Nelson, chủ tịch hiệp hội tiếp viên hàng không CWA nhận xét.

Tuy nhiên sau 2 tai nạn hàng không xảy ra chỉ trong tuần đầu tiên của năm 2024, có lẽ chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc.

Chiếc máy bay Japan Airlines (JAL) bốc cháy tối 2/1 tại sân bay Haneda ở Tokyo. Ảnh: Jiji Press.

Ngày 2/1/2024, chiếc máy bay của hãng Japan Airlines đã may mắn chạy thoát thành công sau khi va chạm với máy bay viện trợ cho trận động đất tại sân bay Haneda ở Tokyo.

Tất cả 379 hàng khách trên chuyến bay ấy đều được giải thoát thành công, tuy nhiên 5 người trong phi hành đoàn cứu trợ lại không được may mắn như vậy.

Tiếp theo là vào ngày 5/1/2024, một cánh cửa trên chiếc Boeing 737 Max 9 của hãng Alaska Airlines đã bị văng ra khỏi máy bay khi đang trên độ cao 5.000 m và để lại một lỗ hổng lớn ở hàng ghế thứ 26.

May mắn là không ai bị thương nghiêm trọng và máy bay đã hạ cánh an toàn tại Portland, Oregon.

Cả 2 tai nạn trên chính là lời cảnh tỉnh về tầm quan trọng của các hướng dẫn an toàn trên máy bay.

Theo ghi nhận, việc tuân thủ theo các hướng dẫn đã giúp cho phi hành đoàn của 2 hãng Japan Airline và Alaska Airline đảm bảo được tính mạng bản thân và cả hành khách trên chuyến bay.

Phần thân bị bung trên chiếc máy bay mang số hiệu 1282 của hãng hàng không Alaska Airlines hôm 5/1. Ảnh: New York Times.

Để đạt được thành tích ấy không thể bỏ qua vai trò quan trọng của các hướng dẫn an toàn bay. Thế nhưng, nhiều người vẫn chọn bỏ qua vài phút hướng dẫn khi mới lên máy bay, mà thay vào đó tập trung vào các công việc cá nhân như xem phim, nhắn tin hoặc nghe nhạc.

Tệ hơn nữa, một số hãng hàng không đã quyết định giảm bớt số lượng tiếp viên và tăng số ghế ngồi trên các chuyến bay của mình nhằm tăng doanh thu.

“Không chỉ điện thoại, những tờ tạp chí hoặc màn hình TV cũng góp phần thu hút sự chú ý của hành khách khỏi các hướng dẫn an toàn. Tôi nghĩ chúng ta nên có biện pháp tạm hoãn các nguồn giải trí khác để hành khách chỉ có thể tập trung vào hướng dẫn”, bà Nelson cho biết.

Luôn phải thắt chặt dây an toàn

Một số hãng hàng không cũng đã sáng tạo nhiều biện pháp nhằm hướng sự chú ý của hành khách vào các hướng dẫn. Có thể kể đến như tạm ngưng trình chiếu các chương trình giải trí trên màn hình tv, hoặc thay đổi cách truyền đạt khiến việc xem hướng dẫn thú vị hơn.

Trong vụ tai nạn của Japan Airlines, việc sơ tán thành công không chỉ là thành quả của phi hành đoàn được đào tạo bài bản mà còn là hành động của những hành khách đóng vai trò then chốt trong việc giảm thiểu rủi ro an toàn.

Cuộc sơ tán của Japan Airlines là điều kỳ diệu, có công lớn bởi sự chuyên nghiệp của phi hành đoàn. Không có một người nào nán lại để lấy hành lý ở tủ phía trên, đảm bảo lộ trình thông thoáng tới cửa thoát hiểm. Ảnh: Reuters.

Các hành khách trên chuyến bay phần lớn được cho là đã rời khỏi máy bay mà không mang theo hành lý, tạo tiền đề cho việc thoát nạn nhanh chóng.

Ngược lại, vào năm 2016, một chuyến bay của hãng American Airlines đã phải dừng cất cánh sau khi động cơ gặp sự cố bốc cháy tại sân bay quốc tế Chicago O’Hare.

Theo ban an toàn giao thông quốc gia, một số hành khách đã bất chấp lời cảnh báo của các tiếp viên hàng không mà cố gắng mang theo hành lý cá nhân, khiến việc sơ tán gặp nhiều trở ngại và chậm trễ.

Khi tham gia chuyến bay, các hành khách luôn được khuyên nên thắt dây an toàn khi đã ổn định chỗ ngồi, kể cả khi đèn báo hiệu đã tắt.

Trong vụ tai nạn của hãng hàng không Alaska Airlines, cánh cửa của chiếc máy bay bị bung ra khi đang trong quá trình đạt đến độ cao an toàn.

Ảnh chụp bên ngoài thân máy bay cho thấy tấm bịt cửa bị bung ra trên chiếc Boeing 737 MAX 9 của hãng Alaska Airlines. Ảnh: kptv.

Hầu hết hành khách khi ấy đều đang yên vị với dây an toàn được cài chặt nên khi tai nạn xảy ra đột ngột, không có ai bị hút ra khỏi máy bay. Theo ghi nhận, lực hút lớn đến độ có thể xé toạc phần tựa đầu và lưng của chiếc ghế ra khỏi máy bay.

Bên cạnh đó, dây an toàn còn giúp hành khách tránh các chấn thương nghiêm trọng khi tình huống hỗn loạn xảy ra.

Theo bà Nelson, việc xảy ra các sự cố trên đã giúp mọi người hiểu rõ về tầm quan trọng của các thông báo hướng dẫn hơn. Dễ thấy nhất chính là việc lan truyền những bức ảnh, đoạn video trong quá trình xảy ra sự cố trên các trang mạng xã hội, mặc dù chúng không tồn tại được lâu.

Anh Tài

Nguồn Znews: https://znews.vn/loi-nhac-nham-chan-khi-bay-co-the-la-bua-ho-menh-cua-ban-post1455696.html