Lợi nhuận doanh nghiệp khả quan, Phố Wall vẫn mất điểm

Ngày 20/10, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trước số liệu gây thất vọng từ thị trường nhà đất và chỉ số PPI.

Hôm thứ Ba, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, số nhà mới khởi công trong tháng 9/2009 đã tăng 0,5%, đưa tổng số nhà khởi công trong 12 tháng lên 590.000 đơn vị (ngôi nhà, căn hộ) - thấp hơn dự báo của giới phân tích, từ mức 587.000 trong tháng 8/2009. Bên cạnh đó, số giấy phép xây dựng nhà trong tháng 9 đã giảm 1,2% xuống 573.000 đơn vị. Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho hay, chỉ số giá bán của nhà sản xuất (PPI) trong tháng 9/2009 đã giảm 0,6%, sau khi tăng 1,7% trong tháng 8. Như vậy PPI ở Mỹ trong tháng 9 đã giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu loại trừ giá năng lượng và lương thực, PPI đã giảm 0,1% so với tháng 8/2009 và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận khả quan Về kết quả kinh doanh quý 3 của 4 tập đoàn trong chỉ số Dow Jones, Tập đoàn Caterpillar cho biết lợi nhuận sau thuế quý 3/2009 đạt 404 triệu USD, tương đương 64 cent/cổ phiếu, từ mức 868 triệu USD (1,39 USD/cổ phiếu) của cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của hãng đạt 7,29 tỷ USD, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn so với mức dự báo 7,47 tỷ USD của giới phân tích. Bên cạnh đó, Caterpillar nâng dự báo lợi nhuận cả năm 2009 lên 1,1 - 1,3 USD/cổ phiếu, từ mức 95 cent/cổ phiếu được đưa ra trước đó. Về triển vọng năm 2010, Caterpillar dự báo sẽ tăng doanh thu từ 10-25% so với con số 32-33 tỷ USD ước thực hiện năm 2009 của công ty. Cổ phiếu của Caterpillar đã tăng hơn 4% sau khi công bố kết quả kinh doanh và đóng cửa ngày giao dịch ở mức 59,61 USD/cổ phiếu, tăng 3,04%. Đối với kết quả kinh doanh của hãng dược phẩm lớn nhất thế giới - Pfizer cho biết đã thu về 2,88 tỷ USD lãi ròng, tương đương 43 cent/cổ phiếu, từ mức 2,28 tỷ USD (34 cent/cổ phiếu) của cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu giảm 3% xuống 11,6 tỷ USD trong quý 3. Cả doanh thu và lợi nhuận của Pfizer đều vượt dự báo của giới phân tích. Trong quý 4, công ty kỳ vọng đạt 49 - 50 tỷ USD doanh thu và đạt lợi nhuận từ 2-2,05 USD/cổ phiếu, tăng mạnh so với dự báo đạt 1,3-1,45 USD/cổ phiếu vào thời điểm Pfizer chưa sáp nhập với Wyeth, một đối thủ cạnh tranh lớn của Pfizer trước kia. Cổ phiếu của Pfizer đã tăng 2,4% ngay sau khi hãng công bố kết quả kinh doanh, nhưng khi kết thúc ngày giao dịch lại giảm 0,28% xuống 17,93 USD/cổ phiếu. Chuyển qua kết quả kinh doanh của hãng sản xuất đồ uống lớn nhất thế giới, Coca-Cola cho biết đã thu về 1,9 tỷ USD lãi ròng, tương đương 81 cent/cổ phiếu, từ mức 1,89 USD/cổ phiếu (81 cent/cổ phiếu) của cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của hãng giảm 4% so với cùng kỳ xuống 8,04 tỷ USD. Cổ phiếu của Coca-Cola đã giảm 1,33% xuống 54,06 USD/cổ phiếu khi kết thúc ngày giao dịch. Trong khi đó, tập đoàn chuyên hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, tự động hóa, điện tử… DuPont cho hay đã thu về 409 triệu USD lãi ròng, tương đương 45 cent/cổ phiếu, từ mức 367 triệu USD (40 cent/cổ phiếu) của cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của hãng giảm 18% so với cùng kỳ, xuống 5,96 tỷ USD. Về triển vọng năm 2009, hãng dự báo sẽ đạt được 1,95-2,05 USD/cổ phiếu, từ mức 1,7-2,1 USD/cổ phiếu được đưa ra trước đó. Mặc dù hãng vượt kỳ vọng về lợi nhuận nhưng doanh thu lại đạt thấp hơn dự báo, cộng với xu hướng chung của thị trường nên cổ phiếu DuPont đã giảm 2,17% xuống 33,87 USD/cổ phiếu. Các chỉ số mất điểm Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trước số liệu gây thất vọng từ thị trường nhà đất và chỉ số PPI. Mặc dù được dẫn dắt bởi sự lên điểm của Apple và Caterpillar trước kết quả và triển vọng kinh doanh tốt mà hai hãng này công bố trước đó. Tuy nhiên thực tế lại xảy ra những nhân tố mới tạo rào cản đối với đà tăng của thị trường. Trong số 4 tập đoàn lớn trong chỉ số Dow Jones công bố kết quả kinh doanh, chỉ duy nhất Caterpillar tăng điểm - dù doanh thu của hãng thấp hơn kỳ vọng, còn lại cổ phiếu của 3 tập đoàn khác đều giảm điểm, thậm chí giảm sâu dù kết quả lợi nhuận vượt dự báo. Việc ngay cả những cổ phiếu có tin tốt cũng không thể khởi sắc thì khó có thể ảnh hưởng tới cổ phiếu cùng ngành nói riêng và thị trường nói chung. Giới phân tích cho rằng, sự tăng trưởng trong thời gian gần đây ở Phố Wall chủ yếu dựa vào niềm tin kinh tế phục hồi và kỳ vọng lợi nhuận của doanh nghiệp tăng cao. Nhưng khi thị trường đón nhận tin tức không khả quan về số nhà khởi công và chỉ số PPI, thì yếu tốt lợi nhuận doanh nghiệp là không đủ để nâng đỡ thị trường, hơn thế nữa, những cổ phiếu được kỳ vọng kết quả kinh doanh tốt thì vốn dĩ đang nằm trong nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất, góp phần đưa Dow Jones có lúc tiếp sát ngưỡng 10.000 điểm. Trong số 10 ngành trong chỉ số S&P 500, cổ phiếu ngành dịch vụ công cộng, nguyên vật liệu cơ bản giảm mạnh nhất với biên độ hơn 1%, cổ phiếu ngành có diễn biến tích cực nhất trong phiên thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin khi duy trì được ngưỡng giá trị của phiên trước đó. Tính đến chiều ngày 20/10, có 95 công ty có cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh, trong đó có 79 công ty vượt kỳ vọng và 11 công ty có kết quả kinh doanh thấp hơn dự báo. Điểm qua kết quả giao dịch ngày 20/10: chỉ số Dow Jones giảm 50,71 điểm, tương đương -0,5%, chốt ở mức 10.041,48. Chỉ số Nasdaq hạ 12,85 điểm, tương đương -0,59%, chốt ở mức 2.163,47. Cuối cùng, chỉ số S&P 500 xuống 6,85 điểm, tương ứng -0,62%, đóng cửa ở mức 1.091,06. Những thông tin đáng chú ý trong tuần: Thứ Tư: Công bố kết quả kinh doanh của Boeing, Wells Fargo, Morgan Stanley, USBancorp và eBay. Thứ Năm: Công bố số liệu về số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu; kết quả kinh doanh của AT&T, McDonald's, Merck, MMM, Travelers, UPS, Schering-Plough, Xerox, Amazon, AmEx và Capital One. Thứ Sáu: Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang có bài phát biểu quan trọng; công bố kết quả kinh doanh của Microsoft, Honeywell. Chứng khoán châu Á lên mức cao nhất trong 13 tháng Chứng khoán châu Á tiếp tục lên điểm, đưa chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương lên mức cao nhất trong 13 tháng. Những tín hiệu phát đi từ Australia về khả năng Ngân hàng Trung ương nước này sẽ tăng lãi suất cơ bản, cũng như kết quả kinh doanh vượt dự báo của Apple, đã thúc đẩy thị trường lên điểm hôm thứ Ba. Chứng khoán Trung Quốc, Australia, Hồng Kông, Nhật đã dẫn đầu biên độ tăng điểm trong số 8 thị trường lớn. Riêng thị trường Singapore và Ấn Độ lại giảm điểm với biên độ không đáng kể. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 1,1% lên 121,75 điểm - mức cao nhất kể từ ngày 1/9/2008. Như vậy chỉ số này đã tăng 36% so với cuối năm 2008 và tăng 72% so với thời điểm xuống thấp nhất trong năm được thiết lập ngày 9/3/2009. Tại Nhật, chỉ số Nikkei 225 đã có phiên tăng gần 1% giá trị, đưa chỉ số này lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần qua. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 100,33 điểm, tương đương 0,98%, chốt ở mức 10.336,84. Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,03%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam tiến thêm 1,56%. Chỉ số ASX của Australia nhích 1,06%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,61%. Chỉ số Straits Times của Singapore hạ 0,14%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông lên 0,83%. Chỉ số Shanghai Composite tiến thêm 1,52%. Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng/giảm (điểm) Tăng/giảm (%) Mỹ Dow Jones 10.092,19 10.041,48 50,71 0,50 Nasdaq 2.176,32 2.163,47 12,85 0,59 S&P 500 1.097,91 1.091,06 6,85 0,62 Anh FTSE 100 5.281,54 5.243,40 38,14 0,72 Đức DAX 5.852,56 5.811,77 40,79 0,70 Pháp CAC 40 3.892,36 3.871,45 20,91 0,54 Đài Loan Taiwan Weighted 7.751,32 7.753,52 2,20 0,03 Nhật Bản Nikkei 225 10.236,51 10.336,84 100,33 0,98 Hồng Kông Hang Seng 22.200,46 22.384,96 184,50 0,83 Hàn Quốc KOSPI Composite 1.649,07 1.659,15 10,08 0,61 Singapore Straits Times 2.712,54 2.707,93 3,77 0,14 Trung Quốc Shanghai Composite 3.038,27 3.084,45 46,18 1,52 Ấn Độ BSE 17.322,82 17.244,72 81,29 0,47 Australia ASX 4.801,80 4.852,80 51,00 1,06 Việt Nam VN-Index 607,11 616,58 9,47 1,56 Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/20091020041349815p0c7/loi-nhuan-doanh-nghiep-kha-quan-pho-wall-van-mat-diem.htm