Lợi nhuận độc quyền và động cơ tiến hành thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Như đã nói sức ảnh hưởng của doanh nghiệp ở thị trường cạnh tranh hoàn hảo và thị trường độc quyền là khác nhau, qua đó lợi nhuận doanh nghiệp đạt được cũng rất khác nhau.

Sự khác nhau đó, xét về bản chất là xuất phát từ khả năng tác động đến sản lượng cung ứng trên thị trường liên quan. Nếu như doanh nghiệp sở hữu tuyệt đối hoặc phần lớn thị phần trên thị trường liên quan, doanh nghiệp sẽ quyết định hoặc tác động đến cạnh tranh/ giá cả trên thị trường. Trong khi đó, với thị phần nhỏ xét trong tương quan với phần còn lại của thị trường, doanh nghiệp trong thị trường cạnh tranh hầu như không có khả năng găm hàng để tăng giá hoặc tăng lượng cung để giảm giá.

Nhìn từ góc độ mục tiêu lợi nhuận thì doanh nghiệp cạnh tranh và doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc doanh nghiệp có vị trí độc quyền trên thị trường liên quan là giống nhau. Nói cách khác, đã là doanh nghiệp thì lợi nhuận là mục tiêu quan trọng. Nhưng các doanh nghiệp cạnh tranh không đạt được lợi nhuận tối ưu hoặc thậm chí trong nhiều trường hợp là thua lỗ vì sức ép cạnh tranh. Cho nên, thị trường độc quyền và lợi nhuận độc quyền là đích đến và muốn mà các doanh nghiệp trong thị trường cạnh tranh hướng đến.

Nhìn từ đó, ta thấy động cơ của các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh chính là thông qua các thỏa thuận thống nhất hành động giữa các đối thủ cạnh tranh, các doanh nghiệp mong muốn giả lập vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền trên thị trường liên quan. Khi doanh nghiệp giả lập được vị trí của doanh nghiệp thống lĩnh hoặc độc quyền, họ sẽ đạt được hai lợi ích căn bản sau:

Thứ nhất: Khi tiến hành các thỏa thuận thống nhất hành động, các doanh nghiệp đã giảm bớt sức ép hoặc thậm chí là loại bỏ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Thứ hai: Khi đã giả lập được sức mạnh thị trường của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền thông qua thỏa thuận thống nhất hành động, các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận có thể hành xử theo cách của một doanh nghiệp thống lĩnh, độc quyền hành xử trên thị trường liên quan nhằm tối đa hóa lợi nhuận theo cách của một doanh nghiệp độc quyền

Một cách tổng quát, nhìn từ khía cạnh kinh tế các hành vi lạm dụng của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền thường diễn ra theo ba khuynh hướng sau:

Trục lợi khách hàng
Tiêu diệt hoặc kìm hãm đối thủ
Tạo ra các rào cản tư để duy trì sức mạnh thị trường

Trục lợi khách hàng

Doanh nghiệp độc quyền sản xuất ít hơn trong điều kiện cạnh tranh hoàn hảo. Thêm vào đó, nó sẽ áp dụng mức giá cao hơn. Nhà độc quyền có thể không áp dụng mức giá ngang bằng với chi phí biên và cũng không có các lực lượng cạnh tranh trên thị trường để tác động giá giảm xuống. Như trên đã đề cập, bởi vì đường cầu trong thị trường độc quyền liên quan đến tổng sản lượng mà người tiêu dùng sẵn lòng thanh toán để mua được sản phẩm. Cho nên, nguyên lí tối đa hóa lợi nhuận của nhà độc quyền sẽ khác hơn so với tối đa hóa lợi nhuận trong thị trường cạnh tranh, đó là: sau khi doanh nghiệp độc quyền đã xác định sản lượng bằng với doanh thu biên và chi phí biên, nó sẽ dùng đường cầu để xác định mức giá cao nhất mà nó có thể định giá đối với mức sản lượng vừa xác định. Do vậy, nhà độc quyền có thể kiếm được lợi nhuận cạnh tranh siêu ngạch một cách vô hạn định.

Thêm vào đó, thặng dư tiêu dùng vốn là tam giác PcAE đã bị giảm xuống thành tam giác PmAF trong điều kiện độc quyền. Một số thặng dư tiêu dùng được chuyển từ người tiêu dùng sang nhà sản xuất độc quyền. Một số, tam giác GFE, đã bị loại trừ.

Tiêu diệt hoặc kìm hãm đối thủ

Nhìn từ góc độ chiến lược cạnh tranh, việc thống nhất hành động giữa các đối thủ cạnh tranh có thể tạo ra một sức mạnh thị trường, giúp các doanh nghiệp có thể tiến hành các chiến lược củng cố sức mạnh thị trường của các doanh nghiệp này trên thị trường liên quan bằng cách loại bỏ các doanh nghiệp khác (không nằm trong nhóm doanh nghiệp thỏa thuận) hoặc ngăn cản việc gia nhập thị trường của những đối thủ cạnh tranh (có thể là hiện hữu hoặc tiềm năng).

Trong quá trình cạnh tranh, qui luật tất yếu là mạnh được yếu thua. Doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả thì sẽ lớn mạnh. Doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả phải chấp nhập rút khỏi thương trường. Qua đó, cạnh tranh góp phần phân bố lại các nguồn lực kinh tế trong xã hội cho những chủ thể sử dụng có hiệu quả. Ở đây cũng có sự cạnh tranh khốc liệt, cũng có sự đào thải đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường liên quan nhưng bản chất của vấn đề đã trở nên khác đi. Theo đó, doanh nghiệp bị loại bỏ khỏi thương trường không hẳn là vì kinh doanh không hiệu quả. Mà đó chính là kết quả của một chiến lược được thực hiện bởi những doanh nghiệp cùng liên kết hành động để đạt đến một sức mạnh về tài chính, một sự chịu đựng về sức bền trong thua lỗ và một hi vọng bù đắp tất cả các tổn thất này bằng việc tăng giá trong tương lai khi chiến lược loại bỏ đã hoàn thành.

Tính kinh tế của qui mô là yếu tố kinh tế nền tảng giúp các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận loại bỏ đối thủ. Theo đó, tính kinh tế của qui mô được hiểu là chi phí sản xuất trung bình trong dài hạn của doanh nghiệp sẽ giảm khi qui mô sản xuất gia tăng. Tính kinh tế của qui mô được nhìn nhận thông qua ba khía cạnh sau:

Thứ nhất là: trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp phải chịu chi phí cố định. Chi phí này là không thay đổi theo sản lượng. Khi sản xuất hay không sản xuất, sản lượng nhiều hay ít, thì doanh nghiệp vẫn phải chi trả. Ta có công thức:

Chi phí trung bình = Chi phí cố định : Sản lượng

Cho nên, khi doanh nghiệp sản xuất nhiều, đồng nghĩa chi phí sẽ giảm;

Thứ hai là tính chuyên nghiệp hóa: bằng việc phối hợp hành động, doanh nghiệp có thể trao đổi thông tin, bí quyết sản xuất, hoặc phân chia phối hợp thực hiện chuỗi sản xuất. Điều này cũng góp phần làm cho hiệu quả sản xuất nâng cao, chi phí sản xuất giảm;

Thứ ba là: tính liên quan trong quá trình sản xuất. Hiệu quả về qui mô nhìn nhận ở góc độ các doanh nghiệp sản xuất ở qui mô lớn, sẽ tận dụng tốt hơn sức mạnh về công nghệ và máy móc, điều mà nếu doanh nghiệp sản xuất đơn lẻ ở qui mô nhỏ sẽ không đầu tư.

Tạo ra các rào cản tư để duy trì sức mạnh thị trường

Một điều kiện cần thiết cho chiến lược ngăn cản, loại bỏ là phải tồn tại những rào cản gia nhập thị trường. Theo đó một cách chung nhất, rào cản gia nhập thị trường là những nhân tố ngăn cản hoặc kim hãm một doanh nghiệp tham gia vào một thị trường riêng biệt. Bởi vì những cố gắng của doanh nghiệp trong chiến lược ngăn cản, kim hãm sẽ được bù đắp bằng chính việc tăng giá trong tương lai để hưởng lợi nhuận độc quyền. Chính lợi nhuận độc quyền đã đẩy giá của sản phẩm lên quá cao.

Đó cũng là lúc qui luật về cung phát huy vai trò của nó. Sức hấp dẫn của lợi nhuận đã thôi thúc các doanh nghiệp khác tham gia vào thị trường để chia sẻ thị phần với doanh nghiệp đang thu lợi nhuận cao. Trong bối cảnh đó, chiến lược tăng giá của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận sẽ không thành công.

Do đó, để bảo đảm rằng những cố gắng giảm giá trong chiến lược ngăn cản, loại bỏ không phải là sự phí hoài, các doanh nghiệp thực hiện chiến lược luôn xác định rằng sau khi thực hiện chiến lược loại bỏ, doanh nghiệp có thể thực hiện việc tăng giá nhằm bù đắp cho những phí tổn trước đó. Rào cản gia nhập thị trường có thể là một hoặc là sự kết hợp của những yếu tố sau:

Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp,
Các rào cản về tài chính bao gồm chi phí đầu tư vào sản xuất, phân phối, xúc tiến thương mại hoặc khả năng tiếp cận với các nguồn cung cấp tài chính,
Quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước,

Các quy định về điều kiện kinh doanh, sử dụng hàng hóa, dịch vụ; các chuẩn mực nghề nghiệp,
Thuế nhập khẩu và hạn ngạch nhập khẩu,
Tập quán của người tiêu dùng,

Và các rào cản gia nhập thị trường khác.

Bài tiếp: Các công cụ chiến lược trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Luật sư Phạm Hoài Huấn

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/loi-nhuan-doc-quyen-va-dong-co-tien-hanh-thoa-thuan-han-che-canh-tranh-166781.html