Lợi nhuận khiêm tốn của các cửa hàng bán sản phẩm cho mẹ và bé

Thị trường bán lẻ sản phẩm dành cho mẹ và bé mới phát triển trong vài năm gần đây mang lại sức hút lớn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Tuy nhiên các chuỗi cửa hàng Bibo Mart, Con Cưng hay Kids Plaza có lợi nhuận thấp do đầu tư mở rộng ồ ạt trong thời gian ngắn.

Bibo Mart hiện là đơn vị dẫn đầu về doanh thu bán hàng trong mảng bán lẻ đồ mẹ và bé

Theo Cục Dân số, năm 2016, Việt Nam có khoảng 7,5 triệu trẻ em ở độ tuổi 0-4 tuổi và hơn 10 triệu phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là quốc gia đạt tỉ lệ hộ gia đình có trẻ em cao nhất Đông Nam Á, với 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ gia đình có con từ 1-2 tuổi.

Với đặc điểm này, Việt Nam hiện trở thành thị trường đầy tiềm năng cho các công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm liên quan đến bà mẹ, trẻ em.

Năm 2016, công ty nghiên cứu thị trường FTA cho biết, thị trường bán lẻ đồ mẹ và bé tại Việt Nam có quy mô 2,5 tỷ USD (khoảng 55.000 tỷ đồng), dự kiến có thể đạt 5 tỷ USD trong vài năm tới, tốc độ tăng trưởng 30 – 40% mỗi năm.

Đây có lẽ là lý do để vài năm gần đây, ngành hàng dành cho mẹ và bé tại Việt Nam trở nên sôi động, thu hút sự chú ý của doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, thay vì tìm tới các mô hình truyền thống như các chợ, các siêu thị, xu hướng của người tiêu dùng là chuyển sang chuỗi bán hàng dành riêng cho mẹ và bé. Điển hình là vươn lên mạnh mẽ của hàng loạt tên tuổi như Bibo Mart, Kids Plaza, Con Cưng, Shoptretho, TutiCare...

Trong đó, Bibo Mart hiện là đơn vị dẫn đầu về doanh thu bán hàng trong mảng này. Được thành lập vào năm 2006, sau 10 năm, công ty phát triển tới 140 điểm bán hàng trên toàn quốc, với thị trường trọng điểm là Hà Nội.

Năm 2016, tổng doanh thu của Bibo Mart đạt 1.080 tỉ đồng, tăng trưởng 70% so với năm 2015. Tiềm năng của thị trường giúp cho Bibo Mart được định giá 142 triệu USD hồi cuối năm 2016.

Trong năm ngoái, Bibo Mart cũng nhận đầu tư từ quỹ ACA Investments (thuộc tập đoàn Nhật Sumitomo). Con số cụ thể không được tiết lộ, tuy nhiên hai bên cho biết với khoản đầu tư này, ACA Investment đang nắm giữ 20% cổ phần của Bibo Mart.

Ra đời sau Bibo Mart khoảng 6 năm, Con Cưng lại dẫn đầu về độ phủ với 346 cửa hàng trên toàn quốc. Công ty tập trung vào thị trường TP. HCM và miền Nam. Nhờ đó doanh thu Con Cưng năm 2017 cũng chạm ngưỡng gần 1.000 tỷ, nhưng lợi nhuận khiêm tốn chỉ 18 tỉ đồng.

Đầu năm 2017, Con Cưng từng gây chú ý khi nhận được đầu tư từ quỹ Daiwa-SSIAM II, do Daiwa và SSIAM cùng quản lý. Quy mô của khoản đầu tư không được tiết lộ nhưng thông thường quỹ này rót từ 4 đến 6 triệu USD vào mỗi công ty trong danh mục. Ước tính giá trị của Con Cưng khi đó là 25 triệu USD.

So với Con Cưng và Bibo Mart, quy mô của Kids Plaza có phần khiêm tốn hơn. Ra đời năm 2009, hệ thống này hiện vận hành 75 siêu thị trên toàn quốc.

Năm 2016, doanh thu Kids Plaza đạt hơn 390 tỷ đồng, lợi nhuận chưa tới 500 triệu đồng, do công ty chỉ mới đáp ứng được nhu cầu bình dân, mà chưa chạm tới được lớp khách hàng trung lưu vốn không tiếc tiền mua sắm cho con trẻ. Tháng 2 năm nay, Kids Plaza đã nhận vốn rót từ Vietnam Investments Group (VIG).

Đặc thù của thị trường là đồ mẹ và bé thường có giá trị nhỏ, nhưng lại có tần suất mua sắm cao nhất, mẫu mã và số lượng sản phẩm cũng phong phú, đa dạng.

Một yếu tố rất quan trọng là người lớn thường tiếc tiền chi tiêu cho mình, nhưng lại chẳng đắn đo khi mạnh tay mua sắm cho các bé. Đối với họ, con cái là trên hết, vì vậy cha mẹ sẽ luôn dành cho chúng những thứ tốt đẹp nhất.

Nhờ đó, thị trường bán lẻ các sản phẩm này luôn "nóng", dư địa và tiềm năng còn rất nhiều. Nhưng không phải là không có rủi ro tiềm ẩn.

Trước khi Bibo Mart, Con Cưng hay Kids Plaza có cơ hội bùng nổ, giai đoạn 2014 – 2015, thị trường đã chia tay những cái tên đình đám một thời như: Deca, Beyeu hay Babysol.

Sự ra đi của thương hiệu xuất phát từ 2 nguyên nhân. Đó là sự cạnh tranh gay gắt của thị trường bán lẻ đồ dùng cho mẹ và bé, hoặc họ thiếu kinh nghiệm và chưa đủ nhạy cảm trong lĩnh vực này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành mẹ và bé có đặc thù không quá bị coi trọng bởi giá cả, thay vào đó là chất lượng sản phẩm.

Bởi thế, ngoài việc bán hàng, các thương hiệu muốn được lòng khách hàng và phát triển hơn buộc phải đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của người tiêu dùng. Đơn cử như Kids Plaza và Bibo Mart hiện nay đểu mở những lớp học tiền sản, hậu sản miễn phí cho các bà mẹ, đồng thời gọi điện chăm sóc học viên và khách hàng thường xuyên.

Ngoài ra, các ngành hàng sản phẩm dành cho trẻ em luôn rất nhạy cảm, đặt nặng yếu tố an toàn, và cần nhiều thời gian để gây dựng niềm tin, uy tín.

Tham gia thị trường này, các doanh nghiệp phải đảm bảo được chất lượng của nguồn đầu vào, đồng thời, kiểm soát ngày hết hạn của sản phẩm. Mà cú "sảy chân" vừa qua của hệ thống siêu thị Con Cưng là minh chứng rõ ràng nhất.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các chuỗi mẹ và bé cũng dọn đường cho hàng loạt thương hiệu nổi tiếng quốc tế vào Việt Nam. Nổi bật trên thị trường là chuỗi siêu thị của Nhật mang tên Soc&Brotherskhi đã mở tới cửa hàng thứ 5 tập trung hầu hết tại các trung tâm thương mại lớn ở Việt Nam. Do vậy, đây cũng là thách thức cho các thương hiệu Việt trong lĩnh vực này.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/loi-nhuan-khiem-ton-cua-cac-cua-hang-ban-san-pham-cho-me-va-be-1532501722041.htm