Lợi nhuận khủng và những chuyện bi hài của những thương nhân thời thuật toán

Với những người nhanh nhạy nắm bắt được thông tin thị trường, họ nhìn thấy một tiềm năng khổng lồ từ những người mua sắm nhỏ lẻ.

Trong thời đại của những thuật toán, người ta không chỉ dùng chúng để lấp đầy News Feed hay hỗ trợ đưa ra các kết quả tìm kiếm, mà nó còn là một công cụ kinh doanh. Tuy nhiên với một lĩnh vực còn quá mới mẻ như thế này, không thiếu những trò dở khóc dở cười đã xảy ra khi người ta không lường hết được sức mạnh của công cụ mình sử dụng.

Một ngày mùa hè 2017, người dùng Twitter feldspath0id đăng một thông tin tưởng như vô thưởng vô phạt, nhưng phần nào cho thấy cơ hội kinh doanh mà thuật toán đem lại. Mẹ của anh thấy một chiếc áo thun được in dòng chữ “đừng bao giờ đánh giá thấp một người mẹ nghe nhạc Iron Maiden và sinh vào tháng 8.” Nó có vẻ ngẫu nhiên, nhưng nó hoàn toàn trùng khớp với mẹ của felspath0id – bà sinh vào tháng 8, rất thích nghe nhạc của Iron Maiden.

Không do dự, bà mua ngay chiếc áo này.

Những món hàng tương tự chưa phổ biến ở Việt Nam, nhưng đang là một cách kinh doanh mới mẻ trên thế giới. Áo thun, ly nước, tạp dề, vớ… tất cả đều có thể được in những dòng chữ “không đụng hàng” mô tả bạn và chỉ bạn.

Ai làm ra chúng?

Một trong những người đầu tiên nghĩ đến phương thức tiếp cận khách hàng bằng thuật toán có lẽ là Michael Fowler, một người có 20 năm kinh nghiệm bán trang phục và là chủ công ty có tên Solid Gold Bomb. Anh muốn tìm ra những cách tạo ra nhiều thiết kế mới mẻ cho công ty của mình, vốn đã có khoảng 1.000 mẫu áo được thiết kế sẵn.

Anh viết một phần mềm đơn giản:

Khởi đầu bằng một câu nói, kiểu “Hôn tôi, tôi là một…”

Quét một dữ liệu hàng loạt từ điển, tìm hàng trăm ngàn từ khác nhau.

Tạo nên một danh sách những cụm từ với các từ đó.

Tạo ra sản phẩm là những chiếc áo thun được in các cụm từ thành câu.

Với rất nhiều câu nói khởi đầu khác nhau, phần mềm này có thể tạo ra vô số thiết kế áo thun mới. Do chúng chỉ được in ra khi có khách hàng yêu cầu, Michael có một kho hàng ảo khổng lồ nhưng không hề chiếm chỗ. Chỉ trong nháy mắt, Solid Gold Bomb tạo ra một catalogue với 22 triệu mẫu áo thun.

Đội ngũ Solid Gold Bomb ngày nào và những chiếc áo tự thiết kế.

Họ đưa 550.000 mẫu lên Amazon, và dù mỗi câu do phần mềm này tạo ra chỉ đúng với một nhóm rất nhỏ khách hàng, Solid Gold Bomb “tích tiểu thành đại” nhờ sự trợ giúp của quảng cáo trên Facebook. Chẳng mấy chốc, công ty của Michael bán ra 800 chiếc áo mỗi ngày, thu về một khoản lợi nhuận khủng khiếp.

Lan rộng trong cộng đồng

Có cả một cộng đồng reddit với gần 33.000 thành viên dành cho những sản phẩm cực kỳ độc đáo, không đụng hàng như thế này. Nhờ sự trợ giúp của các thuật toán theo dõi những gì người ta xem, nghe, đọc, khách hàng luôn có thể tìm thấy thứ họ muốn.

Một người dùng chia sẻ trường hợp thú vị của mình: khi viết trạng thái về rượu bia và Harry Potter trên Facebook, anh ta nhìn thấy một quảng cáo chiếc áo thun in dòng chữ “tiền không mua được Felix Felicis (một loại thuốc trong truyện) nhưng có thể mua bia, và cả hai gần như là một.”

Một người khác cho biết khi chuyển nhà từ Phần Lan sang Đan Mạch, mình nhận được quảng cáo một ly nước in dòng chữ “tình yêu của mẹ và con gái không có khoảng cách.”

Cũng như Michael, những thương gia này dùng thuật toán và phần mềm để tạo ra một kho hàng gần như vô tận, rồi tiếp thị nó đến đúng người khách hàng cần sản phẩm. Một số cho phép người dùng tự tạo ra thiết kế cho mình, chẳng hạn Sunfrog cho người dùng tự nhâp thông tin cá nhân như tên tuổi, sở thích, công việc,… để phần mềm tạo sản phẩm cho bạn.

Nhưng đôi khi, số lượng khổng lồ sản phẩm mà phần mềm tạo ra đồng nghĩa với việc nhà sản xuất không thể quản lý sản phẩm của mình, dẫn đến những chuyện dở khóc dở cười, đôi khi còn dẫn đến bi kịch.

Không thể kiểm soát

Đến năm 2012, phong trào “Keep Calm and Carry On” đang lớn mạnh, nên Michael Fowler quyết định ăn theo. Ông bổ sung vào phần mềm của mình câu mở đầu “Keep Calm and…” (bình tĩnh và..), sau đó là một danh từ hoặc động từ. Câu mở đầu mới này tạo ra cho kho hàng của ông thêm khoảng 700 mẫu áo mới, tất cả được đăng tải trên Amazon.

Bên trên là một vài mẫu áo mà phần mềm của Michael tạo ra với câu thoại mới, được đăng tải lên Amazon một thời gian trước khi Michael phát hiện ra và gỡ khỏi danh sách hàng hóa của mình. Ông phải nói lời xin lỗi với khách hàng, nhưng điều đó không xoa dịu được sự phẫn nộ của các “chiến binh chính nghĩa” trên internet. Chỉ vài tháng sau, Solid Gold Bomb phá sản.

Đây cũng không phải là lần duy nhất phần mềm và thuật toán “phản chủ.” Hồi cuối năm ngoái, một nhà bán lẻ có tên my-handy-design đã tạo ra một cơn sốt khi thiết kế vỏ điện thoại bằng những hình ảnh gây sốc, từ “ông già tiêu chảy,” “muỗng hút heroin,” “nấm móng chân,” “cậu bé ba tuổi tàn tật trên xe đẩy,”…

Tobias Hartmann, chủ nhân của my-handy-design đã tạo ra khoảng 31.000 sản phẩm như thế dựa trên một kho dữ liệu hình ảnh, nên ông không thể nào biết hết được những gì được bày bán trên kho hàng của chính mình. “Tôi được truy cập vào khoảng 40.000.000 hình, bao gồm gần như tất cả mọi thứ trên đời. Vì thế khi một khách đặt hàng, chúng tôi sẽ mua thứ họ cần và in nó lên vỏ điện thoại.”

Bài học đắt giá

Với những nhà bán lẻ này, việc bán thật nhiều sản phẩm thuộc một vài thiết kế được ưa thích đã bị dẹp bỏ, thay bằng chiến thuật bán một vài sản phẩm được tạo ra từ thật nhiều thiết kế khác nhau.

Điều này chỉ có thể được hiện thực hóa nhờ không gian mạng – họ không cần phải có kho bãi, cửa hiệu trưng bày cho những món hàng của mình trên khắp thế giới, những thứ cực kỳ đắt đỏ. Tất cả những gì họ cần là một trang web và vài nhân viên, và gần như bất kỳ ai cũng có thể trở thành một doanh nhân phục vụ những món hàng cực kỳ đặc biệt như thế này.

Tuy nhiên, họ cần phải chú ý đến kho hàng của mình, nếu không muốn rơi vào trường hợp như Michael hay Tobias. Ngày nay, Tobis vẫn đang bán vỏ điện thoại, còn Michael cũng đã trở lại với việc kinh doanh áo thun, nhưng ông nói rằng mình chỉ lấy từ ngữ từ những danh sách tên phổ biến và giám sát hoạt động của chính mình.

“Nếu tôi muốn, tôi có thể nâng cấp cửa hàng của mình ngay ngày mai,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC. “Nhưng tôi nghĩ mình đã có một cách tiếp cận bảo thủ hơn. Tôi chỉ đang cố gắng sống.”

Tham khảo The Hustle.

Phạm Lê

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/cong-nghe/loi-nhuan-khung-va-nhung-chuyen-bi-hai-cua-nhung-thuong-nhan-thoi-thuat-toan-54016.html