Lợi nhuận ngân hàng trong quý I sẽ tăng 'ngoạn mục'?

Quý đầu tiên của năm 2021 được dự báo là quý tăng trưởng mạnh mẽ của các ngân hàng.

Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI Research vừa có báo cáo về ngành ngân hàng. Theo đó, đơn vị này kỳ vọng ngành ngân hàng tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với các ngành khác trong quý I/2021, nhờ tỉ suất lợi nhuận tương đối hấp dẫn và triển vọng tín dụng được cải thiện khi hầu hết các ngân hàng đã đẩy nhanh xóa nợ xấu và tăng cường trích lập dự phòng bao nợ xấu trong quý IV/2020.

“Chúng tôi tin rằng quý I/2021 sẽ là đỉnh cao của tăng trưởng so với cùng kỳ trong năm 2021, vì các ngân hàng đã ghi nhận nhiều thu nhập bất thường (kinh doanh ngoại hối, kinh doanh trái phiếu….) trong 9 tháng cuối năm 2020”, SSI Research nhận định.

Còn theo quan điểm của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tín dụng. Do đó, để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 6-8% trong những năm tới như dự phóng, VDSC ước tính tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng ở mức hai con số.

Cho năm 2021, VDSC dự báo tăng trưởng tín dụng 11,4% -14,7%, trung bình là 13,1%. Các ngân hàng tư nhân lớn, bao gồm TCB, MBB, VPB, ACB dự kiến sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng của họ, đạt trên mức trung bình của ngành.

VDSC dự đoán rằng ACB sẽ duy trì hoạt động cho vay cốt lõi vốn là điểm mạnh của mình, trong khi trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng tín dụng của TCB.

Nhóm ngân hàng quốc doanh được dự báo sẽ vẫn bị áp lực về yêu cầu vốn, ngoại trừ VCB. Với ROE cao, chi phí huy động thấp và dư địa để pha loãng tỉ lệ sở hữu của Nhà nước, VDSC cho rằng VCB có nhiều lựa chọn để duy trì hoặc cải thiện hệ số CAR và duy trì mức chênh lệch dương với tăng trưởng tín dụng của ngành. Việc phát hành riêng lẻ đang trong quá trình sẽ giúp củng cố bộ đệm vốn của VCB.

Về CTG, VDSC dự báo sự cải thiện về chất lượng tài sản sẽ dẫn đến cải thiện NIM và ROE. Điều này sẽ giảm áp lực lên CAR. Tuy nhiên, VDSC đánh giá việc phát hành cổ phần là quan trọng để có thể đạt tăng trưởng tín dụng hai con số trong những năm tới. Nhìn chung, việc tăng vốn và nâng cao hiệu quả là cần thiết đối với các ngân hàng quốc doanh.

VDSC cũng kì vọng sẽ có sự thay đổi về thứ hạng thị phần tín dụng khi các ngân hàng lớn thuộc nhóm thứ hai (TCB, VPB, MBB, ACB) mở rộng với tốc độ nhanh và có bộ đệm tốt hơn để duy trì đà tăng so với các ngân hàng so sánh.

- NIM: Biên lãi ròng là thước đo chênh lệch giữa thu nhập lãi do ngân hàng tạo ra và số tiền lãi phải trả cho người cho vay.

- CAR: Tỉ lệ an toàn vốn là một chỉ tiêu kinh tế phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của ngân hàng thương mại.

Kim Anh

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/loi-nhuan-ngan-hang-trong-quy-i-se-tang-ngoan-muc-3339918/