Lợi nhuận quý I/2023 gần 6.920 tỷ đồng, BIDV vươn lên á quân toàn hệ thống

Báo cáo tài chính quý I/2023 của BIDV cho thấy, ông lớn này đang trở lại đường đua với lợi nhuận sau thuế hợp nhất và riêng lẻ tăng lần lượt 52,8% và 58%.

BIDV đang trở lại đường đua lợi nhuận.

BIDV đang trở lại đường đua lợi nhuận.

Ngân hàng TMCP BIDV vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ quý I/2023. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, kết thúc quý I/2023, BIDV sở hữu tổng tài sản hơn 2,1 triệu tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 4,9%, tiền gửi khách hàng tăng 1,6%.

Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, BIDV có một quý kinh doanh khả quan khi hầu hết các hoạt động kinh doanh đều tăng trưởng tốt. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt gần 14.000 tỷ đồng, tăng 8,6%; lãi thuần từ dịch vụ đạt 1.517 tỷ đồng, tăng 19%; Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 672 tỷ đồng, tăng 15%; Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đạt 65,5 tỷ đồng thay vì lỗ 3,5 tỷ đồng năm ngoái. Duy nhất, lãi thuần từ hoạt động khác suy giảm, chỉ đạt 976 tỷ đồng (giảm 33%).

Nhờ chi phí được kiểm soát khá tốt (tăng 11,7%) và trích lập dự phòng rủi ro giảm, lợi nhuận BIDV nối đà tăng trưởng ấn tượng.

Trong quý I/2023, BIDV chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro 5.527 tỷ đồng, giảm 25,2% (giảm hơn 1.800 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt tới gần 6.920 tỷ đồng, tăng 53,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 5.560 tỷ đồng, tăng 52,8%. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng mẹ là 5.307, tăng 58%.

Với kết quả này, BIDV đang vươn lên vị trí thứ hai về bảng xếp hạng lợi nhuận toàn hệ thống và chỉ đứng sau Vietcombank.

Mặc dù lợi nhuận quý I tăng mạnh song BIDV chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay tăng 10-15%. Ngân hàng cũng dự kiến dành nguồn lực lớn trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu.

Kết thúc quý I/2023, nợ xấu tất cả các nhóm của ngân hàng đều tăng, riêng nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng gấp đôi. Nợ xấu tuyệt đối tăng 40% lên mức 24.729; tỷ lệ nợ xấu cũng tăng lên 1,5% từ mức 1,15% cuối năm ngoái. Đồng thời, nợ cần chú ý (nhóm 2) cũng tăng khá mạnh.

Trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên sáng nay (28/4), ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV thừa nhận, xu hướng năm nay nợ xấu có nhiều khả năng tăng hơn năm ngoái. BIDV cũng lường trước kế hoạch này, kế hoạch năm nay là giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4% (vào cuối năm trước là 0,98%).

Kế hoạch của BIDV năm nay là trích dự phòng dự kiến khoảng 20.000 - 21.000 tỷ đồng, thấp hơn năm ngoái. Nguyên nhân là năm 2022 và những năm trước đó, BIDV đã trích lập dự phòng rất lớn cho các khoản nợ có vấn đề và đã trích thêm, trích trước cho các khoản nợ ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Quỹ dự phòng của BIDV hiện nay là tương đối lớn, khoảng 38.000 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 226%. Do đó, việc giảm thời gian trích lập sẽ được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo lợi ích của cổ đông, Nhà nước.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/loi-nhuan-quy-i2023-gan-6920-ty-dong-bidv-vuon-len-a-quan-toan-he-thong-d188746.html