Lời nói thật

Lời nói thật tuy có lúc khó nghe nhưng sẽ mang lại nhiều điều bổ ích.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trò chuyện với người bạn cũ, em bảo “Tớ đang theo học ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên” thay vì cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ với bạn bè như trước. Sau cuộc trò chuyện với bạn, em nhìn tôi, vui vẻ: “Lời nói thành thật bao giờ cũng là lời hay nhất, cô nhỉ!”. Tôi khẽ gật đầu đồng ý và tự ngẫm: Lời nói thật tuy có lúc khó nghe nhưng sẽ mang lại nhiều điều bổ ích.

Lời nói thật là lời tử tế, đúng sự thật, có sao nói vậy chứ không phải xuyên tạc, che giấu; không phải đặt điều hay ba phải, khiêu khích... Lời nói thật được sử dụng đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ. Nó thể hiện văn hóa giao tiếp và là thước đo nhân cách, chuẩn mực đạo đức của con người.

Có câu: “Lời nói là tấm gương của tâm hồn”. Lời nói tử tế, ý nghĩa, thể hiện một tâm hồn trong sáng. Lời nói thô tục, cay nghiệt thể hiện một tâm hồn không lương thiện. Lời nói cũng giống như con dao hai lưỡi. Có lẽ vì thế, ông bà ta mới căn dặn phải “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Lời nói thật xuất phát từ trái tim chân thành, có ý nghĩa lớn lao đối với cả người nói và người nghe.

Lời nói thật là lời nói của những người hiểu biết và yêu thương. Nó cho thấy sự quan tâm thực sự của người nói đối với người nghe. Người nghe sẽ cảm thấy được an toàn, che chở, từ đó sẽ cởi mở, mở lòng, tin tưởng sẻ chia câu chuyện của chính họ.

Minh họa/INT

Lời nói thật giúp người nghe cảm thấy được an ủi, động viên. Người nghe dễ dàng nhận ra lỗi lầm của mình; được xoa dịu, vỗ về khi đau khổ; được khích lệ, cổ vũ khi thành công. Lời nói thật giúp mỗi người tự nâng cao phẩm giá; làm cho các mối quan hệ giữa mình với mọi người thêm gần gũi, gắn kết; làm cho cuộc sống trở nên thuận lợi, ý nghĩa.

Lời nói thật giống như liều thuốc bổ giúp con người quên đi những sợ hãi, trở nên mạnh mẽ, tự tin bộc lộ những khả năng tiềm ẩn bên trong con người mình. Nó mang đến nguồn năng lượng tích cực, vững bền giúp mỗi người mạnh dạn thử sức với những điều mới mẻ, phát huy sự sáng tạo để rồi nhận về những điều tốt đẹp.

Người ta bảo, lời nói thật là cơ sở của hành động đẹp. Người nói thật luôn thấy thoải mái, thanh thản trong tâm hồn. Họ vô ưu vô lo bởi đã sống thật với lòng mình. Cuộc sống của họ vì thế luôn bình yên, tự tại; an vui, hạnh phúc với những điều đẹp đẽ thiện lành đã làm.

Lão Tử từng nói: “Lời nói dối thường ngọt ngào, lời nói thật thường khó nghe”. Lời nói thật luôn thô ráp, bộc trực, thẳng thắn. Nó giống như “Thuốc đắng” nhưng “dã tật”, nhiều khi phũ phàng, nặng nề, trái tai nên nhiều người không thích, không muốn nghe. Trái lại, họ chỉ thích nghe lời hoa mĩ, bóng bẩy, màu mè, nịnh nọt, dù biết đó là những lời không thành thật. Vẫn biết rằng, không phải tất cả những lời nói dối đều xấu, nhưng đa phần, lời nói dối sẽ dẫn đến sự hiểu lầm tai hại, khiến người khác ngộ nhận, ảo tưởng. Chưa kể, nhiều người, vì nghe theo những lời nói dối nên không phân biệt được tốt, xấu; trắng, đen; hay, dở; đúng, sai… dẫn tới những mâu thuẫn, xung đột, thất bại, đau khổ.

Thực tế cho thấy, đa số những người thành công trong cuộc sống đều đã phải lắng nghe rất nhiều lời nói thật về những hạn chế, khiếm khuyết, sự thất bại, cay đắng của bản thân, đôi khi là những lời dè bỉu, khinh thường… Thế nhưng, chính những lời nói thật khó nghe ấy đã cho họ kinh nghiệm để nhìn nhận lại bản thân, từ đó kiên trì, nỗ lực hiện thực hóa ước mơ, khát vọng cuộc đời mình.

Lời nói, đặc biệt là lời nói thật là tài sản quý giá mà tạo hóa ban tặng cho con người, là phương tiện để trao đổi, kết nối yêu thương. “Lời nói chẳng mất tiền mua”, nhưng nếu không có trách nhiệm và trân trọng thì chẳng khác nào như bát nước đã đổ, như thời gian đã vuột trôi. Thế nên, hãy sống thật và nói những lời thật lòng. Bởi mọi giá trị tốt đẹp, vững bền không thể xây dựng dựa trên sự giả dối!

Tản văn của Thu Đình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/loi-noi-that-post608462.html