Lời phân trần của cựu lãnh đạo Cienco 1 trong lời nói sau cùng

Cuối giờ chiều (8/6), phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ án 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí' xảy ra tại Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) đã khép lại phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi phiên tòa bước vào phần nghị án.

Các bị cáo tại phiên xử

Các bị cáo tại phiên xử

Là người đầu tiên được nói lời sau cùng trước HĐXX, bị cáo Cấn Hồng Lai, cựu Tổng Giám đốc Cienco 1 cho biết, bản thân bị cáo là người gắn bó với Bộ GTVT, tới thời điểm này cảm thấy nhiều điều đã làm được, nhưng cũng có nhiều thiếu sót.

Qua phần luận tội và đối đáp của Viện Kiểm sát với các luật sư, bị cáo nhận thấy mình ít hiểu biết về pháp luật trong công việc điều hành. Sự cố này là bài học với bị cáo và nhiều người. Bị cáo áy náy đối với gia đình, vợ con, bạn bè, người thân. Hy vọng rằng cuối đời có chút thời gian để đáp lại, nhưng cuối cùng thành gánh nặng cho gia đình.

Trong quá trình vận hành, luôn nghĩ làm sao có thể tốt nhất cho doanh nghiệp, cho Nhà nước. Bộ GTVT xung phong đi mở đường và giao cho Cienco 1 đi đầu cầm cờ, nhưng cuối cùng do thiếu hiểu biết về pháp luật, năng lực chuyên môn về tài chính, lựa chọn tư vấn năng lực kém, nên với tiến độ, yêu cầu cấp bách như vậy đã vấp phải sai sót. Bị cáo và các bị cáo khác không có vụ lợi gì, chỉ vì mục đích chuyên môn.

Trước HĐXX, bị cáo Phạm Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Cienco 1 mong HĐXX, VKS xem xét mức độ phạm tội, giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Bị cáo Dũng phân trần: "Xuất phát là kỹ sư cầu đường, đến khi được nghỉ hưu, luôn phấn đấu làm được các công trình cầu đường tốt nhất, hiệu quả nhất. Luôn nghĩ để Cienco 1 có thương hiệu trong nước và quốc tế. Từ những năm 90, là doanh nghiệp duy nhất thực hiện các công trình tại Lào, Campuchia, mong muốn Cienco 1 thi công được các công trình trọng điểm, không phải thuê nước ngoài".

Các bị cáo còn lại trong vụ án đều thể hiện sự ăn năn hối hận và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Do tính chất phức tạp của vụ án nên HĐXX đã quyết định nghị án kéo dài, sẽ tuyên án với các bị cáo vào sáng 16/6 tới.

Trước đó, trong quá trình phiên tòa diễn ra, hầu hết các luật sư bào chữa cho các bị cáo: Cấn Hồng Lai; Phạm Dũng; Lê Văn Long; Nguyễn Thị Bích Hạnh; Nguyễn Mạnh Tiến; Nguyễn Ngọc Tuyến đều bày tỏ sự đánh giá cao và gửi lời cảm ơn đến VKS đã công tâm, khách quan, nhân văn khi đề xuất mức án đối với các bị cáo thấu tình, đạt lý.

Đáng chú ý, có hai luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Trưởng phòng Kiểm toán 3, Thẩm định viên Công ty Kiểm toán A&C Chi nhánh Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Anh Tuấn không phạm tội.

Trước đó, trong phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa cũng đánh giá và nhắc nhở khai báo của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn.

Đại diện VKS đã phải hỏi lại bị cáo Nguyễn Anh Tuấn về nhận thức hành vi phạm tội của mình để trên cơ sở đó xem xét, cân nhắc trước khi đề nghị Hội đồng xét xử mức hình phạt đối với bị cáo Tuấn.

Trong quá trình xét hỏi, đa số các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, riêng bị cáo Nguyễn Anh Tuấn chưa thực sự thành khẩn, khai nhận theo hướng quan điểm của luật sư.

Tại phiên tòa, đối đáp và tranh luận với luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, đại diện VKS đã nêu rõ mức đề nghị hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Anh Tuấn từ 24-30 tháng tù là đã nhìn nhận thấu đáo và đặt bị cáo trong tổng thể của vụ án, phân hóa rõ vị trí và vai trò.

Để đề nghị mức hình phạt trên đối với bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, VKS đã áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” theo điểm s, khoản 1, Điều 51 BLHS. Tuy nhiên, trong phần tranh luận, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn đã đồng ý với lời bào chữa của luật sư là đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội.

“Như vậy, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn đã không thừa nhận hành vi phạm tội, không nhận thức là mình có tội thì không thể áp dụng được tình tiết giảm nhẹ trên. VKS thay đổi và đề nghị HĐXX không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” cho bị cáo Tuấn và đề nghị HĐXX xem xét và cân nhắc mức hình phạt đối với bị cáo Tuấn phải cao hơn mức từ 24-30 tháng tù, như vậy mới đảm bảo tính khách quan và công bằng trong xét xử”, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm.

Đại diện VKS cũng nêu rõ, hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn đã được nêu rất rõ trong cáo trạng và được thẩm vấn, đấu tranh công khai tại phiên tòa, cùng với các bị cáo khác.

Đại diện VKS tại phiên tòa

Các chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo Nguyễn Ngọc Tuyến đã làm rõ được hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn trong việc ký biên bản xác định giá trị doanh nghiệp đã loại bỏ 184 tỉ đồng, khoản tạm tính giá trị đất khi xác định giá trị doanh nghiệp trái quy định pháp luật, gây thất thoát lãng phí cho ngân sách Nhà nước trên 239 tỉ đồng. Trong vụ án này, đại diện VKS xác định vai trò của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn là đồng phạm theo Điều 17 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện VKS khẳng định, kết quả đấu tranh công khai tại phiên tòa không có tình tiết mới và cũng không làm thay đổi kết quả điều tra. Do vậy, cáo trạng truy tố các bị cáo, trong đó có bị cáo Nguyễn Anh Tuấn phạm tội “Vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

Trong số 7 bị cáo, duy nhất bị cáo Nguyễn Anh Tuấn được tại ngoại. Về lý do bị cáo Tuấn được tại ngoại so với các bị cáo khác, đại diện VKS cho biết, các cơ quan tiến hành tố tụng đã không áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị cáo vì xét đến nhân thân và gia đình bị cáo.

Bị cáo là con duy nhất trong gia đình liệt sĩ, bà nội bị cáo là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chú ruột là liệt sĩ, bản thân bị cáo thời điểm đó đang chữa bệnh. Do đó, các cơ quan tố tụng đã đánh giá, cân nhắc và thực hiện đúng quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về quan tâm đến chính sách đối với những thân nhân gia đình có công với cách mạng.

Nhận định của đại diện VKS cũng nêu rõ, vì lẽ đó mà luật sư bào chữa và bản thân bị cáo phải thấy được mình may mắn hơn các bị cáo khác. Đại diện VKS dẫn chứng, tại phiên tòa, duy nhất bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh là bị cáo nữ nhưng vẫn bị áp dụng biện pháp tạm giam. Bị cáo Tuyến với vai trò là giúp việc cho bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, bản thân bị cáo Tuyến hợp tác trong quá trình điều tra vẫn bị áp dụng biện pháp tạm giam.

Từ những phân tích, lập luận, đánh giá trên, đại diện VKS một lần nữa nhấn mạnh: “Không có việc vì vai trò hay hành vi của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn “mờ nhạt” nên được áp dụng biện pháp không tạm giam".

Đại diện VKS nhận thấy, không có cơ sở chấp nhận đề nghị của luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Anh Tuấn không phạm tội. Đề nghị HĐXX xem xét và quyết định.

Mạnh Hùng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/loi-phan-tran-cua-cuu-lanh-dao-cienco-1-trong-loi-noi-sau-cung-381208.html