Lối rẽ của Xuân Pháp

Một cử nhân về kinh tế, đang có việc làm và thu nhập ổn định, chỉ còn làm luận văn nữa là đã trở thành thạc sĩ kinh tế, nhưng Nguyễn Xuân Pháp quyết định bỏ ngang để đăng ký học trung cấp ngành Diễn viên cải lương. Chỉ có tình yêu cháy bỏng với cải lương mới khiến Xuân Pháp chọn lối rẽ mạo hiểm đến vậy.

Xuân Pháp (thứ 2 hàng đầu từ trái sang) vai Tôn Thọ Tường trong trích đoạn cải lương về cụ Phan Văn Trị.

Xuân Pháp (thứ 2 hàng đầu từ trái sang) vai Tôn Thọ Tường trong trích đoạn cải lương về cụ Phan Văn Trị.

Xuân Pháp sinh năm 1991, quê ở Cái Nước, Cà Mau. Cái duyên đến với cải lương của Pháp như một “chuyện khó tin” trong giới nghệ sĩ Cần Thơ. Chàng trai Cà Mau kể, anh tốt nghiệp ngành kinh tế của Trường Đại học Tây Đô, đi làm gần 2 năm ở một công ty giống thủy sản ở Sóc Trăng với thu nhập tốt. Rồi anh quyết định thi cao học kinh tế và theo học gần hết phần lý thuyết, chuẩn bị làm luận văn thì biết được Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ tuyển sinh ngành Diễn viên cải lương. Vốn là niềm yêu thích và ước mơ từ nhỏ nên Xuân Pháp đã thôi học cao học, đăng ký tuyển sinh với tâm nguyện trở thành nghệ sĩ môn nghệ thuật truyền thống này.

Xuân Pháp nhớ lại, từ nhỏ anh đã rất thích cải lương, nghiện nghe các tuồng qua máy cát-sét. Anh thích nhất là những vai kép tính cách: độc, hài và có khả năng bắt chước rất tốt. Xuân Pháp thần tượng và tập giống y hệt nét diễn của các nghệ sĩ như NSND Diệp Lang, NSND Thanh Tòng… khiến cả nhà cười ngất. Cải lương “thấm vào máu” của Pháp từ những ngày đó.

Pháp vừa tốt nghiệp trung cấp Diễn viên cải lương chỉ mới vài tháng và đang đăng ký học tiếp cao đẳng cùng chuyên ngành. Tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi cùng với hàng loạt vai diễn ấn tượng, dù còn đang ngồi ghế nhà trường, cho thấy khả năng của chàng trai Cà Mau. Tại Hội diễn văn nghệ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc (AVET 2019) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, tiết mục ca cảnh cải lương “Miền nhớ” của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ đã đoạt Huy chương Vàng. Đó là câu chuyện một ông bầu gánh hát kiên quyết từ chối mọi cám dỗ của tên Việt gian để dựng vở tuồng ca ngợi bọn xâm lược và tay sai. Xuân Pháp thủ vai tên Việt gian, vừa ác, vừa nham hiểm, mưu mô với giọng nói, tiếng cười thiệt là “khó ưa”. Hay trước đó, tại Lễ Giỗ cụ Phan Văn Trị, một trích đoạn cải lương về cụ Phan rất hay được diễn bởi các nghệ nhân, nghệ sĩ: Trường Út, Ái Hằng, Thanh Phong… Xuân Pháp đóng vai Tôn Thọ Tường, một tên tay sai “mãi quốc cầu vinh”, qua Trà Niềng để cám dỗ cụ Phan Văn Trị. Nét diễn của Xuân Pháp khiến người xem “ghét cay ghét đắng” nhân vật nhưng cũng tạo được nhiều tiếng cười.

Là nghệ sĩ trẻ nhưng Xuân Pháp không nghĩ tới chuyện kép đẹp, vai chánh vì anh biết rõ sở trường của mình. Giọng ca và tiếng nói sân khấu của anh không thuộc về vai mùi mà phải tếu táo cho vai hài hoặc đay nghiến cho vai độc. Điệu bộ, dung mạo và nét diễn của Pháp cũng rất ra vai. Anh nói: “Tôi xác định trên sân khấu cải lương, không quan trọng vai chánh hay phụ, đẹp hay không đẹp mà quan trọng là mình diễn tốt nhất vai diễn của mình. Đó là cái đẹp của nghệ thuật”. Chính việc khai thác đúng sở trường đã giúp Xuân Pháp tạo được dấu ấn trong lòng người xem.

Xuân Pháp từng diễn nhiều nơi ở ĐBSCL, trong các lễ hội lớn ở Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu… Anh nói rằng, đó là thành quả của lòng đam mê và không quên nhắc đến những người thầy ở Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ như thầy Chanh, thầy Sỹ Long, thầy Bình… đã dạy dỗ và tạo cơ hội cho anh được đứng trên sân khấu. Hỏi về “quyết định đời người” khi bỏ kinh tế qua học cải lương, Pháp trầm tư rằng, bây giờ anh thấy mình vẫn đúng. “Hạnh phúc đời người là được sống trọn với đam mê của mình”, anh nói như vậy.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/loi-re-cua-xuan-phap-a114777.html