Lời ru buồn sau cánh võng

Tình yêu luôn mang trong mình nhiều sắc màu và lý lẽ riêng. Chẳng vậy mà việc Kpuih Huynh kết hôn ở cái tuổi 17, cả buôn chẳng mấy ai bận lòng. Chỉ buồn thay, 'cuộc hôn nhân trẻ con' ấy niềm vui chỉ đếm bằng ngày...

Ông bà ta từng nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Thế nhưng, Kpuih Huynh lại quá trẻ để biết “xây nhà” như thế nào, càng không biết đối nhân xử thế ra sao cho phải phép với gia đình nhà vợ. Đó cũng chính là “nút thắt” dẫn đến bi kịch mang tên “con rể giết cha vợ”, khiến gia đình ly tán.

Gọi là vợ chồng nhưng thực ra Kpuih Huynh và Siu Nhung (SN 2003) chưa đăng ký kết hôn. Thời điểm cả hai đến với nhau Kpuih Huynh mới lên 17 tuổi, còn Siu Nhung cũng chỉ mới bước qua tuổi 14. Sự non trẻ về tuổi tác kéo theo bao sự vụng về mà dường như cả hai chưa một lần nghĩ đến trước khi nên vợ thành chồng. Đáng lý ra ở độ tuổi này cả hai còn “thả ga” bay nhảy, sống đúng với sự hồn nhiên, vui tươi của mình thì lại bị ràng buộc bởi hai chữ... gia đình. Đó là lý do Kpuih Huynh không hiểu được mình là đàn ông, phải có trách nhiệm với vợ và gia đình vợ như thế nào.

Bị cáo Kpuih Huynh tại phiên xét xử.

Cái bụng đã lỡ thương, con tim đã lỡ loạn nhịp nên Kpuih Huynh quyết định đến ở rể. Người ta ở rể thì phải “ngó trước nhìn sau” nhưng với Kpuih Huynh, ở rể cũng chẳng có gì thay đổi. Bằng chứng là Kpuih Huynh vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn chơi mà chẳng cần bận tâm vợ, cha mẹ vợ làm gì, nói gì. Cái sự thờ ơ của Kpuih Huynh không còn dừng lại ở chỗ vô tư mà dần nó đã thành sự vô tâm đến đáng sợ. Sống trong nhà vợ mà suốt ngày ăn xong nằm dài, hết nằm lại đi chơi, mọi việc không qua tay vợ thì cũng phải đến tay cha mẹ vợ.

Nửa tháng ở rể, dường như Huynh không động tay động chân vào bất cứ việc gì. Điều này khiến cho Bùi Văn Quyết (cha dượng của vợ), thấy bực tức vì “chướng tai, gai mắt”. Người tất bật công việc, kẻ ưỡn bụng nằm chơi, chẳng bao lâu những cuộc cãi vã giữa con rể và cha dượng bắt đầu xảy ra. Đáng nói, cha vợ càng bực, càng chỉ dạy thì Huynh càng khó chịu ra mặt, thậm chí phớt lờ luôn những gì cha vợ nói.

Sự kìm nén tức giận trong người Bùi Văn Quyết đối với đứa con rể đã quá ngưỡng. Đặc biệt, khi ông chứng kiến Huynh cãi nhau với con gái như cơm bữa thì ông không thể kiềm chế. Hôm đó, sau khi đi dự đám ma của một người trong xã về lúc nửa đêm, thấy vợ chồng Kpuih Huynh đang cãi nhau, ông Quyết đã la mắng, đồng thời vì quá tức nên ông có những lời lẽ xúc phạm Huynh. Cha vợ lời qua, con rể lời về, thách thức lẫn nhau và trong cơn điên loạn Huynh đã dùng dao chém cha vợ nhiều nhát. Mặc cho ông Quyết bỏ chạy, Huynh vẫn lạnh lùng đuổi theo với ý định “đuổi cùng giết tận”. Sau trận mưa dao của con rể, ông Quyết được mọi người cứu về từ cõi chết, tính mạng ông được giữ với thương tích 59%.

Kpuih Huynh được gần bà ngoại và vợ con trong giờ nghị án ngắn ngủi.

Đứng trước bục khai báo, Huynh - một người chồng, một người con rể dường như đã thức tỉnh. Sự ân hận đẩy lên từ đôi mắt và ánh nhìn khi bị cáo quay xuống lần tìm người thân. Hai người phụ nữ ngồi dưới phòng xét xử không rời mắt khỏi bị cáo là vợ và mẹ vợ. Họ ngồi cạnh nhau, lòng nặng trĩu, không ai nói với ai lời nào.

Huynh mất mẹ từ nhỏ, Huynh thấu được sự thua thiệt khi lớn lên, khi va vấp với đời. Và giờ đây, Huynh đứng đó, Huynh nghĩ đến đứa con mới vài tháng tuổi vợ còn bồng ngửa trên tay mà quặn lòng. Những ngày ở trại tạm giam, Huynh có thời gian để nghĩ về mọi thứ, về cái gọi là gia đình, cái gọi là trách nhiệm đối với đứa nhỏ gọi Huynh bằng cha. Cái viễn cảnh con trẻ cũng bơ vơ, cũng thiếu thốn chẳng khác cha mình ngày nhỏ là mấy hiện rõ trước mắt bị cáo. Đó là sự thật khiến bị cáo chua xót.

Giờ nghị án, bị cáo ngồi khúm núm một góc ghế trông đến thảm. Được gần vợ con, bị cáo đã khóc. Có lẽ, đây là giọt nước mắt đầu tiên kể từ khi bị cáo làm chồng, làm cha. Khi được hỏi, bà Siu O. (vợ bị hại-mẹ vợ bị cáo) cho biết: “Một bên là chồng, một bên là con rể, không biết phải nói sao cho phù hợp. Bênh vực chồng không được, bênh vực rể cũng không xong. Giờ chỉ biết chờ pháp luật định tội”. Còn bà Kpuih B. (bà ngoại của bị cáo) nói trong nước mắt: “Già thương hắn lắm, hắn mất mẹ từ nhỏ, một tay già nuôi hắn lớn. Giờ hắn như thế này lòng già đau lắm. Già đã bán một cái rẫy, bồi thường cho gia đình bị hại 30 triệu và 2 con heo. Số tiền 20 triệu còn lại mà hai gia đình đã thương lượng, Già sẽ tiếp tục bán thêm rẫy để trả”.

Người vợ nước mắt ngắn dài, khi thấy chồng lặng thinh nhìn con nhỏ.

Chỉ vì nóng nảy, không làm chủ được bản thân, Huynh đã phải đánh đổi những tháng ngày đầy sức trai trong chốn lao tù. 9 năm tù về tội “Giết người” mà TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt bị cáo là cái giá đắt mà Huynh phải trả.

“Mỗi thánh nhân đều có một quá khứ, mỗi tội đồ đều cần một tương lai”, ai cũng hy vọng sau sai lầm lần này Huynh sẽ biết sửa sai, Huynh sẽ trở về là một người con thiện tính, là một người chồng, người cha có trách nhiệm. Và, người viết tin rằng, nếu như Huynh lưu nhớ hình ảnh người vợ bế theo con thơ đứng nhìn mình cho đến khi chiếc xe khuất dấu thì Huynh sẽ có đủ quyết tâm để thực hiện điều đó.

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/ban-an-luong-tam/loi-ru-buon-sau-canh-vong-22964.html