Lời ru của mẹ giúp trẻ hình thành nhân cách tốt

Hiện nay, rất nhiều giá trị tinh thần tốt đẹp đang dần bị lãng quên đi, trong đó có những lời ru của các bà mẹ trẻ.

Tôi chẳng thể nhớ là đã bao lâu rồi không còn nghe thấy những lời ầu ơ yên bình. Cũng có thể do cuộc sống bây giờ vội vã và ồn ào quá. Cũng có thể bây giờ con người không quá chú trọng đến những giá trị mang tính tinh thần nữa.

Đôi lúc trong cuộc đời mình, lần nào đó giữa trưa hè đi qua một miền quê thanh bình. Lời ru ầu ơ bên nôi như kéo giãn cả lòng người, kéo bước chân người ta chậm lại, một chút lắng sâu trong kí ức bình yên. Tôi đồ rằng, mỗi bà mẹ, mỗi miền quê lại có những làn điệu, lời ru riêng biệt của mình. Nhưng tựu trung, tất cả các lời hát ru con đều hay hát về những điển tích, điển cố, cung cách lao động và các đúc kết vốn sống nhân gian.

Ví dụ như lời ru:
“Đời ngày trước có anh Trương Chi, người thì thậm xấu, tiếng thì thậm hay. Cô Mị Nương vốn ở Lầu Tây, con quan thừa tướng ngày rày cấm cung. Anh Trương Chi vốn ở dưới sông. Chèo đò ngang dọc đêm đông dãi dầu...”.

Tư tưởng, những việc làm dành cho các cô gái cũng được thể hiện qua các làn điệu ru con như:
“Cái Bống là cái Bống Bang, khéo sảy khéo sàng cho mẹ nấu cơm. Cái Bống là cái Bống Bình, nấu cơm, gánh nước một mình Bống ơi...”.

Lời ru ầu ơ bên cánh võng như kéo giãn cả lòng người, kéo bước chân người ta chậm lại, một chút lắng sâu trong kí ức bình yên.

Lời ru con của phụ nữ ngày xưa vừa dỗ dành đưa con thơ dại vào giấc ngủ, vừa như trải rộng lòng mình. Những tâm tư, những ước mơ, lối sống, nếp nghĩ: “Miếng nạc thì để phần chồng, miếng xương phần mẹ, miếng lòng phần con...”.

Đứa bé vừa mới lọt lòng mẹ, mỗi ngày một ít, chúng cảm thụ dần ngôn ngữ thông qua các lời ru. Lời ru nhẹ nhàng bình yên, êm đềm truyền tải những những câu chuyện cuộc sống, cách ứng xử đạo đức thông qua những ngôn từ rất giản dị, gần gũi và vô cùng dễ hiểu.
Thực ra, những lời hát ru không hẳn là một bài hát nhất định. Lời các bài hát ru gần giống như một liên khúc, mỗi bà mẹ là một cách luyến láy thêm bớt để nhanh chóng đưa con mình vào giấc ngủ.

Thời hiện đại, con người luôn phải vội vã nên việc giữ mãi những nếp nghĩ, những thói quen truyền thống đôi khi cũng không phù hợp với khá nhiều người. Nhịp sống cực nhanh, công việc quay cuồng, những chỉ số doanh thu, chỉ số thu nhập, tiền bạc vật chất người ta làm ra ngày một nhiều hơn, nhưng lại đánh mất đi những điều vô cùng giản dị, thiêng liêng dành cho con trẻ, đáng tiếc nhất là những lời ru bên vành nôi.

Lời ru con giống như là mã nguồn di truyền, truyền từ mẹ sang con gái. Ngày xưa các bà mẹ chẳng mấy người không biết hát ru. Nhưng ngày nay, cái mã nguồn di truyền hát ru ấy hình như ngày một yếu đi, và đang có phần mất hẳn. Cuộc sống bận rộn thực ra cũng không hẳn là nguyên nhân làm mất đi những giá trị mang tính tinh thần như lời hát ru. Mà vì các bà mẹ trẻ ngày nay có quá nhiều mối quan tâm. Họ quan tâm đến việc xã hội, đến làm đẹp, đến cuộc sống số mà vô tình bỏ đi cách nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ qua những lời ru.

“Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ… Mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?”

Nhân cách sống của mỗi đứa trẻ hình thành dần dần qua những lời hát ru.

Những lời hát ru, giá trị tinh thần vô giá đang dần bị lãng quên. Đứa trẻ sẽ thiệt thòi biết bao nhiêu khi sinh ra và lớn lên mà không được đắm chìm vào giấc ngủ qua lời ru của bà, của mẹ. Lời ru vừa như cánh võng êm đềm, vừa như lời bình yên dẫn dắt những tâm hồn thơ bé vững bước vào đời bằng những giá trị đạo đức truyền thống. Nhân cách sống của mỗi đứa trẻ hình thành dần dần qua những lời hát ru. Chẳng một đứa trẻ nào sống trong vòng tay thương yêu của gia đình, hằng ngày say ngủ trong những câu hát ru êm đềm của bà, của mẹ mà lớn lên lại không có một nhân cách tốt.

Lời ru cũng giống như mạch nguồn tinh thần ấy, bà ru mẹ, mẹ ru con, cái đạo đức, cung cách con người thấm thía qua những lời ru.

Để rồi:

“Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru ”.

LOAN NGẪN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/loi-ru-cua-me-giup-tre-hinh-thanh-nhan-cach-tot-14044.html