Lợi thế của ngoại ngữ trong lựa chọn tổ hợp môn

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, học sinh sẽ phải thi 4 môn, trong đó ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc. Ngay khi quyết định này được đưa ra, nhiều người đã đặt câu hỏi quy định này có ảnh hưởng đến việc học ngoại ngữ của các em học sinh bậc THPT hay không?

Liệu học sinh còn lựa chọn tổ hợp môn có ngoại ngữ khi bắt đầu vào 10? Việc chọn tổ hợp môn giúp ích gì cho các em trong định hướng nghề nghiệp?

Ngoài việc tìm kiếm một ngôi trường cấp 3 phù hợp với năng lực của con em mình, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo đã cùng con xác định được tổ hợp môn mà con sẽ theo học 3 năm cấp 3. Đối với chị, việc chọn tổ hợp môn sớm giúp cho con mình định hướng nghề nghiệp một cách tốt hơn: “đấy là điều mà không chỉ phụ huynh, học sinh và nhà trường cũng luôn trăn trở làm sao cho các con được phát triển một cách tốt nhất năng lực và sở trường của mình. Con thì cũng từng được giải IMO là giải Toán tiếng Anh – Châu Á TBD, tôi rất quan tâm đến việc con học tốt tiếng Anh để con có thể hòa nhập hơn”.

Lợi thế của ngoại ngữ trong lựa chọn tổ hợp môn

Mặc dù ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thế nhưng, với lợi thế cũng như tình yêu dành cho tiếng Anh, nhiều học sinh vẫn chọn tổ hợp môn khối D trước khi vào lớp 10.

Em Nguyễn Minh Anh, học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh, quận Ba Đình, TP Hà Nội, cho biết: “con cũng đã tìm hiểu và con chọn tổ hợp D bởi vì những thế mạnh của con, nếu mà đi theo tổ hợp này thì mai sau con có thể phát triển được thế mạnh của con và sẽ dựa vào thế mạnh đấy để phát triển hơn”.

Lựa chọn môn học phù hợp là việc làm cần thiết không chỉ đối với học sinh

Theo cô giáo Phạm Thu Trà, Trường THCS Phan Chu Trinh, quận Ba Đình, Hà Nội: "tôi thấy không cần phải đưa vào thi các em học sinh mới nhận ra được tầm quan trọng. Bộ môn này chắc chắn sẽ là bộ môn theo các em học sinh rất là nhiều, nhất là trong thế kỷ 21 này, bởi vì đây là một trong những kỹ năng cần thiết của các em trong thế kỷ 21 này".

Những năm gần đây, các trường đại học có xu hướng tuyển sinh bằng phương thức kết hợp chứng chỉ tiếng Anh IELTS, TOEFL, chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam... Việc chọn tổ hợp môn sớm, đặc biệt là tổ hợp môn có ngoại ngữ, đã tạo thêm cơ hội cho học sinh vào trường đại học và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Việc chọn tổ hợp môn sớm tạo thêm cơ hội cho các em vào đại học và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Em Vũ Linh Giang, học sinh Trường THPT Chu Văn An, nhận định: “em thấy rằng có ngoại ngữ đã là một lợi thế, có tiếng anh thì càng lợi thế hơn khi mà mình nộp hồ sơ vào các trường đại học kể cả trong và ngoài nước”.

Theo em Cao Duy Hưng, học sinh Trường THPT Trí Đức: “khi mình lựa chọn tổ hợp môn sớm hơn thì sẽ vạch ra cho mình cái mục tiêu rõ ràng và khi đấy mình có thể chuẩn bị một cách tốt hơn và bài bản hơn theo kế hoạch mình đã chuẩn bị, mình học tập một cách hiệu quả hơn”.

Nhiều học sinh vẫn chọn tổ hợp môn khối D trước khi vào 10.

Cô giáo Chu Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức, cho biết: "khi có cơ hội tiếp xúc với phụ huynh, đặc biệt là học sinh khi đến phỏng vấn thì nhà trường đều hướng dẫn các con rất là kỹ về việc sẽ chọn phân môn nào, xét theo năng lực bản thân và định hướng của bố mẹ nữa. Nhà trường thực hiện rất kỹ về việc định hướng cho con khi các em lựa chọn phân ban của mình”.

Đánh giá năng lực, định vị bản thân, lựa chọn môn học phù hợp là việc làm cần thiết không chỉ đối với học sinh bậc THPT mà còn là nhiệm vụ của nhà trường nơi các em theo học.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/loi-the-cua-ngoai-ngu-trong-lua-chon-to-hop-mon-233009.htm