Lời thì thầm của lá

GD&TĐ - Tôi yêu lá, yêu cây, yêu cả tiếng chim đang nũng nịu cùng mẹ ở trên cành nên chẳng chút ngại ngần chọn làm tiếng chuông báo hiệu của chiếc điện thoại nhỏ xinh. Khởi đầu của tình yêu ấy chính là dịp lớp chúng tôi cùng tham gia với Đoàn trường phủ màu xanh cho rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu.

Mặc dù đã tham gia khá nhiều các hoạt động tập thể, nhưng không hiểu sao, ngày ấy, khi nhận thông báo, ai cũng háo hức, chờ đợi. Tuổi trẻ hồn nhiên, chúng tôi suy nghĩ đơn giản lắm: Rừng do thiên nhiên tạo hóa ban tặng, chúng mình trồng cây gì cho hợp, và làm sao cho chúng mau tốt nhỉ!

Đường xa khoảng tám cây số, chúng tôi đi bộ là chủ yếu, thế mà mới gần năm giờ sáng đã tập trung khá đông đủ ở trường. Trước khi đi, cô chủ nhiệm lớp phổ biến rất kĩ kế hoạch hoạt động và ý nghĩa của chuyến đi.

Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay, trong hàng ngũ chỉnh tề, chúng tôi nối bước nhau hành quân. Công việc đầu tiên là rẽ vào vườn ươm ở Sân chim (Bây giờ gọi là “Khu du lịch sinh thái vườn chim”) để nhận cây giống. Vì ở nhà tôi hay phụ giúp gia đình trồng khoai mì, khoai lang và một số loại rau khác để sáu anh em có điều kiện đến trường nên được nhóm bạn phân công nhận giống cây, sau đó chia nhỏ cùng nhau đem ra biển trồng.

Nhìn những cây giống nhỏ xinh, lá xanh rì có bộ rễ nằm tua tủa quanh những cái bầu được ốp bằng thứ gì đó đang trong thời kì phân hủy nên có cái mùi ngai ngái khó quên.

Ấn tượng nhất là sự xuất hiện của “người bạn bất đắc dĩ” vì ham vui nên cố theo chân chúng tôi gần hết chặng đường. Gió thổi vi vu, những bước chân rộn ràng, tiếng cười nói xôn xao, con đường như hẹp và ngắn lại.

Đến ngã ba rẽ vào khu vườn nhãn - Ngã ba Hiệp Thành, tôi nghe nhỏ bạn thân nói sao có cảm giác ngứa ngứa ở khuỷu tay nên nhờ xem giúp. Ồ! Thì ra là cái lá cây đen nhỏ nhắn!

Tôi khẽ phủi giúp bạn. Lạ quá, phủi mấy cái liền mà không đi. Lá gì mà trơn trùi, kì cục? Nghe tôi lẩm bẩm, anh bạn lớp C1 đi hàng bên nhìn qua khẽ bảo: “Con đỉa đấy, để tớ lấy giúp cho”.

Ối trời! Còn hơn bị phỏng nước sôi, nhỏ bạn vội bỏ bó cây giống xuống đất rồi nhảy tưng tưng: “Á, ghê quá! Bắt giùm đi” trông rất tội nghiệp. Nhanh như cắt, tôi thấy anh bạn nhổ bãi nước bọt vào lòng bàn tay, xoa nhẹ rồi thu phục “người bạn bất đắc dĩ” trong lòng bàn tay của mình.

Chuyện “đỉa đi chơi” là đề tài để những bước chân trần quên mệt mỏi ra đến tận bãi biển. Chúng tôi bị cuốn hút bởi bầu không khí trong lành và tiếng vi vu của chị gió đang đùa cùng các rặng cây ven biển.

Rừng ngập mặn đây rồi. Nhìn những cây đước đang rung rinh khoe nét đẹp độc đáo của riêng mình trong nắng mai, tôi chợt nhớ đến mấy vần thơ Tố Hữu viết: “Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng/Gió càng lay càng vững thành đồng”.

Cây đước đẹp độc đáo bởi bộ rễ. Rễ cọc nhỏ nhưng cắm sâu vào lòng đất, còn rễ phụ rất lớn, mọc tua tủa quanh gốc cây rồi bám sâu vào lòng đất, đứng vững trên đất sình lầy đoàn kết bên nhau quyết tâm ngăn chặn sự hung hăng, hống hách của gió bão ngoài khơi xa đang chực chờ tràn vào.

Cánh rừng rộng mênh mông từ từ trải dài, xa tắp. Những cây đước đang đùa vui cùng nắng mai, và rì rào cùng sóng biển. Hơn hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đưa đước ra cùng bám biển.

Và lúc này đây, trong gió biển quê nhà, tiếng giảng bài của cô giáo tôi lại vọng về “Rừng ngập mặn ven biển sẽ giúp chắn sóng gió, bảo vệ đường bờ biển, tăng khả năng chống chọi với tác động của thay đổi khí hậu… Chúng ta phải chung tay bảo vệ, trồng rừng thêm rộng, thêm xanh. Trồng cây là biểu hiện cụ thể, thiết thực nhất của tấm lòng yêu thiên nhiên”.

Gần ba mươi mươi năm trôi qua, những kỉ niệm trong kí ức lại thêm dày. Nhưng ý nghĩa của phong trào trồng cây rừng ven biển vẫn vẹn nguyên.

Nó giống như những cây đước con đang ngày đêm bám đất, bám biển và “lá” vẫn thì thầm với “cây” khúc nhạc yêu thương để rồi tiếp tục đọng lại trong những bài học về kĩ năng sống, về tình yêu mà tôi truyền cho các bạn nhỏ đối với thiên nhiên như tình yêu của những người lính biển, của cả dân tộc Việt Nam đang quyết tâm giữ biển yêu thương của đất nước mình.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ket-noi/loi-thi-tham-cua-la-369670-b.html