Lối thoát bất ngờ

Chỉ trong vòng một tuần, tình thế bế tắc giữa Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đột ngột được khai thông. Chuyến công du bất ngờ đến Tehran của Tổng Giám đốc IAEA - ông Rafael Grossi - chỉ ra rằng những cánh cửa đóng chặt vẫn có thể được hé mở, nếu đủ thiện chí.

Trở về từ Tehran, Rafael Grossi mang theo một hành trang quý báu: Thỏa thuận mà ông vừa ký với Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) - ông Mohammad Eslami, theo đó cho phép các thanh sát viên của IAEA sử dụng các thiết bị giám sát lắp tại các cơ sở hạt nhân Iran, và thay bộ nhớ dữ liệu. Các dữ liệu này sẽ được niêm phong và lưu trữ tại Iran, cũng như được hai bên cùng giám sát.

Đặt chân xuống sân bay Vienne (thủ đô nước Áo), Tổng Giám đốc IAEA hồ hởi phát biểu: "Thỏa thuận này đã giải quyết được vấn đề cấp bách nhất với Iran trong hiện tại, từ đó tạo cơ hội cho các nỗ lực ngoại giao để có thể đạt được những giải pháp mang tính bao trùm".

Nghĩa là, nói cách khác, thỏa thuận mà ông đạt được có thể “tạo không gian cho các cuộc đàm phán ngoại giao”.

Rõ ràng, điều Rafael Grossi nói đến là những cuộc đàm phán ngoại giao nhằm khôi phục lại Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận lịch sử được ký kết năm 2015 giữa Iran với các cường quốc nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức), về chương trình phát triển hạt nhân của nước cộng hòa Hồi giáo ấy.

Hoan nghênh thỏa thuận mà IAEA đạt được với Iran, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, ông Mikhail Ulyanov, lập tức kêu gọi “nối lại sớm nhất có thể các cuộc đàm phán tại Vienna về khôi phục JCPOA”. Từ Liên hiệp châu Âu (EU), nhà đàm phán hạt nhân Enrique Mora cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

Ở phía đối diện, đến ngày 14/9, Bộ Ngoại giao Iran đã có một sự bổ nhiệm quan trọng: Ông Ali Bagheri Kani, cựu trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran tham gia ký kết JCPOA năm 2015, giữ cương vị Thứ trưởng, đồng thời là cố vấn của tân Bộ trưởng Ngoại giao Iran - Amir Abdollahian. Iran cũng đã xác nhận sẽ tham dự cuộc họp tiếp theo của IAEA.

Những diễn biến này hoàn toàn trái ngược so với bối cảnh một tuần trước, khi cũng chính Tổng Giám đốc IAEA “than thở” rằng nhiệm vụ thanh sát của IAEA tại Iran đã bị “suy giảm nghiêm trọng”, bởi Iran ngăn cản IAEA tiếp cận các cơ sở năng lượng nguyên tử, nhằm trả đũa những lệnh trừng phạt mới của nước Mỹ nhắm vào họ, kể từ hồi tháng 2.

Tuy nhiên, việc ông Rafael Grossi đích thân lên đường công du đến Iran đã tạo nên những thay đổi tích cực. Điều đó, cũng như cách thức thảo luận về các vấn đề của ông, được phía Iran đánh giá là “tốt đẹp và mang tính xây dựng”, “tạo cơ hội mở rộng tương tác và hợp tác”.

Cũng có thể, đây chính là những thông điệp ngầm mà Tehran muốn gửi đến phương Tây, cũng như Washington.

Bằng việc bổ nhiệm ông Ali Bagheri Kani, Iran xác nhận thêm một lần nữa rằng họ sẽ không nhân nhượng hoặc thay đổi cách tiếp cận vấn đề truyền thống của mình, đối với tiến trình hồi sinh JCPOA. Song, khi sẵn sàng để IAEA trở lại hoạt động thông qua “các biện pháp kỹ thuật”, Iran cũng cho thấy rằng họ vẫn mở lòng nối lại các cuộc đối thoại đồng dạng, miễn là chúng diễn ra với cách thức hợp lý.

Cách thức ấy, nước Mỹ buộc phải lựa chọn. Sau quyết định rút khỏi JCPOA năm 2018 của cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ không còn là một bên tham gia thỏa thuận này nữa, và vẫn chỉ có thể tham dự bên lề các vòng đàm phán trong vai trò không chính thức. Mặc dù vậy, ai cũng hiểu, không có sự tham gia của nước Mỹ, JCPOA cũng không thể được khôi phục trọn vẹn, và mang đầy đủ ý nghĩa như lúc đầu.

Võ Hoàng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/su-kien-binh-luan/loi-thoat-bat-ngo-665542/