Lối thoát cho nông nghiệp Việt

Cảnh báo của giới chuyên gia chỉ ra dịch bệnh COVID-19 sẽ tàn phá nền kinh tế toàn cầu trong đó Việt Nam.

Đặc biệt là ngành nông nghiệp bởi hiện nay có tới 70% kim ngạch nông sản thô xuất khẩu của nước ta là thị trường Trung Quốc.

Công nhân Công ty TNHH Nidec Việt Nam mua thanh long hỗ trợ nông dân.

Công nhân Công ty TNHH Nidec Việt Nam mua thanh long hỗ trợ nông dân.

Để ứng phó được với dịch COVID-19, ngành nông nghiệp phải xác định sự đồng hành và quyết tâm của 3 khu vực: Nhà nước, chính phủ; các doanh nghiệp và người nông dân. Cần nhận diện rõ tác động của dịch COVID-19 để xác định cả kế hoạch trước mắt và lâu dài để có biện pháp hiệu quả.

Chịu “tổn thương” lớn

TS Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phân tích, vấn đề lo lắng nhất của nông sản của Việt Nam và người nông dân vẫn là vấn đề thị trường.

Dịch COVID-19 tác động tới nông nghiệp theo 2 hướng. Thứ nhất là cầu. Hiện tại thị trường gần nhất và lớn nhất của chúng ta là Trung Quốc bị tác động trực diện. Điều này khiến cầu của thị trường sẽ trở về với những sản phẩm cơ bản như lương thực thực phẩm, và bỏ qua những sản phẩm khác như hoa quả... Như vậy, tác động về trái cây, rau đã nhãn tiền có thể thấy.

“Nhu cầu giảm thêm một lần nữa từ những ảnh hưởng do việc buôn bán cũng hạn chế như chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ ngưng trệ khiến cho cầu giảm. Trong khi đó, giao thương bị gián đoạn do dịch bệnh, “ngăn sông cấm chợ” khiến chi phí giao dịch cao, mặt hàng tươi sống của Việt Nam sẽ không bảo quản được”, TS Đặng Kim Sơn nói.

Thứ hai về kết cấu sản xuất tiêu dùng trong nước trong ngắn hạn không thể thay đổi ngay được để đáp ứng nhu cầu từ thị trường này. “Tôi cũng phải nhấn mạnh lại, khi tất cả các vấn đề liên quan đến giao thương bị gián đoạn, nông sản sẽ “nghẽn”” – ông Sơn nói.

Chưa tính đến dịch bệnh này, ngày đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã dự báo năm 2020 sẽ là năm khó khăn của ngành nông nghiệp. Ví dụ như dịch tả lợn Châu Phi khiến cho người chăn nuôi lao đao trong năm 2019 thì đến năm 2020 vẫn còn rất nhiều tác động khác như khó khăn kỹ thuật, tái đàn, vốn… Hay như năm nay nông nghiệp đương đầu với hạn hán sông Mekông, lâu lắm không diễn ra tình trạng này.

Tái cơ cấu “hậu covid-19” ngay từ bây giờ

Giải pháp cho các vấn đề này, chuyên gia cho rằng, không thể chỉ trông đợi nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước, có thể là những hỗ trợ tạm thời như khoanh vốn, giảm thuế, mở kênh phân phối…

Nhiều siêu thị, doanh nghiệp tích cực tham gia Chương trình giải cứu nông sản.

“Thế nhưng, về dài hạn chúng ta phải làm căn cơ hơn như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển sản xuất manh mún sang quy mô lớn… tất cả đều là những vấn đề đã được nhắc đến rất nhiều mà chưa làm được. Đó chính là vấn đề căn cơ về thương mại”, TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp chế biến phải liên kết chặt chẽ với những vùng nguyên liệu để giảm bớt khối lượng xuất khẩu tươi, tập trung chế biến sâu, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị và mở ra nhiều thị trường mới, không để trứng vào một giỏ.

Về lâu về dài, cần tập trung nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Đặc biệt cần khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng chế biến nông sản để có những sản phẩm tươi, bảo quản được lâu dài hơn. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm và công nghệ tiên tiến nhất, có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu, từ đó tạo dựng nền nông nghiệp bền vững cho Việt Nam.

Hàng dài xe chở nông sản ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh chờ thông quan

Không chỉ là giải pháp về thị trường, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch công ty CP Bagico cho rằng, cần tính bài toán dài hơi hơn đó là sản xuất theo tiêu chuẩn. Theo đó, nếu không có dịch COVID-19 thì có thể 1 -2 tháng tới chúng ta vẫn vướng ách tắc nông sản cửa khẩu.

“Năm ngoái chúng ta cũng đã tắc nghẽn nông sản ở biên giới vì quy định nhập khẩu có mã vùng trồng, mã xưởng, dán tem truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc. Hiện, chúng ta đang giẫm chân tại chỗ dù chính sách đã được thông báo 2 năm trước. Chúng ta vẫn chưa có quy định cụ thể về mã vùng trồng, xưởng hay tem truy xuất nguồn gốc”, bà Thực nhấn mạnh.

Song hành với những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc thì bản thân Luật Trồng trọt năm 2018 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020) của Việt Nam có điều 64 về quản lý vấn đề truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT cũng như UBND các cấp chưa có.

Theo đó, đối với mã vùng trồng luôn cố định, không bao giờ thay đổi, nhưng đối với mã xưởng, chúng ta chưa có nhìn nhận và tiêu chuẩn công nhận. Ví dụ như đối với vải thiều Lục Ngạn, kim ngạch xuất khẩu một năm rất cao, nhưng vì sao không có doanh nghiệp nào đầu tư xây dựng xưởng để sơ chế chế biến. Nguyên nhân vì đầu tư xây dựng nhà xưởng mà một năm chỉ làm 1 đến 2 tháng mùa vụ sẽ không hiệu quả kinh tế.

“Nếu chúng ta có những tiêu chuẩn cấp an toàn vệ sinh thực phẩm cho các xưởng lưu động như vậy sẽ có thể tháo dời lưu động. Ví dụ như bây giờ làm 2 tháng ở Lục Ngạn, hết mùa vải chúng tôi lại di dời sang các vùng có nhãn để làm tiếp hoặc các vùng khác nữa”, bà Thực nói. Đồng thời cho rằng, quan trọng là các địa phương cần hỗ trợ về mặt bằng vì doanh nghiệp không thể đầu tư tiền mua đất chỉ để xây xưởng sử dụng 1 2 tháng/năm.

Khó khăn rõ ràng tệ hại, nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận, đây là cơ hội tạo một áp lực bức bách để đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở chuỗi liên kết. Không thể để mãi tình trạng đưa ra thị trường sản phẩm thô, sản phẩm chưa qua chế biến, có rủi ro lại tập trung vào giải quyết…

Thanh Vân

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/loi-thoat-cho-nong-nghiep-viet-167095.html