Lối thoát nào cho việc xử lý rác thải ở Đà Lạt?

TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) có khoảng 300.000 dân, nhưng đón bình quân khoảng 7 triệu khách du lịch/năm, hiện TP đang có vấn đề lớn về xử lý rác thải sinh hoạt.

Sau khi xảy ra sự cố sạt lở "núi" rác Cam Ly, người dân, du khách mới giật mình về những bất cập trong việc xử lý rác thải của thành phố du lịch lớn nhất cả nước này.

Trong khi đó, nhà máy (NM) xử lý rác thải chính của TP chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí ngưng hoạt động, trong khi các ngành chức năng địa phương cũng chỉ ra nhiều lỗi của NM này.

Phóng viên Báo Công an TP. Hồ Chí Minh đã đi thực tế hiện trường bãi rác Cam Ly, NM xử lý rác thải rắn của Công ty TNHH môi trường Năng lượng xanh (Công ty NLX), làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, các sở, ngành liên quan để tìm lời giải đáp về vấn đề này. Đâu là bài toán khả thi?

Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trả lời những câu hỏi của PV Báo Công an TP.HCM về vấn đề xử lý rác trên địa bàn TP. Đà Lạt

Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng trả lời những câu hỏi của PV Báo Công an TP.HCM về vấn đề xử lý rác trên địa bàn TP. Đà Lạt

Thực trạng bãi rác Cam Ly và NM xử lý rác

Sự cố bãi rác Cam Ly chứa hàng trăm tấn rác liên tục có các quyết định đóng rồi lại mở cửa chứa rác tạm thời, bị sạt lở, NM xử lý rác thải sinh hoạt duy nhất trên địa bàn hiện chỉ xử lý được khoảng 80 tấn rác/ngày, chiếm chưa đến 40% công suất và hiện đang tạm ngưng hoạt động, khiến rác dồn ứ, lại đẩy về bãi rác Cam Ly khiến hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt ở thành phố này loay hoay suốt mấy năm qua, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh địa phương.

Bãi rác Cam Ly cách trung tâm TP. Đà Lạt 5km, nằm ở một triền thung lũng (tiện đường cho xe vào đổ rác), sau mấy chục năm, chất cao như núi chứ không phải "đem rác đổ trên núi" như nhiều người lầm tưởng. Một số hộ dân đã đến đây khai phá đất, canh tác hoa màu, làm nhà ở tạm phía dưới chân đồi, thung lũng.

Theo bản đồ quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đây là đất rừng phòng hộ. Các cơ quan hữu trách thuộc UBND TP.Đà Lạt hiện đang rà soát, kiểm tra tình trạng nguồn gốc đất các hộ dân canh tác tại đây để tính toán, hỗ trợ người dân; đồng thời đề xuất thu hồi diện tích đất trên (khoảng 1ha), do lượng rác bị đổ ngập sâu 2-3m đất canh tác của 7 hộ dân, không thể khắc phục. UBND thành phố bước đầu hỗ trợ số tiền 10 triệu đồng/hộ dân bị ảnh hưởng.

Bãi rác Cam Ly trong tình trạng bị sạt lở, đổ tràn xuống thung lũng

Việc xử lý rác tại đây do Công ty CP dịch vụ đô thị Đà Lạt đảm nhiệm, bằng các bước: rải vôi bột, phun chế phẩm vi sinh EM và phun hóa chất diệt ruồi bề mặt rác để giảm thiểu mùi hôi, sau đó rác được san ủi xuống vực thấp, lấp đất lên. Mặc dù bãi rác nằm xa khu dân cư, nhưng theo nhiều người dân, cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường, chắc chắn không tránh khỏi sau mấy chục năm, núi rác khổng lồ thẩm thấu xuống lòng đất gây ô nhiễm mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh về lâu dài.

NM xử lý rác Đà Lạt của Công ty NLX có tổng vốn đầu tư 381 tỷ đồng. Giai đoạn 1 đầu tư trên 155,3 tỷ, trong đó hơn 100 tỷ là nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ.

Theo đánh giá của các ngành chức năng liên quan: Sở KH-ĐT, Sở TN-MT, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng, UBND TP. Đà Lạt, Công ty NLX có rất nhiều hạn chế về tiến độ thực hiện dự án, hạng mục và thiết bị đầu tư, năng lực tài chính, công nghệ xử lý... NM chưa thực hiện đầy đủ và đúng theo các nội dung đã cam kết, không đảm bảo hoạt động xử lý rác 200 tấn/ngày. Đến nay, chỉ mới đưa 1 dây chuyền hoạt động.

Hợp đồng cam kết ban đầu, NM sử dụng công nghệ Green- entec để xử lý chất thải rắn (không chôn lấp) và có sản phẩm phụ kèm theo như gạch block, dầu PO&RO, phân hữu cơ vi sinh… Nhưng thực tế đến nay NM chủ yếu hoạt động bằng phương pháp thủ công, chủ yếu là đốt rác, không tạo ra sản phẩm phụ. Thậm chí chủ đầu tư bị quy "không minh bạch về tài chính trong quá trình triển khai dự án" do sau nhiều lần các ngành kiểm tra, cung cấp thiếu hoặc chỉ có bản photo các hóa đơn chứng từ khiến không thể xác định được tính chính xác, hợp pháp của chứng từ tài chính, hiệu quả hoạt động xử lý rác, vi phạm hợp đồng cam kết với địa phương.

Ngoài ra, tháng 8-2018, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phát hiện NM đã chôn lấp khoảng 4.000 tấn rác trữ tại đây, phạt 350 triệu đồng, nhưng đến nay, NM này chưa khắc phục việc nộp phạt.

Toàn cảnh NM xử lý rác Đà Lạt ở xã Xuân Trường

Lãnh đạo các sở, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng và TP. Đà Lạt đề xuất tỉnh Lâm Đồng yêu cầu NM rác Đà Lạt khẩn trương hoàn thiện các hạng mục, đưa dây chuyền xử lý rác thứ 2 đi vào hoạt động để đạt công suất xử lý từ 200 - 250 tấn/ngày. Có như vậy mới đảm bảo việc xử lý rác cho toàn thành phố, đóng cửa bãi rác Cam Ly; cùng đó, kiến nghị, nếu Công ty NLX không khắc phục, hợp tác nên có phương án mời gọi nhà đầu tư khác đủ năng lực, tâm huyết. Tuy nhiên, phía công ty cũng gửi hàng loạt đơn thư, ý kiến, vướng mắc trong hoạt động NM.

Ngày 27-8-2019, ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các ngành xem xét lại tính hiệu quả của NM, đồng thời nghiên cứu quy hoạch, tham mưu xử lý rác có hiệu quả. Ông Việt cho rằng, phương án thu gom, chôn lấp rác, nước rác rỉ ra làm ảnh hưởng đến môi trường là không thể chấp nhận được.

Ngày 4-9, chúng tôi trở lại NM xử lý rác tại xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt, do Công ty NLX làm chủ đầu tư, cách đường tỉnh lộ khoảng 5km, trên diện tích trên 20ha.

Xung quanh NM nhếch nhác, nước từ bãi rác rỉ ra đen kịt gặp nước mưa lõm bõm, chỉ có giày, ủng mới bước đi nổi. Khắp khu vực NM, mùi xú uế nồng nặc. Máy móc, dây chuyền xử lý rác thô sơ, lạc hậu kiểu thủ công so với những NM, dây chuyền xử lý rác hiện đại đang hoạt động tại một số tỉnh, thành.

Bên trong NM hoạt động xử lý rác theo các công đoạn thô sơ: nhập rác - phân loại sơ bộ bằng phương pháp thủ công để nhặt các phế liệu (nhựa, bao nylong...) - sàng, nghiền bằng máy, phần đem đốt - rác vụn, phế phẩm chất đống chờ ủ làm phân hữu cơ vi sinh (nhưng mới xây nhà xưởng, chưa có máy móc, thiết bị chế xuất phân vi sinh).

Anh Cao Văn Bé - Quản lý NM chia sẻ: Bình quân TP. Đà Lạt 1 ngày có khoảng 170 tấn rác, các mùa lễ, du lịch khoảng 200 đến 250 tấn, cao điểm dịp Tết khoảng 6-700 tấn rác/ngày. Trước đây, NM nhận về, sản xuất không kịp, để lâu ngày, bốc mùi kinh khủng lắm, anh em làm việc quanh năm, chỉ được nghỉ đúng từ trưa mùng 1 Tết đến sáng mùng 2 là phải bắt tay vào làm mới kịp tiến độ, nhiều khi tranh thủ ăn cơm ngay tại khu vực bãi rác. Mùa dịch tả heo Châu Phi vừa rồi, cả tháng trời, hầu như ngày nào xe rác về cũng có ít nhất 1 con heo chết, có con gần cả tạ; đủ các loại con vật chết lẫn trong rác mỗi ngày, lương công nhân tháng 5,6 triệu đồng/người.

Công nhân mặc đồ thường lao động, hỏi về đồ bảo hộ chống nhiễm khuẩn, nhiễm độc trang bị ra sao, anh cho biết, công nhân không chịu mang, kêu nặng, vướng, giặt phơi cực khổ.

Cũng theo anh Bé, ngày 17-8 vừa qua, một nam công nhân 17 tuổi, trong lúc làm việc, đưa rác vào dây chuyền phân loại, nghiền rác, bất ngờ 1 thanh gỗ dài khoảng 25cm văng trúng vùng hiểm ở đầu, gáy dẫn đến tử vong. Vụ tai nạn này, các ban ngành địa phương hỗ trợ, thăm hỏi, phía công ty bồi thường 150 triệu đồng. Sau vụ tai nạn lao động, nhiều công nhân sợ, nghỉ việc, cùng đó, do chưa được áp giá hỗ trợ xử lý rác với giá cả phù hợp, chưa được nghiệm thu thanh toán khối lượng rác đã xử lý trong tháng 8 nên NM ngưng hoạt động, chỉ xử lý nốt chỗ rác đã đưa về.

Cận cảnh một lò đốt của NM xử lý rác Đà Lạt

Băng chuyền xử lý phân loại rác, nghiền rác. Máy móc, dây chuyền xử lý rác của NM rất thô sơ

Quy trình xử lý rác tại đây chủ yếu là phương pháp đốt. Rác thải sinh hoạt từ gia đình đến khi công nhân Công ty CP đô thị chở về đây, rác đã bị đội ngũ "ve chai", nhân viên thu gom rác lượm hầu hết vật tư giá trị, như: nhựa, sắt, nilong... nên công nhân NM chỉ còn lựa được một ít bịch nilong, bao tải bán ký (800 đến 1.000 đồng/kg). Mặc dù NM có trang bị máy ép hạt nhựa nhưng vì quá ít nguyên liệu nên máy ngưng hoạt động.

Theo thiết kế, NM có 3 lò đốt với tổng công suất đốt là 80 tấn/ngày/đêm. Một số thiết bị hỗ trợ khác như hệ thống ống sinh hóa, hệ thống ủ, thu hồi mùi hôi bằng chất liệu Composite, nhưng hiện không có việc khử mùi hôi, chỉ có 2 lò đốt, khối lượng 60 tấn/ngày/đêm (theo anh Bé). Trong khi đó, báo cáo của Sở TN-MT, qua kiểm tra chỉ đạt 15 tấn/lò/ngày, đêm.

Đống rác chế phẩm để ủ thành phân vi sinh cả ngàn tấn nằm phơi nắng phơi mưa, bốc mùi ô nhiễm. Anh Bé cho biết, việc sản xuất phân vi sinh công ty liên kết hợp tác, nhưng hiện NM chưa có bảng giá hỗ trợ phê duyệt cụ thể của địa phương và mức hỗ trợ công bố là 336.000 đồng/tạ rác mới đây của UBND TP. Đà Lạt thì NM vẫn lỗ, lỗ nhiều năm nay nên khó cho NM, đối tác không chịu hợp tác. Bãi rác tồn đọng vào mùa mưa mà đổ thẳng dưới mái tôn NM thấm đẫm nước mưa, bốc mùi, ẩm ướt sẽ rất khó đốt.

Lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp nói gì?

Tại báo cáo số 146 ngày 3-5-2018 của Sở TN-MT, 3 lò đốt NM đã lắp đặt có tổng công suất đốt là 80 tấn/ngày/đêm. Công suất thực tế đang xử lý của lò đốt là 1.800-2.000kg/giờ, tương ứng với khả năng chỉ xử lý tối đa được khoảng 30 tấn/ngày do chỉ có 2 lò đốt đang hoạt động (dựa trên các thông số của nhà sản xuất). Do đó, thông tin từ NM hiện xử lý đốt 60 tấn/ngày/đêm là chưa chính xác.

Việc cấp phát, thanh toán kinh phí hỗ trợ xử lý chất thải cho Công ty NLX là từ nguồn ngân sách tỉnh. Năm 2015 đến 2016, mức hỗ trợ 192.000/tấn rác. Từ năm 2017 đến nay, ngân sách TP. Đà Lạt được tỉnh giao hỗ trợ kinh phí xử lý rác cho NM, dự toán cân đối hàng năm là 12,6 tỷ đồng, tương ứng khoảng 100 tấn rác/ngày, đơn giá 336.000 đồng/tấn rác, UBND thành phố đã ứng dư cho NM 1,3 tỷ đồng. Đến nay, phía công ty chưa thực hiện quyết toán kinh phí hỗ trợ xử lý rác hai năm 2017, 2018 do chưa hoàn chỉnh hồ sơ.

Đánh giá của các sở, ngành, UBND TP. Đà Lạt: Công ty NLX đang gặp một số khó khăn trong hoạt động xử lý rác như: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chi phí đầu tư tăng, không có sản phẩm đầu ra để bù đắp một phần chi phí xử lý rác, thành phần rác đa dạng chưa được phân loại tại nguồn và đặc thù Đà Lạt có độ ẩm cao... dẫn đến tình trạng NM không xử lý kịp lượng rác thải nhập vào. NM chưa thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung cam kết, kể cả việc bảo vệ môi trường. Công nghệ NM hiện tại đang sử dụng khá lạc hậu, hiệu quả xử lý thấp.

Thời gian qua, UBND tỉnh, TP. Đà Lạt, các sở, ngành đã nhiều lần kiểm tra, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu Công ty NLX khẩn trương đầu tư thêm máy móc, thiết bị, dây chuyền xử lý rác; xây dựng hạ tầng, công trình bảo vệ môi trường; tăng cường nhân lực để đẩy nhanh việc xử lý rác theo đúng công suất thiết kế đã được duyệt và khối lượng rác đã vận chuyển đến. Tuy nhiên, đến nay công ty không thực hiện.

UBND TP. Đà Lạt kết luận, NM xử lý rác thải rắn của Công ty NLX có tính khả thi không cao, không thể đáp ứng yêu cầu và hiệu quả trong việc xử lý rác thải toàn thành phố. Kiến nghị UBND tỉnh có kế hoạch thu hút các nhà đầu tư khác có đầy đủ năng lực để xây dựng NM xử lý chất thải rắn mới với công nghệ hiện đại, phù hợp với yêu cầu xử lý của thành phố hiện nay.

Chiều ngày 5-9, ông Cao Văn Cho - chủ Công ty NLX đã chủ động liên lạc với PV Báo Công an TP. HCM, cho rằng, những quy kết của các cơ quan chức năng với công ty là không thỏa đáng.

Theo ông Cho, giàn máy nhập từ Đức, thời điểm năm 2015 là hiện đại. Những hóa đơn photo là hóa đơn đỏ ngân hàng giữ bản chính nên chỉ có bản photo. Lò đốt nhập từ Thái Lan và ông giải thích, lò càng nhỏ, nhiệt đốt càng cao, trữ lượng tiêu hao lớn. Đà Lạt độ ẩm cao nên khó đốt. Ông Cho liên tục tỏ ra bức xúc, cho rằng, phía nhà đầu tư không nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đúng mức từ địa phương, như: không được ứng vốn, mức hỗ trợ phải 450.000/tấn rác mới đảm bảo hoạt động của NM. Với số tiền 155,3 tỷ đầu tư giai đoạn 1 của NM, trong đó 2/3 là nguồn tiền vay ưu đãi, UBND tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ 3 tỷ đồng, tiền đó công ty làm đường từ quốc lộ vào NM (5km), lắp đặt hệ thống đường điện chiếu sáng. Với khoản vay 71 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển tỉnh Lâm Đồng, ông vay với lãi suất thương mại 7%/tháng nên không thể gọi là ưu đãi, số tiền còn lại 36 tỷ ông vay từ các tổ chức tín dụng cùng nhiều nguồn khác và đều phục vụ cho NM, nhưng NM hoạt động không có lãi nên ông chưa trả nợ hết.

Chúng tôi thẳng thắn cho rằng, với trình độ công nghệ máy móc hiện đại ngày nay, so với một số NM xử lý rác thải khác đang vận hành ở các tỉnh, thành khác..., dây chuyền xử lý rác thải của Công ty NLX đã cũ và kém hiện đại, không tạo ra các sản phẩm phụ là khó khăn cho chính doanh nghiệp và TP. Đà Lạt, tại sao ông không hoàn thiện giàn máy theo đúng hợp đồng cam kết, hoặc đầu tư giàn máy khác hiện đại, đáp ứng nhu cầu xử lý rác theo công nghệ hiện nay. Ông Cho cho biết, do liên tục gặp khó khăn, không được hỗ trợ đúng mức, mức hỗ trợ hiện nay nếu tiếp tục làm sẽ lỗ nên không còn thiện chí, quyết tâm để làm. Ông Cho nói điều mâu thuẫn: Hiện có tới 6, 7 nhà đầu tư khác muốn hợp tác với ông nhưng ông "sợ" Lâm Đồng nên khuyên họ rút lui. ''Ai làm được, tôi sẵn sàng chuyển giao NM"!.

Xưởng sản xuất phân hữu cơ vi sinh chưa hoạt động

Phải chăng, vì là "đứa con duy nhất" nên nhà đầu tư yêu sách hay do các nhà quản lý, có trách nhiệm ở địa phương chưa thực sự lắng nghe tâm tư, vướng mắc của phía nhà đầu tư? Câu hỏi này xin dành cho những người trong cuộc để cùng tháo gỡ.

Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP.HCM, ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Đây không phải mảng ông phụ trách, nhưng vấn đề xử lý rác thải, bảo vệ, gìn giữ môi trường là mối quan tâm của tỉnh vì một mục tiêu để Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung luôn xanh - sạch - đẹp. Về NM xử lý rác thải rắn sinh hoạt của Công ty NLX, tỉnh rất quan tâm, chú trọng phương án thu hút, ưu tiên với nhà đầu tư.

Theo ông Yên, cần nhìn nhận vấn đề một cách nhân văn. Khi nhà đầu tư chấp thuận đầu tư vào lĩnh vực xử lý, tái chế rác thải là họ chú trọng, quan tâm đến môi trường, xã hội chứ không phải chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Nếu vì lợi nhuận, đầu tư lĩnh vực khác dễ sinh lời hơn. Thời điểm năm 2015, công nghệ máy móc, trình độ kỹ thuật xử lý rác của Công ty NLX lúc đó là cao, hiện đại, vì lúc đó chúng ta mới chỉ có phương pháp chôn lấp rác. Nhà đầu tư đến là tâm huyết, tích cực.

Tuy nhiên, quá trình vận hành có những trục trặc, khó khăn trong việc huy động vốn, tỉnh rất quan tâm, hỗ trợ nhà đầu tư hết mức. Cùng đó, nhà đầu tư cũng phải chủ động trong hoạt động vận hành dây chuyền máy móc, kỹ thuật, đảm bảo các cam kết đã đề ra. Vướng mắc đâu thì ngồi lại giải quyết để đạt hiệu quả các bên. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là quan tâm, hỗ trợ nhà đầu tư, cùng tháo gỡ vướng mắc trên tinh thần thiện chí.

Về giá hỗ trợ của UBND tỉnh Lâm Đồng với NM, trước đây là 192.000/tấn rác, sau đó điều chỉnh 336.000/tấn, tới đây là hơn 400.000/tấn. Mức giá này là thực hiện theo Quyết định của Bộ Xây dựng về suất vốn đầu tư xây dựng và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chứ không phải tỉnh muốn áp giá bao nhiêu cũng được.

Vị Phó Chủ tịch tỉnh cũng cho biết, bãi rác Cam Ly sẽ đóng cửa, không hẳn do ô nhiễm vì nằm trong rừng, xa trung tâm thành phố, mà do thực hiện Quyết định 704/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án mở rộng TP. Đà Lạt - Lâm Đồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, bãi rác Cam Ly sẽ là một phần trong diện tích mở rộng, do đó, tỉnh chủ trương đóng cửa, hoàn nguyên bãi rác Cam Ly, quy hoạch 20ha đất gần NM xử lý rác Xuân Trường làm bãi rác mới, mục tiêu xử lý, tái chế rác, không quay lại phương án chôn lấp.

Được biết, hàng tháng, các hộ gia đình, các khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp, hộ kinh doanh... đều đóng phí thu gom rác. Nguồn tiền này dành để nuôi bộ máy hoạt động của Công ty CP DV đô thị Đà Lạt trong việc thu gom, vận chuyển rác. Con số này rất cần minh bạch.

Chúng tôi thử tính toán, 12,6 tỷ đồng mỗi năm ngân sách tỉnh Lâm Đồng dành hỗ trợ cho NM xử lý rác thải Đà Lạt, trong khi công suất của NM mới chỉ đạt 80 tấn/ngày, cân đối hoạt động của NM, mức hỗ trợ này là tương đối. Nhiệm vụ của NM là cần tạo ra sản phẩm để có lợi nhuận. Nếu phía NM không thể đáp ứng yêu cầu xử lý rác của thành phố, không thực hiện đúng cam kết đã đề ra, không còn "mặn mà", tha thiết với hoạt động hỗ trợ, kinh doanh việc xử lý rác ở thành phố này, lãnh đạo tỉnh nên quyết đoán, có phương án hợp tình, hợp lý, không nên để những nhập nhằng này kéo dài, làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch địa phương.

Anh Cao Văn Bé - Quản lý NM xử lý rác Đà Lạt của Công ty Năng lượng xanh

Bên trong NM hoạt động xử lý rác

Ngọc Hà

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/di-tim-loi-giai-bai-toan-xu-ly-rac-da-lat_79700.html