Lời trần tình ân hận của kẻ trả giá đắt vì 3 lần chở mẹ đi... bán người

Mỗi lần được mẹ nhờ chở đi đón những đứa trẻ sơ sinh trên chuyến xe khách từ trong Nam ra sau đó đưa qua biên giới, Giang được mẹ trả công 300 nghìn đồng. Hai lần đầu trót lọt nhưng đến lần thứ ba thì Giang bị bắt.

Được xác định đóng vai trò giúp sức tích cực cho một đường dây buôn bán trẻ sơ sinh, Giang bị kết án 10 năm tù về tội buôn bán trẻ em.

Đoạn đời tội lỗi

Trong chuyến về trại giam Hoàng Tiến công tác, chúng tôi đến đúng dịp trại vừa mở lớp học xóa mù dành cho những phạm nhân chưa biết chữ.

Lớp học khoảng 40 người, bao gồm cả phạm nhân nam nữ với đủ các lứa tuổi và đương nhiên, họ cũng đều là phạm nhân, phạm những lỗi lầm không giống ai. Trong số này, chúng tôi đặc biệt chú ý đến nam phạm nhân Nguyễn Văn Giang, SN 1982, quê ở Kiến Thụy, Hải Phòng. Giữa thời đại 4.0 này, việc một chàng trai đất cảng mà một chữ bẻ đôi không biết, kể cũng lạ.

Nguyễn Văn Giang đang nắn nót tập viết tại lớp học xóa mù chữ ở trại giam Hoàng Tiến

Dường như đoán được sự thắc mắc của chúng tôi, Giang gãi đầu gãi tai: “mẹ em không biết chữ đã đành, đến em còn mù chữ thì đáng xấu hổ chị nhỉ”. Vào học được 2 tháng, Giang đã viết được một vài từ đơn giản, những chữ phức tạp còn viết sai, duy chỉ có tên mình là viết đúng. Giang bảo nếu học chữ khó vào quá thì chỉ cần viết đúng tên mình để sau này cần đến không sợ sai. Chuyện học toán, với thanh niên này thì có vẻ không cần vì “em tính nhẩm cũng chưa khi nào nhầm lẫn tiền nong thì cần gì phải học những phép tính nhân chia”. Nghe Giang nói, tôi thấy cũng có lý một phần. Nhiều khi con người ta cũng nên qui đổi về cái đơn giản để mà sống.

Mang tiếng là trai đất cảng nhưng Giang sớm theo người mẹ khốn khó của mình ra TP Móng Cái sinh sống. Mẹ rửa bát thuê cho các nhà hàng, quán ăn, Giang làm cửu vạn, đến khi dành dụm được tí tiền thì mua chiếc xe máy làm phương tiện chở khách, kiếm ăn. Cuộc sống cứ thế đắp đổi qua ngày rồi Giang cũng có vợ. Đó là một phụ nữ đã một đời chồng, quê ở Kim Bảng, Hà Nam. Theo lời Giang thì phần vì nghèo, phần vì người phụ nữ này chưa dứt khoát chuyện hôn thú với người chồng ở quê nên khi đến với Giang, hai người chỉ chung chăn chung gối chứ chưa được pháp luật công nhận là vợ chồng. Tuy thế nhưng họ cũng có được với nhau một đứa con trai. Ngày Giang bị bắt rồi vào đây thi hành án, vợ Giang vẫn đang tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Nỗi ân hận

Theo cáo trạng, đầu tháng 8-2013, Giang được mẹ nhờ chở ra khu 7 phường Hải Yên, TP Móng Cái đón một đứa trẻ sơ sinh sau đó đưa cho một phụ nữ mà Giang không biết làm gì, ở đâu, đưa đi. Lần này, Giang được mẹ trả công 300 nghìn đồng. Nửa tháng sau, Giang tiếp tục được mẹ nhờ đi đón một đứa bé được một cô gái trẻ đưa ra Móng Cái trên một chuyến xe khách. Đứa bé này sau đó cũng được đưa qua biên giới và Giang nhận được 300 nghìn tiền công.

Tới lần thứ ba, Giang cũng được mẹ thuê chở đi đón một đứa trẻ mà qua lời trao đổi của mẹ qua điện thoại, Giang biết rằng đứa trẻ đó sinh ra trong miền Nam, được mẹ nó cho đi làm con nuôi. Khi Giang và mẹ vừa đón một đứa trẻ từ trên xe khách xuống tại km số 8 phường Hải Yên, TP Móng Cái thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Đó là trưa 27-8-2013.

Với hành vi này, Giang bị kết án 10 năm tù về tội Mua bán trẻ em. Hỏi Giang cảm giác thế nào khi đứa trẻ bị bán đó là con mình, anh ta nhìn chúng tôi, ánh mắt thảng thốt. Im lặng đến vài phút, Giang mới cất lời: “tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Nếu đã liên tưởng tới chuyện đó, tôi đã không hành động như đã làm”.

Theo lời Giang thì ngày mới vào trại giam, anh ta được phân về đội sản xuất. Công việc chính là trồng rau, được đi lại và không gò bó nên Giang cũng thấy thoải mái. Anh ta bảo ngày còn chưa có án, suốt ngày ngồi trong 4 bức tường, đầu cứ suy nghĩ vớ vẩn, Giang đã lo sợ vì “nếu có án rồi mà cứ cứ ngồi suốt thế này mấy năm liền chắc phát điên mất”. Nhưng khi về trại cải tạo, Giang thấy những suy nghĩ, mường tượng trước đó của mình là hoàn toàn sai lệch. “Tôi chẳng còn mong gì hơn là cố gắng cải tạo thật tốt để được giảm án, sớm trở về nhà lao động nuôi con. Mẹ tôi cũng đi tù, án nặng hơn tôi nên tôi phải có trách nhiệm ra tù sớm để còn thăm nuôi bà ấy”, Giang tâm sự.

Hỏi Giang sau chuyện vừa rồi có trách mẹ mình không, anh ta lắc đầu cười: “Trách gì chứ, dù sao chuyện cũng xảy ra rồi. Mẹ tôi cũng đi tù, sướng gì hơn tôi đâu”.

Nói về cảm giác lần được cầm quyển sách, đánh vần, đôi mắt Giang hấp háy: “Cảm giác của tôi lúc đó lạ lắm, vừa vui vừa tủi. Hôm đầu tiên đi học về, đêm đến tôi đã không ngủ được vì cứ nhắm mắt lại trong đầu lại hiện lên những con chữ”. Giang bảo sẽ cố gắng học vì đây chính là cơ hội để anh ta sống lại tuổi thơ không được đi học của mình. Với Giang thì dù có thể sau này không đọc thông viết thạo hay nhân chia đúng thì được đi học, được sống trong cảm giác lớp học với thầy cô giáo sẽ là dấu ấn anh ta không bao giờ quên. Và nó sẽ là hành trang để Giang phấn đấu cải tạo tốt hơn.

Đức Hùng

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/loi-tran-tinh-an-han-cua-ke-tra-gia-dat-vi-3-lan-cho-me-di-ban-nguoi-53707.htm