Lợi và hại từ một xu hướng chống nắng của phái đẹp

Sử dụng quần áo chống nắng để bảo vệ cơ thể trước ánh nắng mặt trời là một biện pháp đúng đắn. Chống nắng không đơn giản ở việc trùm kín mà chính yếu là trang phục, chất liệu và cách sử dụng. Nếu dùng không đúng cách, vô hình trung tạo ra nhiều yếu tố nguy hại khó lường.

Nhiều ý kiến chủ quan cho rằng, có thể sử dụng bất cứ loại trang phục nào, chất liệu nào miễn sao che chắn kín được cơ thể. Điều này chưa đảm bảo hiệu quả chống nắng cho cơ thể. Để giảm thiểu những tác động của tia UV lên làn da không chỉ đơn giản ở việc che chắn cơ thể trước ánh nắng, mà cần sự hiệu quả trong việc chống lại tia UV.

Trang phục phù hợp và các biện pháp bảo vệ

Trên thực tế, tất cả các loại vải đều có khả năng cản được bức xạ tia UV, nhưng chỉ ở các mức độ khác nhau, chứ không thể chống tia UV triệt để. Để chọn trang phục áo khoác chống tia UV hiệu quả, bạn cần phải chú ý đến chỉ số UPF (Ultra violet Protection Factor) hay chỉ số bảo vệ chống tia tử ngoại. Đối với các trang phục chống nắng, chỉ số UPF càng cao thì khả năng ngăn cản bức xạ tia UV sẽ càng hiệu quả. Một số chất liệu vải có chỉ số UPF cao như vải jeans.

Áo chống nắng hiệu quả cần sản xuất từ loại vải có chỉ số UPF từ 15 đến 50+, đó là khoảng UPF có tác dụng bảo vệ da tốt nhất. Thông thường, chất liệu sợi tổng hợp như polyester hay nylon có khả năng chống tia UV cao hơn so với sợi vải cotton. Ngoài ra, chất liệu trang phục cần thoáng mát; tránh bức bí, gây khó chịu trong quá trình sử dụng cũng như tiềm ẩn các mối nguy về sức khỏe.

Về màu sắc, theo nguyên lý hấp thụ nhiệt của màu sắc thì những gam màu tối, sẫm sẽ có khả năng hấp thụ nhiệt cao hơn và ngăn cản tia UV tốt hơn. Do đó, khi mặc áo chống nắng màu tối, bạn thường cảm thấy nóng hơn, nhưng giúp bảo vệ da tốt hơn so với sử dụng các trang phục sáng màu. Song song với việc che chắn các vị trí cơ thể sẽ hoặc bị phơi ra ánh nắng, chúng ta cần sử dụng thêm các biện pháp bảo vệ khác như kem chống nắng, nón mũ rộng vành, kính râm…

Bệnh “cư trú” trong trang phục chống nắng

Nhiều người chống nắng một cách thái quá như trùm quá kín, sử dụng nhiều lớp trang phục chống nắng. Như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy, mất an toàn như giới hạn tầm nhìn, khả năng quan sát khi tham gia giao thông. Hạn chế khả năng di chuyển, linh hoạt trong xử lý tình huống khi có sự cố.

Mẹo nhỏ có thể giúp người dùng kiểm tra một phần hiệu quả chống nắng của vật liệu bằng cách sử dụng một đèn chiếu để chiếu qua lớp chất liệu. Nếu ánh sáng xuyên qua lớp chất liệu thì hiệu quả chống tia UV sẽ không đảm bảo.

Nếu trang phục chống nắng có chất liệu phù hợp sẽ giúp việc chống nắng, bảo vệ da hiệu quả. Trái lại, chất liệu không hiệu quả, không thấm hút tốt, không thoáng mát… sẽ khiến cơ thể không thoát nhiệt, gây nóng, đổ nhiều mồ hôi; bít tắt các lỗ chân lông, dị ứng, mẩn đỏ, tăng bệnh lý ở da như chàm, nấm… Mặt khác, trang phục chống nắng thường được chị em để trong cốp xe, sau mỗi lần sử dụng không được vệ sinh thường xuyên, sẽ thành “ổ vi khuẩn” được tích lũy nhiều lên từng ngày. Độ ẩm của trang phục do tích tụ của mồ hôi còn là nguyên nhân gây viêm da dầu, nấm da, gàu và viêm nang lông…

Trang phục chống nắng nên vệ sinh định kỳ khoảng 1 tuần 2 lần. Giữ trang phục khô sạch, nếu dính nước, bị ẩm… cần được giặt sạch, phơi khô ráo. Việc dùng chung trang bị chống nắng trong một số trường hợp có thể làm lây nhiễm các bệnh ngoài da nếu người sử dụng trước mắc bệnh, sẽ để lại mầm bệnh cho người sử dụng sau đó.

Đối với việc đeo khẩu trang, theo các khuyến cáo thông thường, nếu không có các vấn đề về bệnh lý hô hấp thì việc sử dụng khẩu trang vải 2 lớp, đủ tiêu chuẩn, cũng đạt được hiệu quả mong muốn. Không nhất thiết sử dụng “combo nhiều lớp” gồm khẩu trang y tế, khẩu trang vải, khẩu trang vải che mặt bên ngoài như nhiều người vẫn áp dụng. Dùng nhiều lớp khẩu trang sẽ làm bề mặt da không được thông thoáng, tích tụ mồ hôi, bã nhờn… dễ gây mụn, dị ứng da.

Mũ bảo hiểm cũng là một thành phần trong bộ trang phục bảo vệ của chị em. Sử dụng mũ không đúng cách còn là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật. Mũ không được vệ sinh thường xuyên, có khi cả năm mới giặt một lần; trở thành nơi tích tụ mầm bệnh, vi khuẩn gây hại cho da đầu như gàu, viêm da tiết bã, nấm da đầu...

Đối với người gặp phải các bệnh lý về da đầu như nấm tóc, có thể sử dụng các miếng lót vải tháo rời để vệ sinh hằng ngày. Tránh trường hợp biến mũ bảo hiểm thành một điểm lây nhiễm mầm bệnh.

ĐI Ô TÔ CÓ NÊN SỬ DỤNG TRANG PHỤC CHỐNG NẮNG?

Khi lưu thông bằng ô tô, người điều khiển xe nên sử dụng kem chống nắng thay vì sử dụng các loại trang phục như khi đi xe máy. Sự nguy hiểm do giảm khả năng quan sát, hạn chế tầm nhìn và sự linh hoạt của trang phục chống nắng có thể gấp nhiều lần so với lưu thông bằng xe máy.

BS.CKI LÊ VI ANH

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/loi-va-hai-tu-mot-xu-huong-chong-nang-cua-phai-dep-n185580.html