Lối về yêu thương

Lối về của nhiều bạn trẻ một thời lầm lỡ, đã có vòng tay yêu thương của cộng đồng xã hội sẵn sàng giúp họ xây lại niềm tin.

Các thanh niên chấp hành xong án và đang chấp hành tốt tại trại giam giao lưu tại chương trình “Lối về yêu thương” - Ảnh: Bắc Bình

Tỉnh đoàn Bến Tre phối hợp Công an tỉnh và Trại giam K20 Châu Bình thuộc Cục C10, Bộ Công an tổ chức chương trình “Lối về yêu thương” và tuyên dương thanh niên hoàn lương.

Chương trình có sự tham gia của 300 thanh niên trên địa bàn tỉnh, phần đông là người đang được chính quyền quan tâm “đặc biệt”; còn lại là những người chấp hành xong án và đang chấp hành tốt tại trại giam.

Niềm hối hận và day dứt khôn nguôi

Trần Duy Tuệ (quê TP.Cần Thơ) đang chấp hành án tù ở Trại giam K20 Châu Bình về tội cố ý gây thương tích, kể năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT, Tuệ tổ chức tiệc mừng cùng dịp sinh nhật. Tiệc đang diễn ra, Tuệ nhận được điện thoại báo tin có người anh trong nhóm bị đánh. Trong cơn say, Tuệ cùng nhiều người khác kéo đến nhà “đối thủ”, gây thương tích cho 2 người tỷ lệ 64% và 15%. Sáng hôm sau tỉnh rượu, Tuệ mới tá hỏa về hậu quả mình gây ra và mọi dự tính tương lai cũng dừng lại từ đó.

“Lúc đầu còn có vài anh em trong nhóm thỉnh thoảng đến thăm, nhưng dần dần chỉ còn mỗi cha mẹ tôi thay phiên nhau vượt hơn 200 km từ nhà đến trại giam thăm tôi. Hằng đêm trong trại giam, tôi nhận ra rằng những cuộc vui chơi chè chén với bạn bè thật sự chỉ mất thời gian, tiền bạc, sức khỏe và hậu quả cụ thể nhất là cuộc đời tôi bị cướp đi cơ hội vào đại học. Tôi ân hận về sự nông nổi, bồng bột của bản thân lắm”, Tuệ xúc động nói.

Anh Trần Văn Châu, ngụ H.Bình Đại (Bến Tre), người vừa chấp hành án tù trở về địa phương, chia sẻ sự hối hận do tính nóng nảy mà đánh người khác. “Hàng ngàn ngày dài đằng đẵng ngồi sau song sắt, nỗi day dứt về sự vô trách nhiệm của mình đối với vợ con cứ hành hạ tôi ăn ngủ không yên trong thời gian chấp hành án”, anh Châu nói trong nước mắt.

Cũng tại buổi giao lưu, câu chuyện thử ma túy một lần khiến anh Dương Ngọc Anh Tuấn (ngụ H.Giồng Trôm, Bến Tre) phải ngồi tù hơn 15 năm khiến các bạn tham dự buổi giao lưu hết sức thấm thía. “Heroin cho mình cảm giác rất sướng rồi nằm đó. Ma túy khiến mình không còn ý chí để làm việc, và để có tiền chơi chỉ có cách vi phạm pháp luật mà thôi”, anh Tuấn ngộ ra. Và không thể ngờ được, người bảo vệ tại UBND H.Giồng Trôm hiện nay chính là anh Tuấn, người đã hoàn lương thành công nhờ niềm tin mãnh liệt vào vòng tay của gia đình và chính quyền địa phương.

Tạo niềm tin để thanh niên lầm lỡ trở về

Anh Nguyễn Phúc Linh, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN tỉnh Bến Tre, cho biết đây là năm thứ hai Tỉnh đoàn phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chương trình “Lối về yêu thương” và là lần thứ nhất tuyên dương 10 người hoàn lương được địa phương đánh giá là tích cực.

Theo anh Linh, sau một năm thực hiện, chương trình ghi nhận sự chuyển biến khá tích cực đối với những thanh niên đã chấp hành án tù tại Trại giam K20 Châu Bình, đăc biệt là các thanh niên đã chấp hành án tù về địa phương... Thông qua hoạt động của Đoàn, Hội, chương trình lan tỏa khá mạnh mẽ trong thanh niên thông qua việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Trong đó, những tuyên truyền viên năng nổ, có hiệu quả nhất phải kể đến là những người từng chấp hành án tù.

Anh Linh cho biết thêm, để tạo điều kiện cho thanh niên sớm tái hòa nhập cộng đồng, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục truyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Tỉnh đoàn sẽ phối hợp các cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Quỹ hỗ trợ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng (vừa được UBND tỉnh Bến Tre ban hành) để tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo, dạy nghề, hướng nghiệp cho thanh niên có quá khứ lầm lỗi để giúp họ ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, hỗ trợ vốn cho thanh niên chí thú làm ăn để khởi nghiệp...

Đại tá Trần Thị Bé Nhân, Phó giám đốc Công an tỉnh Bến Tre, cho biết nội dung trọng tâm xuyên suốt của chương trình “Lối về yêu thương” là tạo niềm tin để xây dựng chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các bạn trẻ, nhất là các bạn lầm lỡ sau khi chấp hành xong án tù. Bởi chỉ khi người lầm lỡ có được niềm tin vào bản thân, vào gia đình, xã hội thì họ mới đủ ý chí, nghị lực xây dựng lại cuộc sống, quyết tâm sửa chữa để trở thành người có ích cho xã hội.

Tiếp nghị lực

Đại tá Phạm Chí Trường, giám thị Trại giam K20 Châu Bình, khẳng định: “Lối về yêu thương là một trong những chương trình có hiệu quả rõ rệt mà chúng tôi áp dụng để tạo niềm tin, nghị lực vươn lên cho hàng ngàn người đang phải giáo dục, cải tạo, uốn nắn lại tư tưởng, hành vi vốn đã sai lệch theo các chuẩn mực đạo đức của xã hội và pháp luật”.

Bắc Bình

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/loi-ve-yeu-thuong-1012106.html