Lợn đất Bát Tràng rộn ràng đón Tết

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đã cận kề, tại làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) tấp nập cảnh người mua kẻ bán. Không khí làm viêc tại các xưởng sản xuất của làng nghề cũng khẩn trương hơn hẳn. Năm nay mặt hàng linh vật năm Kỷ Hợi 2019 được khách hàng rất ưa chuộng.

Những chú lợn đất luôn có sức thu hút với những khách hàng nhí.

Những chú lợn đất luôn có sức thu hút với những khách hàng nhí.

Công đoạn đầu tiên để tạo nên một chú lợn đất là trộn đất, đổ khuôn tạo hình. Kích thước của khuôn sẽ quyết định độ to nhỏ của những chú lợn đất thành phẩm. Nguyên liệu tạo hình là đất cao lanh hay còn gọi là đất sét trắng - một trong những loại đất mang tính bở, chịu được lửa có nhiệt độ rất cao để tạo thành một kết cấu vững chắc.

Sau khi đổ đất đầy khuôn, người thợ sẽ tiến hành sấy khô để tạo hình ban đầu cho những chú lợn đất.

Người thợ lấy lợn đất đã khô ra khỏi khuôn. Sau đó, những chú lợn này sẽ được đem ra phơi vài lần nắng. Nếu thời tiết ẩm và nồm nên người thợ sẽ sử dụng lò sấy và quạt gió để hong khô lợn đất trong nhà.

Lợn đất được người thợ chuốt nhẵn, lau thật cẩn thận sau khi hong khô.

Mỗi chú lợn đất khi đã được làm sạch và để khô sẽ được tráng qua một đến hai lượt men. Đây là công đoạn quan trọng nhằm tạo nên độ bóng bẩy của những chú lợn đất sau khi nung.

Người thợ Bát Tràng tỉ mỉ vẽ màu, trang trí họa tiết cho Lợn đất. Những họa tiết được trang trí có nội dung trang trí đa dạng thường là hoa đào, mai; hay theo chủ đề Phúc, Lộc, Thọ; hay những cảnh vẽ thể hiện sự sung túc, ấm no, hạnh phúc....Theo những người thợ vẽ lành nghề điểm khó nhất khi vẽ tượng lợn đất là đôi mắt. Người thợ phải toát được cái hồn của đôi mắt để thể hiện sự vui vẻ, ngộ nghĩnh của lợn đất.

Lợn đất sau khi được tráng men và vẽ sẽ được đưa vào lò nung ở nhiệt độ 1.200 độ C trong vòng 14 tiếng đồng hồ.

Theo ông Thành (45 tuổi) chủ một xưởng sản xuất và phân phối lợn đất Bát Tràng cho biết: “Điểm khác biệt giữa lợn đất Bát Tràng với lợn đất ở những nơi khác là ở Bát Tràng, chúng tôi nung đất ở nhiệt độ cao tác động đến vật mẫu, do đó các sản phẩm rất bền dày và mỗi con lại mang một dáng vẻ khác nhau, không con nào giống con nào.”

Theo tín ngưỡng dân gian lợn mang ý nghĩa may mắn, phồn thịnh và đủ đầy. Tượng lợn đất luôn nổi bật với thần thái tươi vui, dáng hình hoan hỉ hướng tới cuộc sống an nhiên, để khởi đầu một năm mới vạn sự như ý, ấm no, sung túc.

HỒ THU - THU HẰNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/photo_news/item/38998602-lon-dat-bat-trang-ron-rang-don-tet.html