London - Điểm đến quan trọng trong hành trình cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), phóng viên TTXVN tại London đã trò chuyện với nhà sử học Anh John Callow về hành trình tìm đường cứu nước và tư tưởng vĩ đại của Người, cũng như những phẩm chất làm nên vị lãnh tụ xuất chúng của Việt Nam.

Nhà sử học Anh John Callow. Ảnh: Hải Vân/TTXVN

Theo nhà sử học John Callow, trong hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó với tên gọi Nguyễn Tất Thành) đã dành 3 năm sống ở Anh. Tháng 5/1914, Người đến London, trung tâm quyền lực của chủ nghĩa đế quốc, trung tâm tài chính của chủ nghĩa tư bản, và thủ đô của đế chế trải dài qua châu Phi đến tận Ấn Độ. Thời kỳ đó, Anh là công xưởng của thế giới, sở hữu những hạm đội hải quân và quân đội khổng lồ với sức mạnh bậc nhất thế giới.

Nhà sử học John Callow cho rằng trong hành trình khám phá vĩ đại của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến London để tìm hiểu những bí mật của chủ nghĩa đế quốc và để cảm nhận về thế giới công nghiệp phát triển. Người đã đi khắp thế giới, dọc theo bờ biển châu Phi, qua đảo Madagascar, Congo, tới Maroc và sau đó đến cảng Marseille của Pháp. Tại Pháp, Người đã thấy các điều kiện của chính quyền thực dân đang đô hộ đất nước mình, và giờ đây Người muốn tận mắt thấy một cường quốc thực dân lớn khác đang ảnh hưởng đến châu Á ra sao.

Trong lịch sử, đã có không ít các cuộc nổi dậy chống lại đế quốc, thực dân và chủ nghĩa tư bản, nhưng tất cả đều thất bại. Theo sử gia người Anh, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn tìm hiểu nguyên nhân của những thất bại này để tìm ra con đường phát triển cho Việt Nam. Người đến London vào thời điểm đang xảy ra những bất ổn công nghiệp lớn với nhiều cuộc đình công, biểu tình tuần hành của tầng lớp lao động, như cuộc đình công lớn ở Liverpool hay cuộc nổi dậy của công nhân Ireland năm 1916 đấu tranh cho nền độc lập dân tộc. Điều này đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến Người.

Khi đến London, đầu tiên người thanh niên Nguyễn Tất Thành làm việc tại Quảng trường Soho, xúc tuyết trong sân chơi của các trường học dưới cái lạnh cắt da cắt thịt. Sau đó, Người chuyển đến làm tại khách sạn Drayton Court gần tuyến đường sắt đầu tiên của London về phía Đông, trước khi làm tại khách sạn Carlton. Khách sạn Carlton (hiện là tòa nhà của Cao ủy New Zealand trên phố Haymarket) khi đó là một tòa nhà nguy nga, tráng lệ thời Victoria, là nơi phô bày sự giàu có và quyền lực của đế chế Anh.

Một tấm biển xanh gắn tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tòa nhà được xây dựng trên nền khách sạn Carlton cũ, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc trong những năm tháng ở London. Ảnh: Minh Hợp/TTXVN

Theo sử gia Anh, tại khách sạn Carlton, Nguyễn Tất Thành bắt đầu bằng công việc rửa bát đĩa, sau đó trở thành một thợ làm bánh ngọt lành nghề dưới sự hướng dẫn của một đầu bếp làm bánh nổi tiếng. Chính tại đây, Người đã cảm nhận hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo trước sự lãng phí của những thực khách giàu có luôn để thừa mứa thức ăn. Người đã gom những đồ ăn thừa này và mỗi tối phân phát cho những người nghèo đang đợi ở con hẻm phía sau khách sạn. Khi ở London, Nguyễn Tất Thành cũng tham gia tích cực phong trào của một hiệp hội lao động có tổ chức, thu hút công nhân Trung Quốc, Lào và Việt Nam.

Theo ông John Callow, phần lớn những gì chúng ta biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn này đều đến từ những tấm bưu thiếp Người gửi cho bạn bè và đồng chí của mình ở Paris, trong số đó có 3 tấm đã bị cảnh sát Pháp chặn lại. Một tấm trong số này là bài thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về quê hương, về nỗi nhớ nhà, nhớ đồng bào, song Người không bao giờ đi chệch khỏi mục tiêu giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách đô hộ của chế độ thực dân.

Thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở London cũng được lưu giữ trong hồ sơ của cảnh sát Pháp, theo đó có các báo cáo về một công nhân Việt Nam đang làm việc ở London. Cảnh sát Pháp đã chặn một số bài viết của Người, đồng thời nhờ cảnh sát Anh lục soát nơi ở của Bác - một căn hộ nhỏ ngay phía sau đường Tottenham Court. Tuy nhiên, Người đã rời đi trước khi cảnh sát Anh đến.

Ông John Callow khẳng định mặc dù là giai đoạn đầu trong sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, nhưng thời gian ở Anh đã tạo ra những nền tảng sâu sắc trong sự phát triển tư tưởng và sự nghiệp sau này của Người. London lúc đó chứng kiến sự phát triển của phong trào công nhân Anh với rất nhiều bài viết về xã hội chủ nghĩa, cũng như các phong trào công đoàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận và đọc được rất nhiều tạp chí về xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ này. Theo ông Callow, có lẽ lần đầu tiên Người tiếp cận các tác phẩm của Karl Marx là ở London, có thể từ những đồng chí người Pháp làm việc tại đây.

Việc tiếp cận chủ nghĩa Marx đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra lời giải cho tư bản tài chính, cho sự bất bình đẳng trong cách thức hoạt động của chế độ thuộc địa, cách mà các dân tộc và các giai cấp bị bóc lột, ông John Callow nhận định đây là nền tảng về kinh tế chính trị và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rời Anh ngay sau cuộc cách mạng năm 1917 ở Nga và chịu ảnh hưởng lớn từ tác phẩm của Lenin về các dân tộc thuộc địa.

Theo sử gia Callow, tài năng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm ở chỗ Người đã kết hợp và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx - Lenin vào thực tiễn của Việt Nam, đất nước chịu sự đô hộ của thực dân, đưa đến cho người dân Việt Nam con đường cách mạng thiết thực cũng như những thay đổi về chủ nghĩa xã hội trong điều kiện của Việt Nam.

Ông Callow ca ngợi sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người không đơn thuần đi theo những tư tưởng đã tiếp thu, mà sáng tạo, phát triển những tư tưởng này với mục tiêu giải phóng dân tộc, giúp cuộc sống của người dân Việt Nam tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, thịnh vượng hơn. Đây cũng chính là nền tảng hình thành Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tòa nhà được xây dựng trên nền khách sạn Carlton cũ, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc trong những năm tháng ở London. Ảnh: Minh Hợp/TTXVN

Đánh giá về Tư tưởng Hồ Chí Minh, ông Callow cho rằng sự vĩ đại nằm ở tính thích ứng. Tư tưởng Hồ Chí Minh không biến chủ nghĩa Marx thành một tư tưởng giáo điều để tôn thờ. Sự thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm cho tư tưởng này có thể áp dụng được ở Việt Nam mà vẫn tính đến các điều kiện cách mạng của đất nước. Người suy nghĩ hằng ngày, hằng đêm về việc đạt được mục tiêu cách mạng và thực hiện một cuộc cách mạng thực sự đáng giá để quét sạch những đế quốc đang thống trị số phận và cơ hội sống của người dân Việt Nam, để thay vào đó những gì tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn.

Nhà sử học cho rằng Tư tưởng Hồ Chí Minh đã tiếp thu những truyền thống tốt đẹp và sự xuất sắc của nền văn hóa Việt Nam, của một xã hội lâu đời đã tồn tại từ rất lâu trước khi trung tâm tài chính London ra đời, song đặt nó trong bối cảnh của thời đại mới. Sức mạnh của Tư tưởng Hồ Chí Minh là kế thừa sự khai sáng từ nền văn hóa truyền thống Việt Nam, cũng như nền văn minh từ châu Âu và đúc kết tất cả những điều này trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tiếp thu "chìa khóa" để giải quyết mọi vấn đề của chủ nghĩa Marx, đó là giải pháp cho sự bóc lột, trong khi với tác phẩm của Lenin, Người tìm ra giải pháp cho tự do của các dân tộc thuộc địa thông qua việc bảo vệ giai cấp nông dân. Sự linh hoạt, sáng tạo của Người trong việc áp dụng chủ nghĩa Marx đã dẫn đến những thành tựu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam thông qua những cuộc chiến đấu oanh liệt, đã thôi thúc các thế hệ người Việt tiếp nối ngọn lửa của Người, đi theo con đường của Người, hy sinh vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Nhà sử học Anh cũng chỉ ra rằng chính tính thích ứng của Tư tưởng Hồ Chí Minh đã mang lại cho Đảng Cộng sản Việt Nam sự linh hoạt dẫn đến công cuộc Đổi mới đất nước, luôn hướng tới mục tiêu làm tốt hơn những gì đã đạt được. Chủ nghĩa Marx của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mang lại cho nhân dân cuộc sống tốt đẹp hơn và sẽ tiếp tục làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nếu đi theo con đường của Người, đi theo ngọn lửa mà Người thắp lên từ rất sớm kể từ khi dân tộc Việt Nam bị bóc lột.

Bàn về những phẩm chất khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một lãnh tụ xuất chúng, ông Callow cho rằng bên cạnh phẩm chất chính trị quan trọng là khả năng tổ chức và lãnh đạo truyền cảm hứng, một đức tính nổi bật của Người là sự giản dị. Là một nhân cách lớn với trí tuệ xuất chúng, nhưng Người không bao giờ quên giữ mối liên hệ với nhân dân, cho dù đó là những người dân London nghèo sống ở những con hẻm phía sau khách sạn Carlton hay những tiểu nông Việt Nam mà Người nói chuyện trực tiếp. Người không bao giờ quên nhân dân, không tách mình khỏi nhân dân. Người hiểu dân, là một phần của nhân dân, đồng thời cũng là một nhà lãnh đạo của thế giới theo đúng nghĩa.

Nhà sử học chỉ ra rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh khiêm tốn, nhưng đồng thời dũng cảm và có phẩm giá. Người luôn đối mặt với nguy cơ bị ám sát trong các thời điểm hoạt động cách mạng và nằm trong danh sách hành quyết vào thời điểm phải rời Hong Kong (Trung Quốc) với sự giúp đỡ của luật sư người Anh Frank Loseby. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, Người vẫn giữ được sự điềm tĩnh. Ông Callow cho rằng cuốn "Nhật ký trong tù" hay tấm bưu thiếp gửi người đồng chí ở Pháp với bài thơ về Tổ quốc đã phản ánh con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân vật vĩ đại của thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp trí tuệ với nhiệt huyết, với sự tử tế, với phẩm giá của một người tuyệt đối liêm khiết và đặt người dân của quốc gia mình lên trên tất cả. Và tác phẩm của Người, dù là nghệ thuật hay chính trị, trước hết luôn phục vụ nhân dân.

Sử gia Anh tin rằng, sự sáng tạo, linh hoạt của Tư tưởng Hồ Chí Minh, lòng dũng cảm, sự cống hiến lớn lao của Người sẽ tiếp tục là ngọn lửa thắp sáng tương lai của Việt Nam trên con đường phát triển vì lợi ích của nhân dân Việt Nam.

Minh Hợp - Hải Vân - Phong Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/london-diem-den-quan-trong-trong-hanh-trinh-cuu-nuoc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-20230529094316152.htm