London mùa dạ yến thảo

Một khi đã mang kiếp thiên di, trời sẽ cho bạn đôi chân trần không mỏi. Kiếp thiên di giống định mệnh của cuộc đời tác giả đưa người đọc sẽ đến với những câu chuyện dài bất tận ở xứ sở sương mù có tên London mùa dạ yến thảo dài 3 kỳ của nhà văn trẻ quê gốc Khánh Hòa nay định cư ở Mỹ là Nguyễn Hữu Tài. Kỳ 1: Đến 'platform 9 ¾' tìm chuyến tàu của Harry Porter

Bài viết được trích trong tập du ký Đi rong trên những múi giờ sẽ được phát hành vào tháng 12-2018.

Nhà văn Nguyễn Hữu Tài bên tháp Big Ben.

Chiếc Boeing 747 của Thai Airways to lớn nhưng già khú rung lên bần bật mỗi khi qua vùng nhiễu động, cuối cùng cũng đưa tôi tới London sương mù che khuất. Do lần đầu bay hãng này nên tôi không rành. Chứ sau này quen rồi, tôi mặc sức chọn máy bay, ghế ngồi, khoang hạng… để tạo sự thoải mái nhất cho mình trong mười mấy tiếng lơ lửng trên trời.

Sân bay ở đây rộng vô cùng, cổng này tới cổng kia xa lắc lơ. Đứng xếp hàng nhập cảnh cả tiếng mới được thông quan. Sau thời gian dài chờ đợi, cuối cùng tôi cũng ra được bên ngoài sau khi lấy hành lý trong tiếng nhạc rộn rã của Spice Girls, năm cô gái đang tuổi thanh xuân tươi đẹp.

If you want my future, forget my past
If you wanna get with me, better make it fast
Now don’t go wasting my precious time
Get your act together we could be just fine.

(Tạm dịch: Nếu bạn muốn tương lai của tôi, hãy quên đi quá khứ
Nếu bạn muốn đi với tôi, hãy nhanh lên nào
Đừng lãng phí thời gian quý báu của tôi
Hãy luôn bên nhau, chúng ta rồi sẽ ổn)

Hoàng đợi tôi ngay tại cổng như lời đã hứa. Hơn năm không gặp, cậu trai trẻ nắng gió Nha Trang ngày nào giờ trắng ra chút đỉnh, cao nhồng, ăn mặc chất và hiện đại hơn. Hai đứa mừng mừng tủi tủi ôm nhau giữa khí trời se lạnh nơi xứ người.

Nhà văn trẻ Nguyễn Hữu Tài, sinh năm 1981, hiện đang định cư tại bang Maryland, Mỹ. Anh tốt nghiệp Đại học Maryland (UMBC), ngành công nghệ thông tin và bảo vệ thạc sĩ ngành tài chính kế toán cũng tại đại học này.

Hiện anh đang làm trong lĩnh vực bất động sản tại Landover, Maryland.

Hoàng vồn vã hỏi han tôi về vài người bạn cũ. Tôi nói, biển quê em vẫn thế. Sóng to, gió lớn nồng nàn. Khách phơi mình trên biển mỗi độ hè về mang lại nguồn lợi khổng lồ cho thành phố. Sài Gòn nơi em học vẫn chưa bao giờ thôi quyến rũ. Ai lỡ một lần vương vấn, cứ nhớ mãi khôn nguôi.

Hoàng ngậm ngùi. London đối xử với cậu hơi tệ. Số tiền cậu để dành và gia đình tích góp để cậu đi du học, gặp phải “trường ma” đóng cửa, thế là toàn bộ tín chỉ và học phí bị mất sạch. Phải cày cuốc để làm lại từ đầu.

Hai đứa lên tube (cách người Anh gọi tàu điện ngầm), vòng vèo qua mấy tuyến tàu, nào là Piccadilly tới Central, District Line để về nhà trọ. “Mind the gap. Mind the gap”, giọng cô gái rặt chất Anh vang lên dễ thương vô ngần. Lời thông báo ngắn gọn mỗi khi tàu vào ga là biểu tượng không thể thiếu của hệ thống tàu điện ngầm London, kêu gọi người ta chú ý khoảng cách giữa sàn tàu và sân ga, đề phòng tai nạn.

Tàu điện ngầm London là hệ thống tàu chạy bằng hơi nước ngầm dưới lòng đất đầu tiên trên thế giới (từ năm 1863). Đây là sáng kiến vĩ đại của Vương quốc Anh, nơi đầu tiên nổ ra cuộc Cách mạng công nghiệp sau đó mới lan ra toàn thế giới.

Nhà văn và người bạn tên Hoàng ở gần Trafalgar Square, London.

Hơn 150 năm sau, vòng tròn màu đỏ trên nền trắng, ở giữa là dòng chữ xanh da trời ghi tên ga đã trở nên thân quen với bao thế hệ người Anh và du khách khắp nơi. Dẫu giờ hơi cũ và tụt hậu, nhưng với 402km đường ray, kết nối 270 ga và chuyên chở 1,1 tỉ lượt hành khách mỗi năm tỏa đi khắp nơi trong thành phố, ra tận vùng ngoại ô, thực hiện triệt để chính sách giãn dân của chính quyền London. Nếu không có nó, chẳng biết mọi người phải xoay trở ra sao. Bữa nào tube bị trục trặc, chắc cả London hoàn toàn tê liệt. Mỗi lần đi đâu xa, lại nhớ câu “Mind the gap” dễ thương của cô gái ấy.

London tháng 9, sắp sửa vào thu. Nắng không gay gắt mà rót mật vàng ươm lên khắp mọi nẻo đường phố xá. Buổi sáng tinh mơ, hàng cây ven ga bắt đầu trở vàng, gió thổi nhẹ mơn man, thơm thơm mùi bánh nhà ai đang nướng. Hai đứa ngồi trên ghế gỗ đợi tàu. Hoàng chắc không có cảm xúc gì ngoài việc mong tàu đến thiệt nhanh để về nhà nghỉ ngơi vì phải dậy sớm. Tôi lại muốn tàu đừng vội đến để thảnh thơi hít thở không khí thoáng đãng, nghe chim vu vơ hót trên cành cao và đợi chiếc lá úa vàng rơi xuống gót chân để nhặt về làm kỷ niệm. Ngẫm ra thấy cũng có lúc mình sến sủa thật, khác hẳn với vẻ ngoài lạnh lùng và bị nhiều người nói trông khô khan và khó chịu.

Sân ga tàu điện ngầm.

Tàu từ từ vào sân. Tôi nghĩ, đó là hình ảnh đẹp và bình yên lâu rồi mới tìm thấy được. Để rồi sau đó, lần nào có dịp đến đây, tôi cũng đến mấy ga để ngồi. Chẳng để làm gì, chỉ ngắm khung cảnh nơi đây và nhớ lại những giây phút thời trai trẻ của mình, lần đầu đến với London mê đắm.

King’s Cross station! King’s Cross station! (Ga cuối trung tâm London ở rìa phía bắc của thành phố). Trời ơi, cái bảng đỏ hiện ra ngay trước mắt mình mà tôi cứ nghĩ đang nằm mộng. Không ngờ một ngày nào đó, tôi được chạm tay vào sân ga cổ tích này. Tôi nhìn trái phải, ngó trước sau, coi thử có trụ nào thiệt to giữa platform (sân ga) 9 và 10 của dân Muggle (những người không biết phép thuật trong truyện Harry Potter) để lấy đà thiệt nhanh, chạy xuyên qua vào platform 9 ¾, nơi Harry Potter cùng các bạn bắt chuyến tàu Hogwarts Express trong bảy mùa thu đến trường Hogwarts học thành pháp sư và phù thủy.

Cũng tại nơi này, trong thế giới nửa thực nửa ảo, sau khi bị Voldermort đánh chết phần hồn lưu lại trong người mình, Harry đã gặp thầy Dumbledore và kể cho nhau nghe cuộc hành trình gian nan đi tìm và tiêu diệt trường sinh linh giá, một vật dụng phép thuật.

Một số tác phẩm của Nguyễn Hữu Tài đã xuất bản tại Việt Nam: Nỗi buồn rực rỡ (2012); Những chuyến thiên di (2012); Cô đơn thẳng đứng (2013); Chồm hỗm giữa chợ quê (2013); Nước Mỹ có gì vui (2014); Sài Gòn yêu em đi (2015); Còn lại gì cho nhau (2015); Nước Mỹ những ngày xê dịch (2016); Thiên đường phải không anh (2017).

Thế giới tưởng tượng của nhà văn Rowling phong phú quá, đã đi theo chúng tôi từ khi còn là đứa trẻ chập chững vào đời, cho tới giờ đã ngoài ba mươi, nhưng từng chi tiết và nhân vật cứ gắn mãi trong đầu. Giờ đứng giữa King’s Cross station, tự nhiên lòng rưng rưng muốn khóc.

Do có người dẫn đi, nên tôi chẳng phải ghi nhớ đường làm gì cho mệt. Hoàng bảo chuẩn bị xuống thì tôi xuống, lên thì tôi lên. Có lẽ vì thế mà tới tận bây giờ tôi hơi mù tube ở đây. Em ở trọ ở căn phòng tầm 5m² trong ngôi nhà chẳng lớn là bao của một người Việt Nam được lãnh trợ cấp xã hội của chính phủ Anh. London chật chội, giá nhà đắt nhất thế giới, nên thuê được phòng giá rẻ có chỗ ngủ và đi tắm là mừng lắm rồi. Hoàng kể về ông chủ nhà: “Ổng sướng lắm anh ơi. Mỗi năm về Việt Nam sáu tháng trời, nhà ở đây cho thuê kiếm thêm, ngoài mớ tiền giúp đỡ từ chính phủ”. Chế độ an sinh xã hội nước Anh cực kỳ tốt.

Bay mười hai tiếng. Thêm hai tiếng ngồi tàu nữa mới về tới nhà. Tôi chỉ kịp tắm rửa, chẳng ăn uống gì, hai anh em mỗi người mỗi góc, nhắm mắt ngủ khò, giữa tiếng niệm kinh A di đà Phật, A di đà Phật thanh bình trong chiếc loa thùng, chủ nhà dặn mở thâu đêm suốt sáng.

Nguyễn Hữu Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279865/-london-mua-da-yen-thao-.html