Long An chê điện than: Bộ Công thương xin đừng tính thay!

Hoàn toàn có thể chuyển đổi nhiệt điện than sang khí hóa lỏng, chi phí không đắt hơn và có lợi cho môi trường hơn.

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Long An cho biết, không có đủ cơ sở phê duyệt quy hoạch Trung tâm Điện lực Long An dùng khí hóa lỏng như kiến nghị của tỉnh.

Trước đó, UBND tỉnh Long An đã kiến nghị Bộ Công thương giữ nguyên quy hoạch Trung tâm Điện lực Long An và sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng nhằm hạn chế tác động ảnh hưởng môi trường.

Trao đổi với Đất Việt, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An khẳng định, quan điểm của tỉnh vẫn không thay đổi - chỉ đầu tư dự án nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực của tỉnh này bằng công nghệ khí hóa lỏng.

Cũng theo ông Đức, trong văn bản trả lời, Bộ Công thương không nói sẽ chấm dứt chương trình đầu tư dự án nhiệt điện quy mô 2.800 MW ở Long An nếu hai bên không thống nhất.

"Bộ Công thương chỉ nói thời điểm này chưa có căn cứ để phê duyệt quy hoạch Trung tâm Điện lực Long An dùng khí hóa lỏng như kiến nghị của tỉnh vì trước kia theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, Trung tâm Điện lực Long An sẽ sử dụng nhiên liệu than, mà địa phương lại đề nghị sử dụng khí hóa lỏng".

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cũng gạt bỏ lo ngại về việc sử dụng khí hóa lỏng sẽ đắt hơn than.

"Hiện đã có 2 nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư cung cấp khí hóa lỏng", ông nói.

Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận. Ảnh: Zing

Dưới góc độ chuyên gia, ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) khẳng định, xét về mặt kỹ thuật, việc chuyển đổi từ nhiêu liệu than sang khí hóa lỏng hoàn toàn không có vấn đề gì: nhiệt lượng vẫn đảm bảo trong khi vận chuyển khí hóa lỏng chỉ bằng 1/3 so với vận chuyển than.

Cụ thể, nếu mỗi ngày vận chuyển 10.000 tấn khí hóa lỏng vào trung tâm thì khi dùng than phải vận chuyển tới 30.000 tấn.

Đáng lưu ý, việc xây dựng nhiệt điện khí hóa lỏng không gây ô nhiễm cho Long An và TP.HCM. Khi sử dụng khí hóa lỏng, các loại khí thải như SO2, NOx, CO2... giảm hơn so với than rất nhiều, thậm chí, SO2 không còn nữa vì trong quá trình hóa lỏng người ta đã phải loại bỏ lưu huỳnh, trong khi ô nhiễm CO2 chỉ bằng 1/2 so với nhiệt điện than.

"Nếu là chúng tôi, chúng tôi cũng đề nghị làm nhiệt điện khí hóa lỏng", ông Sính nói.

Cũng theo vị chuyên gia, theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, thì Long An được quy hoạch 2 nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu là than.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Quy hoạch Điện VII cũ được phê duyệt năm 2011, còn Quy hoạch Điện VII điều chỉnh được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 3/2016 và sắp tới là Quy hoạch Điện VIII. Như vậy, quy hoạch hoàn toàn có thể điều chỉnh được.

"Vì lẽ đó, cần phải hỏi lại Bộ Công thương xem vì sao Bộ nói là không có cơ sở để phê duyệt quy hoạch Trung tâm điện lực Long An sử dụng khí hóa lỏng như kiến nghị của Long An", Phó Giám đốc GreenID nhấn mạnh.

Ông cũng nhắc lại vấn đề gây nhiều tranh cãi, đó là nhiệt điện than rẻ hay đắt? Nhiều nghiên cứu, tính toán cho thấy, nhiệt điện than không hề rẻ. Nếu tính tất cả những tác động về môi trường, xã hội, tác động ô nhiễm, người dân bị bệnh tật... ra tiền thì nhiệt điện than thậm chí còn đắt hơn điện mặt trời, khí hóa lỏng.

"Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến 2030 ĐBSCL sẽ trở thành vùng tập trung nhiệt điện than lớn nhất cả nước với 14 nhà máy có tổng công suất gần 20.000MW. Với quy mô phát triển được phê duyệt, bình quân mỗi ngày tại ĐBSCL sẽ có 170 nghìn tấn than được vận chuyển bằng đường thủy.

Ước tính, lượng nước cần thiết để làm mát 14 nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL sẽ lên đến 70 triệu m3/ngày đêm, gây ảnh hưởng bất lợi cho các ngành sản xuất nông nghiệp và thủy sản, làm cho tình trạng thiếu nước vào mùa khô của vùng càng thêm nghiêm trọng.

Chúng tôi kiến nghị, không chỉ với Trung tâm Điện lực Long An mà các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL đều cần xem lại. Dự án nào đã làm rồi thì phải chịu, còn nếu chưa làm thì nên dừng, thay bằng loại khác", ông Trần Đình Sính nói.

Ông nhắc lại trường hợp của Bạc Liêu, theo đó vào năm 2016, tỉnh Bạc Liêu xin rút dự án nhiệt điện than Cái Cùng ra khỏi Quy hoạch Điện VII điều chỉnh và được chấp thuận

"Vì thế, Long An muốn chuyển sang nhiệt điện khí hỏa lỏng hoàn toàn khả thi. Huống chi như tỉnh đã thông tin, họ đã có 2 nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư cung cấp khí hóa lỏng. Nhà đầu tư phải tính toán được rằng có lãi thì họ mới làm, giờ họ chấp nhận thì không còn vấn đề gì phải lo ngại nữa, Bộ Công thương không cần phải tính toán thay nhà đầu tư", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/long-an-che-dien-than-bo-cong-thuong-xin-dung-tinh-thay-3366208/