Long An chê điện than: Cái gì lợi thì làm

Nhiệt điện than không hề rẻ hơn nhiệt điện khí hóa lỏng, điện gió, điện mặt trời nếu tính đầy đủ chi phí phải bỏ ra do ô nhiễm môi trường.

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Long An cho biết, không có đủ cơ sở phê duyệt quy hoạch Trung tâm Điện lực Long An dùng khí hóa lỏng như kiến nghị của tỉnh.

Tiếp tục cho ý kiến về vấn đề này, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) cho biết, theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt, Trung tâm Điện lực Long An sẽ sử dụng nhiên liệu than. Long An và Bộ Công thương có quyền trao đổi với nhau, khi hai bên không thống nhất được thì phải đưa lên cấp cao hơn.

"Long An có thể gửi công văn lên Thủ tướng đề nghị xem xét. Chắc chắn khi ấy Long An và Bộ Công thương sẽ được mời cùng thảo luận. Bộ Công thương cũng phải báo cáo Thủ tướng lấy gì để thay thế nội dung đã được duyệt trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Thủ tướng kết luận thế nào thì thực hiện như thế", vị chuyên gia gợi ý hướng giải quyết.

Dù vậy, dưới góc nhìn một chuyên gia năng lượng, ông Ngô Đức Lâm cũng khẳng định rằng, hoàn toàn có thể chuyển nhiệt điện than sang khí hóa lỏng.

Ở giai đoạn Thủ tướng ký Quy hoạch Điện VII, nhiên liệu khí hóa lỏng rất đắt, gấp mấy lần so với nhiên liệu than. Sau này, chi phí khí hóa lỏng đã giảm đi nhiều, có khả năng cạnh tranh với nhiệt điện than.

Tỉnh Long An kiến nghị không đầu tư nhà máy nhiệt điện than mà thay bằng khí hóa lỏng. Trong ảnh là nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải, Trà Vinh. Ảnh: TBKTSG

"Các chuyên gia vẫn nói, nhiệt điện than rẻ là vì chưa tính chi phí môi trường vào trong đó. Nếu tính đủ chi phí phải bỏ ra do nhiệt điện than gây ra ô nhiễm cho môi trường thì đó mới là giá thực.

Trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh chưa tính chi phí mà xã hội, Nhà nước hay người dân phải bỏ ra do bị ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, các nước tính cả chi phí đó vào thì chi phí nhiệt điện than không hề rẻ như Quy hoạch Điện VII tính toán.

Rất nhiều nước áp thuế carbon đối với các nhà máy nhiệt điện và mức thuế này rất cao, thậm chí cao hơn so với thuế môi trường. Đây là khoản phí mà người sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải trả cho lượng khí carbon dioxide mà họ thải ra trong khí quyển.

Ở Việt Nam chưa đánh thuế carbon, chỉ đánh thuế môi trường nên nếu tính thêm thuế carbon thì giá nhiệt điện than không rẻ hơn nhiệt điện khí hóa lỏng, điện gió, điện mặt trời. Vì lẽ đó, nhiều nơi đã chuyển hướng sang sử dụng khí hóa lỏng thay cho nhiệt điện than", chuyên gia Ngô Đức Lâm phân tích.

Một vấn đề quan trọng khác được ông Lâm đề cập, đó là nếu xây dựng nhiệt điện than thì vay vốn rất khó. Các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã có những quy định không ưu tiên cho phát triển nhiệt điện than và đưa ra rào cản kỹ thuật. Điều đó có nghĩa là chưa chắc đã vay được vốn để phát triển nhiệt điện than như Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đặt ra.

"Khi Việt Nam xây dựng Quy hoạch Điện VII rồi Quy hoạch Điện VII điều chỉnh chưa tính đến rào cản về tài chính, nếu các nước không cho vay nữa thì sao?

Tôi chưa biết Bộ Công thương sẽ lấy vốn ở đâu để xây nhiệt điện than ở Long An và nhiều địa phương khác.

Đã có nhiều ý kiến nói rằng, có lẽ cuối cùng chúng ta lại vay vốn của Trung Quốc, mà vốn vay từ Trung Quốc thì vẫn còn nhiều quan điểm rất khác nhau", chuyên gia Ngô Đức Lâm bày tỏ.

Ông cũng tái khẳng định rằng, quy hoạch điện không phải là bất di bất dịch, phải tính toán cho rõ ràng, cái gì có lợi thì làm. Bên cạnh đó, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để ép địa phương.

"Nhà máy nằm ở địa phương, nếu người dân không đồng tình thì rất khó xây dựng", ông nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/long-an-che-dien-than-cai-gi-loi-thi-lam-3366262/