Long An: Chủ đầu tư Dự án khu dân cư cao cấp và Trường đua ngựa 500 ha đứng trước bờ vực 'phá sản' vì tranh chấp kéo dài

Công ty CP Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) là chủ đầu tư Dự án Khu dân cư (KDC) cao cấp và Trường đua ngựa theo tiêu chuẩn quốc tế tại địa bàn hai xã Đức Lập Thượng và Tân Mỹ (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 140 triệu USD, sau khi hoàn thành sẽ thúc đẩy ngành du lịch trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An. Tuy nhiên, dù Dự án được triển khai từ năm 2007, nhưng đến nay liên tục gặp 'trắc trở' do phát sinh tranh chấp với đối tác và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Mục đích CPL đầu tư 15,6 triệu USD là gì?

Nghiên cứu hồ sơ vụ việc và tìm hiểu được biết, ngày 11/7/2005, UBND tỉnh Long An có Quyết định số 2802/QĐ-UBND về việc thu hồi đất để giao cho Công ty Hồng Phát triển khai Dự án giai đoạn I với 273 ha. Do Dự án có quy mô rất lớn nên sau khi được triển khai, Công ty Hồng Phát đã tìm kiếm các đối tác để hợp tác thực hiện. Nhận thấy tính khả thi của Dự án, nhiều doanh nghiệp đã tìm hiểu và muốn hợp tác với Công ty Hồng Phát, trong đó có Công ty China Policy Limited (gọi tắt CPL) là công ty con của Công ty Chuang’s Consortium International Limited, trụ sở tại Hồng Kông.

Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát

Ngày 1/6/2007, Công ty Hồng Phát và CPL ký kết “Thỏa thuận khung”, ghi nhận những điều khoản cơ bản. Theo đó, hai bên xác định tổng số vốn đầu tư ban đầu cho Dự án là 140 triệu USD, Công ty Hồng Phát và CPL dự định ký kết một Hợp đồng thành lập “Công ty liên doanh” với vốn điều lệ 21,4 triệu USD, trong đó Hồng Phát góp 30% bằng giá trị quyền sử dụng đất; CPL góp 70% bằng tiền mặt. CPL tạm ứng 15,6 triệu USD (số tiền này được tính vào tiền góp vốn của CPL khi thành lập Công ty liên doanh) để trả cho các khoản chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng…hoàn thành thủ tục cấp quyền sử dụng đất.

Từ thỏa thuận này cho thấy: Thỏa thuận khung chỉ ghi nhận nội dung CPL chuyển tiền ứng trước Hồng Phát và Hồng Phát cam kết đưa giá trị QSD đất vào góp vốn trong Công ty liên doanh. Thỏa thuận khung không phải Hợp đồng liên doanh.

Theo nội dung đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, bà Thái Thị Hồng Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hồng Phát cho biết: “Dù hai bên cam kết bảo mật thông tin được ghi rõ tại Điều 11 của “Thỏa thuận khung” nhưng CPL qua công ty mẹ, đưa toàn bộ dự án lên sàn chứng khoán ở Hồng Kông rồi ngang nhiên đổi tên Dự án thành “Saigon Beverly Hills”, trong đó CPL sở hữu 70%.

Ngoài ra, chính sách về đất đai của nước ta luôn được điều chỉnh, giá đất tăng lên theo từng năm. Công ty Hồng Phát ủng hộ việc làm này nhằm có lợi cho người dân bị thu hồi đất. Do chính sách đất đai thay đổi, điều chỉnh dẫn đến chi phí đền bù giải tỏa, tái định cư tăng cao so với dự kiến ban đầu. Đáng kể nhất là tiền sử dụng đất, trước đây đóng theo khung giá Nhà nước khoảng 100.000 đồng/m2, đến giữa tháng 2/2008, theo quy định mới phải sát giá thị trường nên tăng lên hơn 3 lần. Ước tính, tiền sử dụng đất phát sinh, phải đóng thêm khoảng 465 tỉ đồng (tương đương 27 triệu USD, thời điểm năm 2008). Bên cạnh đó là khu tái định cư, theo “Thỏa thuận khung” sẽ triển khai ở giai đoạn II, nhưng UBND tỉnh Long An chỉ đạo thực hiện ngay giai đoạn I. Công ty Hồng Phát phải tuân thủ chỉ đạo của UBND tỉnh theo Công văn số 1529/UBN-KT ngày 24/3/2008, với chi phí phát sinh ước tính khoảng 4,5 triệu USD…

Là chủ đầu tư Dự án lớn, Công ty Hồng Phát rất chú trọng đến việc tái định cư cũng như chăm lo, hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất. Đây cũng là chủ trương lớn luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Từ tháng 4/2008 đến tháng 9/2008, Công ty Hồng Phát đã tổ chức nhiều cuộc họp với đại diện của CPL, đưa ra những vấn đề phát sinh của Dự án để cùng bàn bạc, nhất là chi phí hỗ trợ tái định cư. Thế nhưng, CPL không chấp nhận và cho rằng việc tái định cư không phải trách nhiệm của chủ đầu tư Dự án.

Bà Thái Thị Hồng Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hồng Phát thông tin: Ngày 10/7/2008, Giám đốc CPL là ông Andrew Lui có thư gửi Công ty Hồng Phát nêu rõ:“CPL không thể xem xét bất kì khoản thanh toán đầu tư nào thêm cho Dự án cho đến khi có một Hợp đồng liên doanh ràng buộc”. Ngày 26/9/2008, đại diện CPL chính thức có văn bản, khẳng định: “CPL chỉ có thể xem xét các khoản thanh toán tiếp theo khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của toàn Dự án đã được cấp dưới tên của Công ty liên doanh”. Tuy nhiên, điều kiện mà CPL đưa ra quá phi thực tế. Bởi Dự án thời điểm này chỉ mới thực hiện việc đền bù ở giai đoạn I với diện tích 273 ha, còn giai đoạn II khoảng 220 ha thì chưa triển khai lấy đâu ra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của toàn Dự án 500 ha, đứng tên Công ty liên doanh?

Dù bị đối tác quay lưng, nhưng với tư cách là chủ đầu tư, Công ty Hồng Phát vẫn triển khai Dự án theo tiến độ. Đến ngày 26/6/2009, Hồng Phát được UBND tỉnh Long An cấp 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 232,66 ha của giai đoạn I.

Dù bị đối tác quay lưng, nhưng với tư cách là chủ đầu tư, Công ty Hồng Phát vẫn triển khai Dự án theo tiến độ

Tuy nhiên, thay vì ngồi lại bàn bạc giải quyết trên cơ sở hai bên cùng có lợi, thì Giám đốc Andrew Lui đã gửi đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tố cáo Chủ tịch HĐQT Công ty Hồng Phát chiếm đoạt 15,6 triệu USD. Sau khi xác minh làm rõ, ngày 1/4/2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có Văn bản số 148/C16-P4 kết luận: CPL chuyển 15,6 triệu USD, Công ty Hồng Phát đã nhận tiền, đang triển khai Dự án là có thật. Tranh chấp giữa CPL và Hồng Phát là “Tranh chấp kinh tế dân sự”.

Ngày 21/8/2010, CPL phát đơn kiện Công ty Hồng Phát ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Ngày 26/4/2013, VIAC ra phán quyết, nội dung: Hai công ty tiếp tục thực hiện “Thỏa thuận khung” để thành lập “Công ty liên doanh”. Về “phí trọng tài”, VIAC tuyên buộc hai bên phải nộp 114.207,16 USD (khoảng 2,4 tỉ đồng), trong đó CPL chịu 20%, còn lại 91.365,73 USD Hồng Phát chịu. Do CPL đã tạm ứng toàn bộ “phí trọng tài” nên Hồng Phát phải trả lại cho CPL số tiền 91.365,73 USD (hơn 2 tỉ đồng).

Ngày 29/10/2013, Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh ra Quyết định Thi hành án, sau đó có Công văn số 2709/CTHA ngày 9/12/2013 gửi Sở Tư pháp tỉnh Long An đề nghị ngăn chặn mọi giao dịch liên quan đến 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Hồng Phát theo yêu cầu của CPL.

Sau đó Công ty Hồng Phát đã văn bản gửi UBND tỉnh Long An, báo cáo tình hình tranh chấp giữa hai công ty, đồng thời khẳng định sẽ tuân thủ theo phán quyết của VIAC nhưng phải trên tinh thần thiện chí của hai bên, đúng theo quy định pháp luật. Ngày 25/4/2014, Hồng Phát có văn bản gửi lãnh đạo Tổng Cục Thi hành án dân sự và Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh nêu rõ những khó khăn chồng chất của Dự án, cộng thêm Công văn số 2709/CTHA sẽ đẩy doanh nghiệp vào cảnh phá sản.

Ngày 18/8/2014, Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh ra Quyết định “ủy thác” cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An tiếp tục thi hành án đối với Hồng Phát. Như vậy, sau gần 10 tháng “ôm” thi hành án, Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh mới chuyển cho đơn vị khác thực hiện nhưng vẫn giữ lại Công văn ngăn chặn số 2709/CTHA ...

Cũng theo nội dung đơn thư gửi cơ quan chức năng và báo chí, bà Thái Thị Hồng Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty Hồng Phát cho biết: Ngoài số tiền hơn 1.000 tỉ đồng đã đầu tư, Công ty Hồng Phát với hơn 10 năm tâm huyết đã đổ biết bao công sức vào Dự án cùng sự đóng góp của rất nhiều lao động Việt Nam nhưng vẫn chưa được khai thác và hưởng lợi gì. Trong khi đó, Công ty CPL chỉ bỏ ra 15,6 triệu USD, không có thêm bất kỳ đóng góp nào khác cho Dự án nhưng đã trục lợi rất lớn. Đã vậy, CPL còn xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Hồng Phát là chủ đầu tư duy nhất của Dự án.

Dù được gỡ phong tỏa nhưng Dự án vẫn bế tắc

Ngày 1/10/2014, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An ra Quyết định thi hành án. Ngày 13/11/2014, Cục Thi hành án dân sự tổ chức cuộc họp với sự tham dự của đại diện Văn phòng UBND tỉnh Long An, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng một số cơ quan chức năng tỉnh…Đại diện Công ty Hồng Phát trình bày việc công ty đã đầu tư thêm khoảng 34 triệu USD để phát triển Dự án, nên mong muốn CPL ngồi lại để thỏa thuận.

Về phía Công ty CPL cũng yêu cầu Công ty Hồng Phát trả ngay “phí trọng tài” 91.365,73 USD cho CPL, nếu không thực hiện thì đề nghị Cục Thi hành án dân sự cưỡng chế tài sản.

Ngày 10/12/2014, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An tiếp tục có Công văn số 162/CTHA ngăn chặn mọi giao dịch liên quan 219.226m2 đất (thuộc khu đất 232,66 ha). Tiếp đến, ngày 25/12/2014, Cơ quan này có văn bản yêu cầu trong vòng 10 ngày Hồng Phát phải tự nguyện thi hành án, quá thời hạn trên, Cục Thi hành án dân sự sẽ tiến hành kê biên 219.226m2 để thi hành án phần “phí trọng tài” và các chi phí trong quá trình tổ chức thi hành án. Do Công ty Hồng Phát có khiếu nại, ngày 16/1/2015, Cục Thi hành án dân sự Long An ra Công văn số 253/CTHA thu hồi công văn số 162/CTHA. Đến ngày 23/4/2015, Công ty Hồng Phát đã nộp xong tiền “phí trọng tài”.

Trong thời gian này, Công ty Hồng Phát đã nhiều lần gửi công văn cho CPL yêu cầu xúc tiến Hợp đồng liên doanh, cụ thể như công văn số 86/CPHP.15 ngày 11/11/2015; công văn số 87/CPHP.15 ngày 17/11/2015, công văn số 89/CPHP.15 ngày 23/11/2015… Tuy nhiên, CPL không hồi âm; riêng công văn số 87, CPL từ chối nhận.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 140 triệu USD, sau khi hoàn thành sẽ thúc đẩy ngành du lịch trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An.

Ngày 18/3/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Long An chủ trì buổi làm việc với các sở, ban, ngành và ra Thông báo số 47/TB-UBND, yêu cầu Công ty Hồng Phát khẩn trương thực hiện triển khai Dự án. Đến hết năm 2016, nếu Hồng Phát chưa hoàn thành thì Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động Dự án. Đương đầu với hàng loạt khó khăn nhưng Công ty Hồng Phát vẫn thực hiện theo cam kết với tỉnh, tiếp tục duy trì, phát triển Dự án và luôn tôn trọng Phán quyết trọng tài cũng như thiện chí hợp tác với Cơ quan thi hành án để thi hành Phán quyết... Công ty Hồng Phát đã nhiều lần trao đổi, thỏa thuận với CPL nhưng không thành.

Trong khi đó, UBND tỉnh Long An tiếp tục có chỉ đạo thu hồi Dự án nếu chủ đầu tư không nộp đủ 210 tỉ đồng trước ngày 31/5/2017 (Văn bản số 22/TB-SKHĐT ngày 9/3/2017 và số 35/TB-SKHĐT ngày 10/4/2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An). Với quyết tâm thực hiện dự án, Công ty Hồng Phát đã tìm nguồn tài chính để Dự án được tiếp tục triển khai. Số tiền 210 tỉ đồng, Công ty Hồng Phát đã tuân thủ và nộp đủ cho tỉnh Long An trước thời hạn.

Vấn đề của sự việc đang đi vào bế tắc bởi, Công ty Hồng Phát luôn nỗ lực để phát triển Dự án thì CPL tìm mọi cách kìm hãm. Sau khi ngăn chặn bất thành việc Hồng Phát sử dụng 13 sổ đỏ, CPL tiếp tục có văn bản đề nghị Cục thi hành án tỉnh Long An ngăn chặn Hồng Phát lần thứ hai. Chấp nhận yêu cầu trên, ngày 18/9/2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An có Công văn số 525/CTHA, ngăn chặn không cho thế chấp, bảo lãnh đối với 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát.

Nguồn tài chính quan trọng hiện tại để Công ty Hồng Phát để phát triển Dự án chính là 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên nhưng đã bị chặn đứng bởi CPL. Việc ngăn chặn này khiến cho Dự án rơi vào bế tắc và một lần nữa có nguy cơ bị thu hồi, dẫn đến phá sản.

Trước việc Công ty Hồng Phát liên tục có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng. Đoàn công tác Bộ Tư pháp, Tổng Cục thi hành án dân sự đã tổ chức nhiều cuộc họp với tỉnh Long An, Công ty Hồng Phát, CPL, đi đến kết luận tại buổi làm việc ngày 10/11/2017:“Tổng Cục thi hành án dân sự sẽ trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để xem xét đề nghị của Công ty Hồng Phát”.

Được biết, ngày 28/11/2017, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 12705/VPCP-V.I, truyền ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc phản ảnh, kiến nghị của Công ty Hồng Phát như sau: “Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Long An xem xét, xử lý các nội dung phản ảnh, kiến nghị của Công ty Hồng Phát liên quan đến quá trình thi hành án của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An đối với Phán quyết số 29/12 ngày 25/4/2013 của VIAC; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 2/2018”.

Từ chỉ đạo của Tổng Cục Thi hành án dân sự, ngày 29/11/2018, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An có Công văn số 682/CTHA “Chấm dứt hiệu lực công văn số 525/CTHA ngày 18/9/2017”. Tuy nhiên đến nay, Công ty Hồng Phát vẫn chưa được Văn phòng Đăng kí đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An cho phép đăng kí giao dịch bảo đảm đối với 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên nên Công ty Hồng Phát không thể tiến hành việc thế chấp, vay vốn tiếp tục phát triển Dự án.

Tiếp tục tìm hiểu được biết, việc CPL và Công ty mẹ Chuang’s phá bỏ cam kết bảo mật thông tin sau khi ký kết với Hồng Phát, đưa toàn bộ Dự án còn trong “trứng nước” lên sàn chứng khoán ở Hồng Kông, quảng cáo để thu lợi là thể hiện sự gian dối, bất chấp pháp luật.

Qua xác minh của các cơ quan chức năng cho thấy: Tại Văn bản số 1606/ANCTNB-P4 ngày 7/11/2018, Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an, xác định: “Đến nay Công ty CPL không có thông tin về đăng kí đầu tư, đăng kí kinh doanh và chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam”.

Ngày 17/4/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 2463/BKHĐT-PC nêu rõ:“Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không thực hiện thủ tục đăng ký hoặc thẩm tra để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư khi bỏ vốn vào dự án tại Việt Nam thì không có cơ sở để tổ chức, cá nhân này thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với dự án đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư”.

Như vậy, việc CPL bỏ vốn vào Dự án tại Việt Nam (hợp tác với Công ty Hồng Phát) không được xem là hoạt động đầu tư theo pháp luật về đầu tư. Công ty Hồng Phát đã nhận ra việc hợp tác với Công ty CPL chưa tuân thủ theo pháp luật Việt Nam nên luôn muốn hai bên ngồi lại giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật, cùng có lợi nhưng bất thành.

Được biết, Công ty Hồng Phát đã gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh Long An hủy bỏ ngay việc ngăn chặn giao dịch đối với 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo công văn số 682/CTHA ngày 29/11/2018 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An để Hồng Phát thực hiện quyền huy động vốn đầu tư cho phát Dự án theo đúng quy định của pháp luật. Công ty Hồng Phát cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Long An tìm biện pháp hỗ trợ, giải quyết dứt điểm tranh chấp giữa hai Công ty Hồng Phát và CPL, tạo điều kiện cho Dự án phát triển, sớm hoàn thành, đi vào hoạt động.

Liên quan đến dự án này, ngày 3/5/2018 Bộ Xây dựng có Văn bản số 83/BXD-QLN gửi Cty Hồng Phát trả lời về đề nghị hướng dẫn việc hoạt động kinh doanh BĐS tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài Công ty CPL theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS. Theo Bộ Xây dựng, tại thời điểm năm 2007 thì Luật đầu tư 2005 và Luật Kinh doanh BĐS 2006 đang có hiệu lực thi hành. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Kinh doanh BĐS năm 2006: Kinh doanh BĐS là việc bỏ vốn đầu tư tạo lập, mua, nhận chuyển nhượng, thuê, cho thuê mua BĐS đến bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua nhằm mục đích sinh lợi. Như vậy, tại thời điểm Luật Kinh doanh BĐS năm 2006 đang có hiệu lực thi hành, nếu tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với các nội dung, mục tiêu như trên thì được coi là hoạt động Kinh doanh BĐS. Do đó, ngoài việc thực hiện đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2005 thì tổ chức nước ngoài cần phải đáp ứng các điều kiện và tuân thủ các quy định của Luật Kinh doanh BĐS năm 2006.

Trong hồ sơ gửi Bộ Xây dựng không có hợp đồng hợp tác giữa hai bên, do vậy Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Trong trường hợp bên nước ngoài (Công ty CPL) muốn trực tiếp tham gia đầu tư kinh doanh dự án thì phải lập doanh nghiệp và có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh BĐS (khoản 1 Điều 8 của Luật Kinh doanh BĐS; khoản 1 Điều 10 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014). Trường hợp bên nước ngoài (Công ty CPL) chỉ đầu tư vốn vào dự án mà không trực tiếp tham gia đầu tư kinh doanh dự án thì việc hợp tác đầu tư dưới hình thức góp vốn thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PVPL

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/long-an-chu-dau-tu-du-an-khu-dan-cu-cao-cap-va-truong-dua-ngua-500-ha-dung-truoc-bo-vuc-pha-san-vi-tranh-chap-keo-dai.html