Long An: Đất dự án cấp cho người dân hay cấp cho cán bộ?

Ngày 6/4, lực lượng chức năng của tỉnh Long An và huyện Bến Lức tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ gần 200 căn nhà lá, chòi tạm của dân được cho là dựng trái phép trên đất công thuộc khu D, dự án 773 khiến dư luận bức xúc.

Đất dự án cấp cho cán bộ?

Đự án 773 nằm tại tuyến kênh Bà Kiểng (đường đấu nối Quốc lộ N2 đến Công ty Hoàn Cầu), thuộc ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Giải thích cho sự việc này, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức đã trả lời bằng văn bản (ký ngày 12/4/2018) như sau: "Nhằm lập lại an ninh, trật tự khu vực nêu trên, đảm bảo việc quản lý Nhà nước về đất đai, ngày 6/4/2018, UBND huyện Bến Lức đã tiến hành lập biên bản tổng cộng 185 trường hợp cất chòi, lều trại trái phép và tiến hành tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu khu vực đất công nêu trên theo đúng quy định pháp luật".

Khu vực đất công mà Chủ tịch UBND huyện đề cập đến không biết được quy hoạch trong tương lai là tuyến dân cư hay tuyến lộ (có chiều ngang 100m) nhưng vì thiếu đất sản xuất kéo dài, tuy "không phải là đối tượng được Nhà nước giao đất" nên trên trăm hộ dân nghèo từ các huyện trong tỉnh cũng đã làm liều đến đây cắm cọc dựng nhà trồng rau màu.

Theo như người dân trình bày, đất đai ở vùng Thạnh Hòa Lợi, Bến Lức này trước đây đáng lẽ họ phải là đối tượng được thụ hưởng theo như Quyết định 773/TTg của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký ngày 21/12/1994 về Chương trình khai thác sử dụng đất hoang hóa, bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước ở các vùng đồng bằng (gọi tắt dự án 773).

Đường đấu nối Quốc lộ N2 đến Công ty Hoàn Cầu (khu D, dự án 773 Thạnh Hòa Lợi, Bến Lức)

Được biết, cách nay trên 22 năm, tháng 10/1995, dự án đầu tư khai thác sử dụng đất hoang hóa phát triển nông lâm nghiệp vùng Thạnh Hòa Lợi - huyện Bến Lức - tỉnh Long An đã được Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (lúc bấy giờ) thẩm định. Trong bản thẩm định có nói rõ toàn vùng Thạnh Hòa Lợi có diện tích là 3.500 ha, trong đó 2.860 ha đất có khả năng phát triển nông lâm nghiệp và từ nay đến năm định hình toàn vùng dự án bố trí khoảng 1.000 hộ trong đó điều dân từ nơi khác đến là 500 hộ.

Mỗi hộ dân đến vùng dự án được nhận 2 ha đất trồng mía, 1.500m2 đất thổ cư và kinh tế vườn, 4.000-5.000m2 đất để trồng màu hoặc hồ ao thả cá kết hợp đất trồng rừng tràm trên phần đất được chia thấp trũng, phèn nặng. Ở các vùng đất thấp trũng mỗi hộ được cấp tôn nền 100m2 và làm bờ bao. Toàn vùng dự án hình thành 3 - 4 điểm dân cư tập trung, bố trí theo cụm kết hợp tuyến đảm bảo thuận lợi cho các sinh hoạt của cộng đồng.

Ngày 27/10/1995, UBND tỉnh Long An cũng đã ban hành Quyết định số 1764/QĐ-UB về việc phê duyệt Dự án đầu tư khai thác sử dụng đất hoang hóa phát triển nông, lâm nghiệp vùng Thạnh Hòa Lợi - huyện Bến Lức - tỉnh Long An. Vùng dự án nằm một phần trên 2 xã Thạnh Lợi và Thạnh Hòa huyện Bến Lức. Tỉnh giao cho Sở Nông Lâm nghiệp và Thủy lợi Long An làm chủ đầu tư, còn chủ dự án thì giao cho Phòng Kinh tế huyện Bến Lức. Thời gian thực hiện dự án từ năm 1996 đến năm 2000.

Thế nhưng sau năm 2000, chính quyền địa phương mới tiến hành cấp đất. Đối tượng cấp đất thay vì các hộ nghèo thiếu đất đang sinh sống tại chỗ và điều từ nơi khác đến (tổng cộng 1.000 hộ) như mục tiêu của Dự án đề ra ban đầu thì chủ dự án đã cấp đất phần lớn cho cán bộ đang công tác tại huyện Bến Lức và tỉnh Long An bình quân mỗi người là 3 ha.

Chỉ riêng Ban Tổ chức tỉnh ủy Long An thôi danh sách lúc bấy giờ được lập xin đất sản xuất ký ngày 28/3/2001 cũng đã lên đến 34 người (!?). Nếu nhận đất rồi những cán bộ này có trực tiếp sản xuất nông lâm nghiệp như mục đích của dự án không hay là cho người khác thuê lại hoặc đợi lên giá đem đi bán chác để thu lợi?

Dân bức xúc khiếu nại kéo dài

Việc bán chác đất đai vừa qua là có thật! Nhiều vị cán bộ được cấp đất vào đầu và giữa thập niên 2000, không lâu sau đã bán đi lô đất 3 ha vùng Thạnh Hòa Lợi cho người khác với giá lúc đó tương đương từ 1 đến 2 cây vàng. Biểu hiện bao chiếm buôn bán đất đai trong vùng dự án đến nay vẫn còn diễn ra với cái giá cao ngất khoảng 1,3 tỷ đồng/1 ha. Bằng chứng là có nhiều vị cán bộ đang bán đất ở khu D được cấp trước đây của mình cho chủ doanh nghiệp có tên Ba H. để họ làm xí nghiệp chăn nuôi gà vịt lấy trứng...

Cũng chính vì chủ dự án chỉ cấp đất phần lớn cho cán bộ trong huyện và tỉnh, do đó mà chuyện bức xúc, khiếu nại của người dân kéo dài mãi cho đến tận ngày nay vẫn chưa dứt.

Mười lăm năm trước, vào tháng 8/2003, tập thể 46 hộ nông dân đều ở Lô C, ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức đã cùng ký tên tố cáo cách làm của chủ dự án, tại sao các hộ dân nghèo khai hoang vỡ đất nhiều năm tại đây không được cấp đất? Dự án 773 được chia làm 4 khu, trong đó khu A, B, D hầu hết đều do cán bộ và thân nhân cán bộ đứng tên, dân được cấp đất chỉ đếm trên đầu ngón tay. Riêng khu C, ngày 7/9/2005, UBND huyện Bến Lức mới có Quyết định số 4033/QĐ-UBND, do Phó Chủ tịch Ngô Văn Sáu ký về việc giao đất cho 69 hộ với tổng diện tích chỉ trên 78 ha.

Thế nhưng, Quyết định giao đất của UBND huyện Bến Lức cho 69 hộ kể trên lại gặp sự phản ứng quyết liệt của 72 hộ nông dân đang sản xuất tại chỗ, bởi vì họ đã trực canh trồng cây tràm ở đây từ 5 năm trước rồi... Bảy mươi hai hộ dân này đã gửi văn bản kiến nghị với chính quyền: "Ai có công khai vỡ thì người đó được quyền sử dụng đất, ai đã có đất và đã bán thì không được cấp nữa, những hộ nghèo không đất sử dụng thì lấy đất của ai quá nhiều ở khu D cấp cho họ".

Ông Huỳnh Văn Sàng, SN 1950, ngụ tại ấp 4, xã Thạnh Lợi (tham gia cách mạng năm 1965, được Nhà nước tặng Huy chương kháng chiến hạng nhì) cho biết trong danh sách 69 người được cấp đất giờ chỉ còn 7 hộ đang sản xuất tại đây, còn các hộ nông dân khác thì hiện giờ trên 200 hộ đang bám trụ để mưu sinh. Họ chỉ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mấy tháng nay nếu như hộ nào có tiền nộp cho Hội Cựu chiến binh huyện Bến Lức mỗi ha là 30 triệu đồng.

Ông Sàng còn cho chúng tôi xem những phiếu thu tiền với lý do nộp "đào kinh" còn có cả biên bản về việc giao nhận tiền thành quả lao động đất khu dự án 773 từ C2 đến C2 rưởi. Người nhận tiền là ông Huỳnh Thiện Kính, chức danh "đại diện tập thể cán bộ huyện được cấp đất tại kinh C2 đến C2 rưởi"(!?)

Ông Phạm Văn Minh, SN 1966, là cựu chiến binh của xã Thạnh Lợi bức xúc nói, bản thân ông từ cuối những năm 90 đã gửi đơn xin cấp đất đến huyện, tỉnh nhưng cũng không được cấp đất sản xuất. Còn BCH Hội Cựu chiến binh huyện Bến Lức thu tiền của các hộ nông dân ở khu C này thì chẳng biết họ sử dụng đồng tiền đó ra sao?

Bức xúc trước những khuất tất trong việc thực hiện dự án 773 của địa phương, gần đây hàng trăm hộ nông dân lại gửi đơn đến nhiều cấp thẩm quyền tiếp tục khiếu nại.

Ngày 10/8/2017, ông Huỳnh Văn Tươi, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An trả lời đơn xin cấp đất sản xuất của ông Lê Văn Khịa (ngụ ấp 5, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) rằng "diện tích đất trên đã được cấp cho các cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật". Người dân thắc mắc, đất dự án để cấp cho nông dân sao lại đem cấp cho cơ quan, tổ chức?

Ngày 28/12/2017, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức tiếp đại diện các hộ dân có đơn tố cáo các cán bộ huyện, tỉnh chiếm đất của dân tại dự án 773 và đơn đòi chia đất tại tuyến dân cư dự án 773 - Thạnh Hòa Lợi - xã Thạnh Lợi. Trong biên bản đối thoại, ông Trần Văn Tươi, Chủ tịch huyện thông báo với họ "Dự án 773 đã kết thúc năm 2000". Việc tuyên bố như thế lại làm cho các hộ nông dân càng nghi ngờ thêm việc làm khuất tất của chính quyền địa phương, bởi ai cũng biết sau năm 2000 chủ dự án mới làm công việc cấp đất.

Mới đây, ngày 11/4/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần có văn bản trả lời báo chí việc người dân lấn chiếm đất công tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức. "Các đối tượng lấn chiếm phần đất công nêu trên không phải là đối tượng được Nhà nước giao đất tại khu vực đất nêu trên". Dư luận xã hội thắc mắc, trong quá khứ đối tượng được giao đất tại tại vùng Thạnh Hòa Lợi là những đối tượng nào để đến nay các hộ dân nghèo trong tỉnh phải thiếu đất mà làm liều dựng lều trại kiếm sống...

Còn nhớ ở văn bản thẩm định về dự án 773 Thạnh Hòa Lợi của Trung ương trước đây có nhấn mạnh: "Khắc phục mọi biểu hiện bao chiếm buôn bán đất đai trong vùng dự án khiến hộ nghèo không có đất". Vậy mà điều cảnh báo này đã và đang diễn ra hàng ngày tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Phải chăng nguồn gốc sâu xa là do đất dự án 773 Thạnh Hòa Lợi đã được cấp sai đối tượng trong quá khứ, thay vì cấp cho dân thì chính quyền địa phương lại đem "chia" cho cán bộ.

Trực Ngôn

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/ket-noi-ban-doc/long-an-dat-du-an-cap-cho-nguoi-dan-hay-cap-cho-can-bo-12210.html