Long An triển khai 4 nhóm nhiệm vụ nhằm dẫn đầu về kinh tế ĐBSCL

Long An phấn đấu từ nay đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt khoảng 9%/năm; quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2021.

Cảng logistics Công ty TNHH Dương Vũ, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cảng logistics Công ty TNHH Dương Vũ, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, địa phương đề ra mục tiêu đến năm 2030, Long An trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, bền vững và duy trì dẫn đầu về quy mô kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo.

Long An phấn đấu từ nay đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt khoảng 9%/năm; quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người đạt 180 triệu đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%; trong đó, có bằng cấp chứng chỉ đạt 40%; giảm 50% số hộ nghèo trong từng giai đoạn 5 năm của thời kỳ 2021-2030; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại từ đô thị và công nghiệp đạt 100%...

Để đạt được mục tiêu trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm tập trung cụ thể hóa, triển khai các chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển nhanh và bền vững kinh tế tỉnh gắn với liên kết vùng; phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Cùng với đó, tỉnh chú trọng triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững, tạo cơ sở để chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang phát triển tập trung thông qua phát triển chuỗi sản xuất, cụm ngành, hành lang kinh tế và chuỗi đô thị.

Huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, đột phá, hạ tầng giao thông, điện, nước, đô thị, văn hóa-xã hội; chú trọng hạ tầng kinh tế-xã hội mang tính liên vùng.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người tỉnh Long An và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và viễn thông, công nghệ thông tin...

Mặt khác, tập trung cải thiện hiệu quả môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI), hằng năm duy trì ở nhóm “tốt” đến “rất tốt”; đẩy mạnh cải cách hành chính.

Thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, vốn tư nhân thông qua các hình thức đối tác công tư (PPP) để phát triển hạ tầng, các ngành có lợi thế, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; thu hút có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An cũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, góp phần đưa Long An phát triển nhanh, bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/long-an-trien-khai-4-nhom-nhiem-vu-nham-dan-dau-ve-kinh-te-dbscl/865582.vnp