Lòng dân nơi biên giới

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó, BĐBP Quảng Trị luôn nhận được sự tin yêu, đùm bọc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên hai tuyến biên giới, tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày một vững chắc. Phên giậu của Tổ quốc được vẹn toàn và bình yên chính là nhờ có những tấm lòng tận tụy của người dân trên tuyến biên giới, biển, đảo.

Ông Bùi Đình Sành (áo trắng) luôn là “cánh tay nối dài” của lực lượng BĐBP trong tham gia cứu hộ cứu nạn, giữ vững an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ảnh: Phan Phước Trung

“Cột mốc sống” trên biên giới

Dù đã gần 70 tuổi, nhưng già làng Pả Hiền ở bản 4, xã Thuận, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị vẫn thường xuyên tham gia những đợt tuần tra biên giới cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thuận. Với vai trò là già làng, nhiều năm nay, Pả Hiền đã tự nguyện sát cánh cùng các chiến sĩ Biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Với uy tín của mình, già làng Pả Hiền đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nơi biên giới. Từ đó, nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân trong việc bảo vệ từng tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng bản làng bình yên, no ấm được nâng lên. Trong những lần lên nương, già làng Pả Hiền luôn dành thời gian đến kiểm tra, phát quang các dấu mốc và vị trí quanh biển báo vành đai biên giới. Khi thấy có những dấu hiệu bị hư hỏng, ông kịp thời thông báo cho các chiến sĩ Biên phòng biết để xử lý.

Ông còn vận động dân bản giữ vững mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân nước bạn Lào phía đối diện; không xâm canh, xâm cư và vi phạm các quy chế, hiệp định về biên giới. Già làng Pả Hiền là nhân tố tích cực, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, giải thích để bà con dân tộc thiểu số tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tự nguyện tham gia các phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, chung tay thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới; phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp; đồng thời, xóa bỏ hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan và thực hiện nếp sống văn minh. Với những đóng góp của ông, phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, xóm” đã lan tỏa sâu rộng và trở thành hành động tự giác, tích cực của mọi người dân trên địa bàn.

Già làng Pả Hiền còn là người giữ vai trò đầu tàu, gương mẫu trong phong trào lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình và thôn bản. Tấm gương lao động, phát triển kinh tế của già làng Pả Hiền đã tác động tích cực đến nhận thức và hành động của bà con dân tộc tại địa phương. Nhiều gia đình đã mạnh dạn xóa bỏ thói quen canh tác lạc hậu như phát-đốt-cốt-trỉa; áp dụng khoa học-kỹ thuật, trồng các loại cây cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, người dân trong bản từng bước thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Ông được mọi người yêu mến, quý trọng vì đã hai lần tự nguyện hiến 1.000m2 đất cho bản làm đường dân sinh và trường mầm non. Những việc làm tốt của già làng Pả Hiền đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Những “người lính không mang quân hàm” trên biển

Ông Bùi Đình Sành, Tổ trưởng Tổ tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị được bà con quý trọng và xem là “ngọn hải đăng” của ngư dân thị trấn này. Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt là nơi có Đội tàu đánh bắt xa bờ thuộc hàng lớn nhất tỉnh, với hơn 40 tàu, trong đó có 4 tàu vỏ thép trị giá hàng chục tỷ đồng. Ông Bùi Đình Sành cho biết: “Đánh bắt trên biển cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, từ tàu thuyền đến sinh mạng con người".

Nhận thức được điều đó, khu phố 5, thị trấn Cửa Việt là một trong những nơi đầu tiên trong tỉnh phát động thực hiện phong trào “Tổ tự quản tàu thuyền, bến bãi, giúp nhau làm ăn trên biển”, vừa đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau khi hành nghề trên biển, vừa bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Hoạt động hiệu quả của Tổ tự quản tàu thuyền, bến bãi, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5, thị trấn Cửa Việt đã tạo niềm tin vững chắc cho các ngư dân. Chức năng nhiệm vụ của Tổ tự quản là sắp xếp nơi neo đậu tàu thuyền, làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự tại bến bãi; nắm tình hình đánh bắt của các phương tiện trên biển để thông tin cho lực lượng BĐBP và các lực lượng chức năng. Khi hành nghề trên biển, họ thường thông tin cho nhau, cùng nhau chia sẻ những luồng cá, các vật dụng sinh hoạt, đặc biệt là kịp thời giúp nhau khi có sự cố xảy ra trên biển, đồng thời, liên lạc với các lực lượng chức năng nên đã tạo niềm tin, sự vững tâm cho ngư dân mỗi khi vươn khơi, bám biển.

Mặc dù đã 10 năm trôi qua, nhưng ký ức về những lần cùng chiến sĩ Biên phòng không quản ngại hiểm nguy để cứu người bị nạn trên biển vẫn còn vẹn nguyên trong ông Bùi Đình Sành. Đó là ngày 23-10-2009, tàu vận tải của Công ty Toàn Thịnh bị hỏng máy trôi dạt trên biển cách Cửa Việt khoảng 8 hải lý và có nguy cơ bị sóng biển đánh chìm. Tính mạng của các thuyền viên và tài sản trên tàu trị giá trên 20 tỷ đồng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Mặc dù thời tiết xấu, biển động, sóng to, nhưng khi được Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt thông báo và điều động, Tổ tự quản tàu thuyền khu phố 5 đã điều hai thuyền và hàng chục thành viên cùng các chiến sĩ Biên phòng vượt sóng dữ, nhanh chóng tiếp cận tàu bị nạn và đã đưa các thuyền viên cùng tài sản trên tàu vào bờ an toàn.

Đầu tháng 8-2013, hai tàu cá của Nghệ An đang đánh bắt cá trên vùng biển Quảng Trị thì gặp sự cố hỏng máy, sóng to, gió lớn đã đánh chìm tàu, làm 14 ngư dân bị rơi xuống biển và trôi lênh đênh trong nhiều giờ. Tàu cá của anh Dũng, thuộc Tổ tự quản khu phố 5 đang khai thác gần đó phát hiện được và kịp thời cứu hộ đưa ngư dân lên tàu an toàn. Anh Dũng còn liên lạc với các tàu cá khác của thị trấn Cửa Việt đang đánh bắt cá vùng lân cận tìm kiếm các ngư dân bị nạn còn lại. Sau nhiều giờ tìm kiếm, một tàu cá khác của Tổ tự quản đã phát hiện và cứu thêm một ngư dân gặp nạn.

Đó là hai trong nhiều lần cứu hộ, cứu nạn thành công của các thành viên Tổ tự quản tàu thuyền, giúp nhau làm ăn trên biển khu phố 5, thị trấn Cửa Việt.

Đặc biệt, khi hành nghề trên biển, các tàu thuyền của Tổ tự quản luôn có cuốn sổ ghi chép gọi là nhật ký hành trình. Khi phát hiện tàu nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam, họ cẩn thận ghi lại tọa độ, hình dáng tàu, số hiệu và nhanh chóng báo cáo lực lượng Biên phòng biết để xử lý. Đồng thời, bà con cũng là những người kiên quyết đấu tranh với hành động khai thác hải sản theo kiểu hủy diệt môi trường biển như dùng thuốc nổ, xung điện, giã cào...

Nay sức đã yếu nên ông Bùi Đình Sành không còn đi biển, nhưng khát vọng vươn khơi của ông đã được hai người con trai tiếp nối. Ở quê nhà, ông vẫn ngày đêm hăng say duy trì Tổ tự quản tàu thuyền hoạt động hiệu quả, một lòng hướng về biển, động viên con cháu vững tin vượt sóng vươn khơi.

Phan Phước Trung

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/long-dan-noi-bien-gioi/