Lòng dân, sức dân, trí dân

73 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng lòng dân, sức dân, trí dân, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thành công, lập nên nhà nước Cộng hòa Dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Châu Á, mở ra một trang mới cho lịch sử Việt Nam, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do, tạo tiền đề đi tới chủ nghĩa xã hội.

Đoàn người biểu tình ngày 19.8.1945 trước cửa Bắc Bộ Phủ (ảnh tư liệu). Ảnh: A.C

Lòng dân, sức dân, trí dân trong Cách mạng Tháng Tám

Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại, chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang sử vẻ vang của thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung v.v... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một minh chứng hùng hồn cho tổng kết đó. Cách đây 73 năm, với độ 25 triệu đồng bào, 5.000 đảng viên (một số còn bị giam trong nhà tù đế quốc), nhưng với một tinh thần “Thà chết tự do hơn sống làm nô lệ”, với ý chí độc lập và lòng khát khao tự do hơn là nhờ quân đông súng mạnh, chúng ta đã làm nên thắng lợi huy hoàng chưa từng có vào mùa thu tháng 8 năm 1945.

Chúng ta biết rằng có nhiều thứ khởi nghĩa, nhiều cách tiến hành cách mạng, như khởi nghĩa bằng sức người, khởi nghĩa bằng vũ khí, khởi nghĩa bằng chính trị, khởi nghĩa bằng tinh thần, kết hợp tinh thần với vũ khí, lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, v.v... Người xưa nói “đánh vào lòng là hơn hết, đánh vào thành trì là thứ hai” có nghĩa rằng lòng người có một vị trí, ý nghĩa vô cùng quan trọng, một sức mạnh vô biên. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chủ yếu là thắng lợi bằng chính trị, tinh thần, mà lõi cốt là lòng dân, sức dân, trí dân dưới ánh sáng khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có đạo lý làm người. Mấy mươi thế kỷ dưới chế độ quân chủ chuyên chế, gần 100 năm trong xiềng xích thực dân không kém phần chuyên chế. Trước khi Đảng ta ra đời, các phong trào đấu tranh đều thất bại. Nhưng là một dân tộc “thấy sóng cả không ngã tay chèo”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn quốc đồng bào, mấy chục triệu người Việt Nam đã đứng dậy, kết thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đó chính là tư tưởng Hồ Chí Minh về chính trị mà hạt nhân là đoàn kết và thanh khiết. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa tháng 8.1945, Người khẳng định có đoàn kết mới có lực lượng. Đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một tư duy triết học, xa lạ với quan điểm cực đoan về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, tách biệt hoặc đối lập một cách siêu hình các tầng lớp xã hội cơ bản với các tầng lớp xã hội khác. Một Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) bao gồm đủ các tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh, gồm đủ các dân tộc đa số và thiểu số, không phân biệt trai, gái, già, trẻ, lương, giáo, giàu, nghèo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cố tìm mẫu số chung của toàn dân tộc thay vì khoét sâu sự cách biệt, đặt tiến trình xoáy trôn ốc đi lên của lịch sử thay vì loại trừ. Người phát hiện ra mẫu số chung, điểm tương đồng của dân tộc Việt Nam là chung gốc tích tổ tiên Hồng Bàng, có lòng yêu nước, có lòng căm thù bọn xâm lược và tay sai, có khát vọng tự do độc lập.

Người lại nói dân ta rất khôn khéo, tài trí, hăng hái, dũng cảm, anh hùng. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Nói như vậy có nghĩa rằng nhân dân không chỉ gan góc, sức mạnh mà còn hết sức tinh tường. Họ nhận rõ phải trái, đúng sai, thật giả. Luôn luôn đi theo Đảng, trung thành với Đảng, nghĩa là nhân dân nhận rõ Đảng là lực lượng duy nhất đại biểu cho ý chí, nguyện vọng của mình; Đảng là đại biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám tỏ rằng “một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Lời khẳng định đó trong Tuyên ngôn Độc lập cũng chính là tư tưởng Hồ Chí Minh về lòng dân, sức dân, trí dân đã làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Bởi thế cho nên, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, dân tộc Việt Nam không những có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập, mà còn quyết tâm đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

PGS-TS Bùi Đình Phong

Lòng dân, sức dân, trí dân trong công cuộc đổi mới

Không phải ngẫu nhiên mà bước vào đổi mới, trong Diễn văn khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (15.12.1986), đồng chí Nguyễn Văn Linh - Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V - đã chỉ ra rằng “trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong các cuộc kháng chiến, chúng ta đã làm nên sự nghiệp có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại. Mười năm qua chúng ta đã trả giá đắt để thu được những hiểu biết và kinh nghiệm ngày nay, và chúng ta đã có bước trưởng thành”.

Điều thu được hàng đầu là bài học kinh nghiệm quý báu về lòng dân, sức dân, trí dân. Đảng chỉ rõ “trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”. Trong cách mạng và kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. Đảng chỉ rõ lấy dân làm gốc bởi nhân dân ta rất cách mạng, có những phẩm chất rất quý báu, trải qua trên nửa thế kỷ chiến đấu liên tục, chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ, luôn luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm vì độc lập, tự do của tổ quốc và vì chủ nghĩa xã hội. Trong hoàn cảnh Đảng có sai lầm, khuyết điểm, nhân dân vẫn thiết tha mong đợi Đảng khắc phục sai lầm, đưa đất nước tiến lên.

Đúng như Người đã đúc kết “chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý: Dân rất tốt. Khi họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy học cũng không sợ”. Nhân dân không những luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng, mà còn thiết tha mong đợi Đảng khắc phục sai lầm. Vì vậy, Đảng ta không thể phụ lòng mong đợi đó của nhân dân.

Sau 10 năm đổi mới, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và xuất phát từ thực tiễn, những hiểu biết và kinh nghiệm Đảng ta thu được càng tỏ rõ cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Theo quan điểm của Đảng, lòng dân, sức dân, trí dân không chỉ trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do, mà còn thể hiện rất rõ trong công cuộc xây dựng đất nước. Đại hội VIII chỉ ra rằng “chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được thành tựu hôm nay”.

Cùng với tham khảo kinh nghiệm hay của thế giới, lý luận của công cuộc đổi mới xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, đặc biệt là những điển hình tiên tiến, kinh nghiệm tốt và nhân tố mới trong nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh cho thấy lý luận cách mạng phải “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Đảng ta chỉ rõ rằng để công cuộc đổi mới thành công phải động viên được mọi tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế tham gia; cần thực hiện tốt hơn nữa việc mở rộng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, động viên tối đa sức mạnh của toàn thể dân tộc. Đảng cũng chỉ rõ để tìm ra quy luật của công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững thì phải dựa vào ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân.

Thực tiễn là thước đo chân lý. Sau hơn 30 năm đổi mới, bài học về lòng dân, sức dân, trí dân ngày càng sáng tỏ. Đảng ta rút ra một trong những bài học kinh nghiệm lớn là “đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Người đứng đầu Đảng ta hiện nay thường nói về bài học lịch sử liên quan vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn. Triều Hậu Trần suy vong là do không thực hiện đúng chính sách “thân dân”, “làm kế sâu rễ bền gốc”. Bài học lớn Nguyễn Trãi rút ra là “thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước; nước có thể “chở thuyền”, nhưng nước cũng có thể “lật thuyền”.

Trên cơ sở nhận thức “lòng dân là quốc bảo dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước; lòng dân, trí dân, sức dân là tài sản lớn nhất, có giá trị nhất của Đảng và chế độ; lấy lòng dân để đo vận nước”, Đảng ta tổng kết trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011): “Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”.

PGS-TS Bùi Đình Phong (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/long-dan-suc-dan-tri-dan-628526.ldo