Lòng khoan dung và sự thấu hiểu của bậc cha mẹ có con là người đồng tính nữ

Dựa vào hiện trạng xã hội, PFLAG Sài Gòn đã tổ chức một buổi chia sẻ thân mật về người đồng tính nữ - cộng đồng chịu nhiều sức ép về xu hướng tính dục và bình đẳng giới vào ngày 11/11.

Dù không thường công khai sớm như người chuyển giới, thế nhưng cộng đồng người đồng tính, nhất là đồng tính nữ vẫn phải miệt mài đấu tranh vượt qua định kiến, rào cản để tìm đến bến bờ yêu thương. Chính vì vậy, PFLAG Sài Gòn (Hội phụ huynh và người thân của cộng đồng LGBT) đã quyết định tổ chức buổi họp mặt thân mật giữa tiết trời oi ả tháng Mười Một này.

Buổi gặp mặt giản dị và gần gũi

Buổi gặp mặt giản dị và gần gũi

Những quyết định của các con

Đến với buổi chia sẻ, không chỉ có sự hiện diện của các bậc phụ huynh mà PFLAG còn có cơ hội đón tiếp rất nhiều các bạn trẻ thuộc cộng đồng lục sắc. Không gian gần gũi, tràn đầy tình yêu thương giúp các bạn tự tin thuật lại câu chuyện của mình như là một lời tâm sự, nhất là ở chủ đề công khai - một chủ đề vô cùng gần gũi với người LGBT.

Buổi chia sẻ đã thu hút rất nhiều bạn trẻ và phụ huynh đến tham dự

Công khai là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của một người LGBT vì điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của các bạn. Một bạn tâm sự rằng sau khi come-out thì liên tục nhận được các cuộc điện thoại mang tính chất không ủng hộ từ gia đình. Chưa dừng lại ở đó, bạn và mẹ bạn còn phải đối mặt với những lời miệt thị từ hàng xóm xung quanh như “đồ bê đê”, “nam không ra nam, nữ không ra nữ”. May mắn thay, bạn có một người mẹ tâm lý và thương yêu mình. Đối mặt với những lời kì thị, mẹ bạn chỉ hồn nhiên đáp trả: “Hồi xưa con tui nữ tính đã đẹp rồi, giờ nó nam tính vẫn không hề xấu đi.” Chính những bậc phụ huynh luôn chọn đứng về phía con mình đã vô tình tạo nên một sức mạnh trong trái tim non nớt kia.

Những người bố mẹ luôn đứng về phía các con

Dù xã hội ngày nay đã cởi mở hơn trước, thế nhưng chuyện come-out vẫn chưa bao giờ là hết khó khăn. Biết rằng ai cũng mưu cầu hạnh phúc, cũng mong được sống đúng với chính bản thân mình nhưng hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi công khai. Như anh Huỳnh Minh Thảo đã chia sẻ trong buổi họp mặt: “Điều quan trọng nhất là các bạn phải tìm được cho mình một người đồng minh trong gia đình. Người này có thể là bất kì ai miễn sao là họ chấp nhận và có khả năng bảo vệ bạn. Từ người đồng minh đó, thuyết phục những người còn lại trong gia đình sẽ bớt khó khăn hơn.” Come-out không khó nhưng để có đủ kiến thức, tài chính phục vụ cho việc thuyết phục người thân thì là cả một quá trình.

Nỗi niềm của bố mẹ

PFLAG từ khi mới thành lập đã là niềm tự hào, là những tấm lòng rộng mở để các con thoải mái sà vào. Khác với góc nhìn của những người trẻ, các bố mẹ PFLAG luôn hiểu được cốt lõi vấn đề, hiểu được vì sao cha mẹ trong gia đình không chấp nhận người con là LGBT bởi vì chính bố mẹ PFLAG cũng đã từng trải qua “cú sốc” đó. Từ đó, công việc của các bố mẹ PFLAG chính là lắng nghe, thấu hiểu, tư vấn cho cả cha mẹ và con dưới góc nhìn của người lớn tuổi, là “cây cầu” gắn kết tình cảm gia đình.

PFLAG - Hội phụ huynh và người thân của cộng đồng LGBT

Vì hình ảnh mạnh mẽ, cứng cáp của người cha, các bạn LGBT thường tìm đến mẹ để công khai. Thế nhưng, trường hợp của bố Thắng - thành viên của PFLAG Sài Gòn lại trở thành trường hợp ngoại lệ. Bố Thắng nhận biết con gái của mình là một người đồng tính nữ vào năm con lớp Sáu. Dù không hề có kiến thức về cộng đồng LGBT và thậm chí còn nghĩ đó là bệnh nhưng dường như bản năng của người bố vẫn khiến ông chấp nhận con mình một cách nhẹ nhàng nhất. Đối mặt với người vợ và họ hàng thiếu khoan dung, bố Thắng vẫn một mực bảo vệ con mình vì đối với ông: “Con của chúng ta không phải là quỹ đầu tư dài hạn, cũng không phải là tài sản. Cả con và chúng ta đều không có lỗi. Nếu như bà không chấp nhận con mình thì tôi nghĩ là bà nên bước chân ra khỏi nhà đi!” Đó được xem như là “tối hậu thư” của ông. Bố Thắng đặt ra một câu hỏi cực kì sâu sắc: “Nếu như con gà con vịt còn chấp nhận nuôi đứa con của nó dù khác màu lông thì tại sao con người chúng ta lại đối xử với nhau như vậy?”

Bố Duy với quan niệm: “Niềm vui của con là hạnh phúc của bố mẹ”

Bên cạnh bố Thắng, còn có mẹ Hạnh sẵn sàng chia sẻ về hành trình của mình. Theo trí nhớ của mẹ, những năm đầu mà gia đình PFLAG gặp nhau chỉ toàn ôm nhau khóc chứ không tươi cười hạnh phúc như bây giờ. Đối với mẹ Hạnh: “Người ta không có gì hạnh phúc bằng việc được sống đúng với bản thân mình.” Ngoài ra, mẹ còn khuyên nhủ các bạn rằng: “Nếu như cha mẹ chưa công nhận các con thì khoan hãy oán giận họ. Mình có muôn hướng để đi nhưng chỉ có một nơi để về, đó chính là gia đình. Hãy kiên nhẫn các con nhé và đừng quên rằng luôn có hội PFLAG ở đây đồng hành cùng các con!”

Mẹ Hạnh với những lời khuyên từ tận đáy lòng

PFLAG hiện nay đã thành lập 32 hội nhóm ở khắp tỉnh thành Việt Nam với mục tiêu chính là vận động, nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh có con là người thuộc cộng đồng LGBT. Có lẽ giữa người lớn với người lớn, những câu chuyện và lời khuyên sẽ mang tính chất rõ ràng và đồng cảm nhiều hơn. Hãy luôn đồng hành cùng PFLAG trên những chặng đường sắp tới nhé!

Thục Nhi

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/love-wins/long-khoan-dung-va-su-thau-hieu-cua-bac-cha-me-co-con-la-nguoi-dong-tinh-nu-4034893.html