'Lòng ta bát ngát ánh bình minh'

Để đất nước có những mùa xuân thanh bình, ấm áp, bao thế hệ người Việt đã đổ công sức, xương máu, dâng hiến tuổi trẻ, quyết giành cho được độc lập, tự do. Ngày nay, dù không còn bom rơi đạn nổ, nhưng người lính trên khắp mọi miền Tổ quốc vẫn lặng thầm bảo vệ những mùa xuân thanh bình ấy để đưa con tàu Việt Nam tiến về phía trước. Nhiệm vụ huấn luyện đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 113, Binh chủng Đặc công là minh chứng sinh động cho những hy sinh thầm lặng ấy.

Buổi sáng một ngày cuối năm, tôi bước vào cổng Lữ đoàn Đặc công 113 trong niềm phấn chấn.

Nhưng doanh trại tĩnh lặng, im ắng quá!

Trên sân vận động rộng mênh mông và phẳng phiu là những khu nền đất nâu thẫm, lưa thưa vài lá cỏ ngả màu. Trung tá Nguyễn Biên Cương, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn đón tôi bằng nụ cười thân thiện. Anh cho tôi hai lựa chọn, nghỉ ngơi lấy sức sau chặng đường dài hoặc cơ động ngay đến địa điểm bộ đội huấn luyện. Tôi quyết định đi ngay.

Sau nhiều phút len lỏi dưới tán keo lành lạnh, chúng tôi đến chân quả đồi thuộc dãy núi thằn lằn. Trung tá Phùng Duy Tĩnh, Liên đội trưởng Liên đội 27 đã chờ chúng tôi ở đó. Đây là thao trường huấn luyện kỹ thuật và nằm trong điểm cao 82.

Trong màn sương trắng mỏng manh, một vạt đất rộng khoảng 10m vươn dài lên đỉnh điểm cao mà trên đó tích hợp đủ loại vật cản không nổ với hình thù khác nhau. Ban đầu là hào nước rồi đến tường bằng đá cao gần 5m và rất nhiều kiểu loại hàng rào thép gai. Anh Tĩnh bảo, hôm nay sẽ cho tôi được thưởng thức chút tinh túy của lính đặc công.

Chiến sĩ đặc công vượt vật cản. Ảnh: TRUNG DŨNG

Đề bài của anh dành cho tôi khá đơn giản. Tôi sẽ đóng vai quân xanh đi tuần từ chân lên trên đỉnh điểm cao dài 150-200m trong vòng 8 phút. Quá trình cơ động, tôi phải xác định vị trí ẩn mình của 5 chiến sĩ đặc công rồi đánh dấu ở mép đường. Các trọng tài sẽ bấm giờ và đi bên cạnh giám sát.

Dứt tiếng còi và khẩu lệnh, tôi thực hiện nghiêm đề bài. Loáng cái, 5 chiếc cờ trong tay tôi đã cắm hết. Liếc đồng hồ, thời gian đã trôi về những giây cuối. Tôi tin tưởng vào khả năng của mình. Bởi trong điều kiện ban ngày, không một di biến động nào của vật thể có thể thoát khỏi đôi mắt của mình.

- Tuýt, tuýt... Dừng tập!

Trung tá Phùng Duy Tĩnh nghiêm mặt sau khẩu lệnh.

Các chiến sĩ trồi lên khỏi mặt đất ở các vị trí khác nhau. Người họ phủ một màu vàng, trùng với màu của đất và chỉ hở hai con mắt.

Tôi thất kinh và bắt đầu nghi ngờ về kết quả cắm cờ khi nhìn thấy những "mảng đất biết đi".

Kết quả đối chiếu, các vị trí tôi đánh dấu đều không trùng với nơi chiến sĩ đặc công giấu mình. Tôi đã thua một cách thuyết phục.

Khi về đến lưng đồi, đón tôi là một anh lính đặc công mặc quần đùi ôm sát cơ thể, đầu đội mũ vải con có quai thít chặt ở cằm, vai đeo khẩu AK báng xếp gọn ghẽ đứng cạnh lỉnh kỉnh những thứ rất đời thường, như xô nước, vài bánh than tổ ong, mảnh màn tuyn, cỏ, đất bột, lá cây, ghim sắt. Đó là Thượng úy Hoàng Văn Trường, Mũi trưởng Mũi 2, Đội 1, Liên đội 27.

Chỉ vào những lỉnh kỉnh đồ đạc, Trường bảo, để biến những thứ tưởng chừng vô tri thành phương tiện chiến đấu là rất công phu. Ví như may áo cỏ thôi đã phải mất vài ngày. Đầu tiên là phải chọn cỏ phù hợp với địa hình, sau đó là tỉ mẩn xếp lên quần áo và ghim lại theo nguyên tắc thuộc diện bí mật nghiệp vụ. Hay như bôi đất ngụy trang cũng phải công phu. Phải lấy lá cây giã nhuyễn lọc lấy nước, trộn với đất trên địa hình rồi bôi lên cơ thể, chỉ để lộ môi, mắt, mũi. Chính vì họ ngụy trang công phu và lợi dụng địa hình để ém giấu khéo léo nên tôi không tài nào phát hiện ra 5 chiến sĩ đặc công trên nền đất màu vàng nhạt. Tôi hỏi về các bí quyết nhưng Trường từ chối trả lời.

Trong cuộc trò chuyện, tôi ngờ ngợ bởi khuôn mặt của Mũi trưởng Hoàng Văn Trường rất quen, như đã gặp ở đâu. Thì ra, thời còn là học viên của Trường Sĩ quan Đặc công, Trường tham gia Lễ bế mạc Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) năm 2021 vào đầu tháng 9 ở Trung tâm Huấn luyện quân sự Quốc gia 4. Tôi đã gặp và trò chuyện với học viên có nước da trắng Hoàng Văn Trường lúc đang chuẩn bị làm áo cỏ. Hôm bế mạc, Trường cùng mấy trăm đồng đội mặc áo cỏ, ém giấu mình ở sân và bất ngờ bật dậy rồi xếp thành chữ “Army Games 2021”, khiến khán giả, đặc biệt là tùy viên quân sự các nước rất khâm phục.

Trung tá Nguyễn Biên Cương ghé vào tai tôi thì thầm: "Anh muốn biết nhiều hơn bí quyết của lính đặc công phải không?".

- Đúng rồi, nó nằm ở đâu, thủ pháo phải không anh?

- À! Nó không chỉ nằm ở ý chí, hành động tỉ mẩn, khéo léo và hiệp đồng chuẩn xác mà còn nằm trong nghệ thuật tổ chức chiến đấu. Kỹ thuật giúp chiến sĩ đặc công đi vào nơi địch phòng ngự sơ hở rồi đột ngột tung ra những đòn đánh gây choáng váng, bất ngờ, khiến đối phương bị động. Đối với Bộ đội Đặc công, mỗi lần trinh sát hay đánh chiếm căn cứ địch là một lần xác định không trở về...

Lời của Trung tá Nguyễn Biên Cương khiến tôi nhớ đến tâm sự của cựu chiến binh Vũ Quang Đồng ở TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), nguyên chiến sĩ đặc công Bộ tư lệnh Miền chiến đấu ở khu vực "tam giác sắt" của vùng đất miền Đông Nam Bộ anh hùng từ năm 1969 đến 1975.

Ông kể, Bộ đội Đặc công phải vượt qua hàng chục lớp rào các loại xen lẫn nhiều loại mìn và hệ thống đèn pha chiếu rọi đến con chuột chạy qua cũng nhìn thấy. Nếu nghi ngờ, dù là một tiếng động nhỏ ở hàng rào, địch cũng sẽ dùng hỏa lực mạnh nhất để tiêu diệt. Trong hoàn cảnh như thế, lính đặc công vẫn vượt qua, vẫn đánh cho địch những trận kinh hồn bạt vía. Nhưng cũng có chiến sĩ bị hy sinh trong rào. Chúng mổ bụng, phơi xác trên hàng rào thép gai và cài mìn, lựu đạn để bẫy đồng đội đến lấy xác.

Cựu chiến binh Vũ Quang Đồng cho biết, trong suốt thời gian tham gia cuộc chiến, ông đã vô hiệu hóa 81 loại mìn khác nhau của địch ở các loại hàng rào.

Chiến sĩ đặc công vượt vật cản. Ảnh: TRUNG DŨNG

Trở về Sở chỉ huy Lữ đoàn Đặc công 113, trò chuyện với Thượng tá Trần Kim Nam, Phó lữ đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Lữ đoàn, tôi được biết thêm, để có những kỹ năng đặc biệt, các chiến sĩ đặc công phải rèn luyện công phu về sức khỏe, sức bền, khả năng chịu đựng trong môi trường khắc nghiệt. Họ tập vùi mình dưới cát nóng, sình lầy, bãi đất trong điều kiện thiếu nước, đói bụng và sự truy lùng gắt gao của địch.

Trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, Lữ đoàn đã chủ động nghiên cứu các phương tiện trinh sát hiện đại để khắc chế và có những thành công nhất định. Anh tin, với cách đánh đạt đến nghệ thuật, những người lính đặc công “không bao giờ có mùa đông” của Lữ đoàn Đặc công 113 sẽ kế thừa xứng đáng truyền thống “đặc biệt tinh nhuệ”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Ra đường, cái rét ngọt ngày cuối năm như thấm vào xương tủy. Tôi "nhấm nháp" vần thơ mà Trung tá Nguyễn Biên Cương đã đọc trước khi chia tay: “Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội/ Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh/ Trán cháy rực nghĩ trời đất mới/ Lòng ta bát ngát ánh bình minh” ("Đất nước" - thơ Nguyễn Đình Thi). Hình ảnh chiến sĩ đặc công phủ lớp ngụy trang giữa mùa đông lạnh giá thật ấm áp biết nhường nào...!

Nơi đây, mùa xuân đã về từ bao giờ!

MẠNH THẮNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-quan-doi-nhan-dan-xuan-giap-thin-2024/bao-quan-doi-nhan-dan-cuoi-tuan-xuan-giap-thin/long-ta-bat-ngat-anh-binh-minh-764230