Lòng tin kinh doanh của doanh nghiệp châu Á giảm thấp nhất trong 11 năm

Theo một khảo sát mới đây của Thomson Reuters/INSEAD, lòng tin kinh doanh của các doanh nghiệp tại châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc ngày 12/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc ngày 12/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo một khảo sát mới đây của Thomson Reuters/INSEAD, lòng tin kinh doanh của các doanh nghiệp tại châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua, với khoảng 2/3 số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng đại dịch COVID-19 là rủi ro lớn nhất trong sáu tháng tới.
Trong khi những tác động ban đầu của đại dịch được thấy qua khảo sát trong quý I/2020, chỉ số lòng tin kinh doanh của các doanh nghiệp tại châu Á giảm 1/3 xuống 35 trong quý II, đánh dấu lần thứ hai chỉ số này giảm xuống dưới 50 kể từ khi khảo sát bắt đầu được thực hiện vào quý II/2009.

Chỉ số lòng tin trên 50 cho thấy triển vọng là tích cực. Lần gần đây nhất chỉ số này dưới 50 là vào quý II/2009, khi ở mức 45.
Khoảng 16% trong số 93 doanh nghiệp được khảo sát cũng cho rằng một cuộc suy thoái sâu sẽ là rủi ro chính trong sáu tháng tới, với hơn một nửa dự kiến số lượng nhân viên và khối lượng công việc sẽ giảm.

Các doanh nghiệp từ 11 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đã tham gia khảo sát của Thomson Reuters/INSEAD.
Theo Giáo sư kinh tế Antonio Fatas thuộc chi nhánh Singapore của trường kinh doanh toàn cầu INSEAD, cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 29/5 đến ngày 12/6, khi tình hình thực sự trở nên xấu đi. Ông Fatas nói thêm tâm lý bi quan hiện diện trong khắp các lĩnh vực và các quốc gia với mức độ chưa từng thấy trước đó.
Nhiều nước đang nới lỏng các biện pháp phong tỏa được thực hiện trước đó nhằm ngăn chặn dịch bệnh, nhưng những lo ngại về khả năng làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế vốn đã lao đao sau nhiều tuần hạn chế đi lại và di chuyển ngày càng gia tăng. Số ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt 8 triệu người.
Sau nhiều tuần gần như không có ca nhiễm mới, Trung Quốc đã ghi nhận hàng chục ca mới trong những ngày gần đây, khiến các thị trường chứng khoán biến động. Hàn Quốc cũng đối mặt với sự gia tăng số ca nhiễm sau những thành công ban đầu trong việc kiểm soát dịch.
Trung Quốc, nơi khởi phát dịch COVID-19, thông báo sản lượng công nghiệp của nước này đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng Năm, nhưng mức tăng yếu hơn dự báo cho thấy đà phục hồi vẫn chậm.
Chính phủ các nước đã thực hiện các biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế. Singapore và khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), hai trong số những nền kinh tế mở cửa nhất ở châu Á, đã hỗ trợ các lĩnh vực chịu tác động mạnh từ việc hạn chế đi lại, trong đó có ngành hàng không./.

Lê Minh (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/long-tin-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-chau-a-giam-thap-nhat-trong-11-nam/160012.html