Lòng tốt biết đặt vào đâu?

SGTT.VN - Ban đầu là câu chuyện những bà mẹ ông bố sôi sục trên các phương tiện truyền thông lên án kẻ dã tâm bắt mất con đầu lòng của vợ chồng anh H. chị T.

Chuyện cuối tuần

Có lẽ một phần nhờ áp lực của dư luận mà các anh công an đã thành lập đội trọng án, lên phương án tác chiến cho trận đánh đẹp và ngày đêm tìm thủ phạm. Cuối cùng cô Tr. đã ra đầu thú, khóc lóc bảo rằng do sợ chồng bỏ vì không sinh được con nên đã bắt cóc đứa bé. Sau đó dư luận ào ào cho rằng vì cũng lâm vào hoàn cảnh khốn khổ, thôi thì bỏ qua việc bắt cóc con của cô Tr., bãi nại cho người ta v.v. Có lẽ cũng vì nghe theo dư luận nên vợ chồng anh H. sẵn lòng tha thứ, không những thế còn hứa là khi thủ phạm thụ án xong, sẽ cho cô làm mẹ đỡ đầu thằng bé.

Một kết thúc có hậu.

Nhưng cách đây hai ngày, công an nhận được một thông tin khác báo rằng chính cô Tr. đã gọi điện đòi bán thằng bé giá 10 triệu đồng! Quả là một cái tin động trời dù chưa có kết luận cuối cùng. Ngay lập tức dư luận phản ứng theo hướng khác.

Giờ phải làm sao với lòng tốt?

Còn lòng tốt, thì ra chỉ là một “vật xa xỉ” khi nó được ném ra trước một đám đông đang chết khát với nó. Ảnh: giadinh.net.vn

Phát minh hay nhất của con người thời hiện đại chính là internet, không cần chứng minh nữa. Chính cộng đồng mạng đã tác động rất nhiều đến xã hội ngày nay. Cách đây vài năm, thông tin chỉ có thể tìm đọc trên báo chí thì bây giờ, mỗi buổi sáng, chỉ cần bấm smartphone, ngồi ở Sài Gòn bạn có thể biết hết tin của một cháu bé bị ngược đãi ở một gia đình nào đó tận trên Thái Nguyên…

Gần đây tin về tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà nước và công dân ngày một nhiều hơn. Tin về hành hạ trẻ em mầm non, gia đình chém giết lẫn nhau vì tài sản cũng nhiều hơn và đặc biệt, nhờ có sức mạnh của cộng đồng mạng, nhà chức trách cũng ý thức rõ trách nhiệm của mình hơn. Việc các anh công an quận 7 hợp tác với cộng đồng mạng để tìm ra thủ phạm bắt cóc bé K. là bằng chứng.

Thông tin vẫn chỉ có tính sự kiện, nó không chịu trách nhiệm về… tâm tính con người. Những ngôn ngữ mang tính cảm xúc mạnh đôi khi gây ra một năng lượng lớn, tùy tâm trạng tích cực hay tiêu cực mà người tiếp nhận nó định lượng. Chính vì vậy, để có thể đủ bình tĩnh trước một thông tin gây sốc như bắt cóc trẻ con, cần phải để cái đầu suy nghĩ trước khi ào ạt nhận định. Sau khi suy xét và nhận diện vấn đề, người ta mới có thể quyết định xử lý thông tin ấy như thế nào. Nếu là người thấu đáo, có thể sẽ đặt nghi ngờ xung quanh lời khai của Tr. về việc sợ chồng bỏ nên bắt cóc con người khác. Điều đầu tiên phải hỏi người chồng ấy là, sao vợ sinh con mà chồng không biết? Gia đình Tr. cũng vậy: con gái đi sinh mà không có ai bên cạnh?...

Nhưng bài viết này không làm nhiệm vụ luận tội Tr. Chỉ là lên tiếng vì nghĩ đến cảnh người ta sẽ không còn bàn luận đến Tr. nữa để trốn tránh một việc: không chịu trách nhiệm với lời của mình, không chịu trách nhiệm với lòng tốt của mình. Nói cho có, nói lấy được, nói cho đã miệng, nghe cho sướng tai. Còn lòng tốt, thì ra chỉ là một “vật xa xỉ” khi nó được ném ra trước một đám đông đang chết khát với nó.

Và thật tội nghiệp cho gia đình anh chị T. và H. lúc đầu thì căm thù kẻ bắt cóc, sau thì nghĩ vì “tội nghiệp người ta” như đám đông nhận định nên tha thứ, giờ không biết hành xử sao nếu công an điều tra đó quả là kẻ bắt cóc trẻ con đem bán chứ không hề là một bà mẹ trẻ lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã?

Người viết bài này vẫn mong một sự bao dung – vốn là bản tính tự nhiên của con người khi thấu hiểu, chứ không phải vì sợ sự phán xét của đám đông.

Hồ Trần

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/loi-song/186931/long-tot-biet-dat-vao-dau.html