Long trọng, ấm cúng lễ giỗ lần thứ 93 Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Lễ giỗ diễn ra trang trọng, ấm cúng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao, đạo đức, nhân cách cao cả của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cùng đại biểu thành kính dâng hương tại Đền thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cùng đại biểu thành kính dâng hương tại Đền thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Sáng 20/11 (nhằm 27/10 năm Nhâm Dần), tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp diễn ra lễ giỗ lần thứ 93 của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cùng thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, các sở ngành tỉnh, huyện, thành phố, đại diện dòng họ Nguyễn Sinh và đông đảo bà con nhân dân đã dâng hoa, thắp nén hương nơi phần mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Trong không khí trang nghiêm, tại Đền thờ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đại biểu đã thành kính dâng phẩm vật, dâng hương, mặc niệm tưởng nhớ công lao của cụ Nguyễn Sinh Sắc đối với dân tộc Việt Nam nói chung và quê hương Đồng Tháp đất sen hồng nói riêng.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862, người làng Sen, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1901, cụ đỗ Phó bảng. Sau khi rời quan trường, Cụ vào Nam Bộ hoạt động, liên lạc với các nhà sư, nhà nho yêu nước.

Những năm tháng cuối đời, Cụ dừng chân tại làng Hòa An, Cao Lãnh. Ngày 27/10/1929 (âm lịch), Cụ lâm trọng bệnh và qua đời, được người dân làng Hòa An chôn cất cạnh chùa Hòa Long.

Từ Làng Sen xứ Nghệ, nhà nho Nguyễn Sinh Sắc đã đến vùng đất Cao Lãnh truyền bá tư tưởng yêu nước, thắp lên niềm tin cho con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Người dân Hòa An-Cao Lãnh mang nặng nghĩa ân đối với Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một nhà nho yêu nước thương dân và là người đã sinh thành, giáo dục cho dân tộc Việt Nam một vị lãnh tụ kiệt xuất, cho thế giới một danh nhân văn hóa - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“93 năm qua, kể từ ngày Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc an nghỉ ở vùng đất Cao Lãnh, ngày 27/10 âm lịch hằng năm, ngày giỗ Cụ, đã trở thành một ngày lễ thiêng liêng của người dân Đồng Tháp, cũng như du khách thập phương.

Bằng tình cảm, vinh dự và trách nhiệm của một tỉnh, được thay mặt đồng bào cả nước trông coi, bảo vệ ngôi mộ Cụ Phó bảng, trong thời kỳ chiến tranh, người dân Đồng Tháp đã quyết tâm giữ gìn bảo đảm an toàn tuyệt đối mộ Cụ”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết.

Ngoài phần lễ, phần hội năm nay được tổ chức xuyên suốt trong 3 ngày lễ giỗ, với các hoạt động văn hóa-nghệ thuật, thể dục-thể thao, trò chơi dân gian vui nhộn.

Hoạt động trà đạo tại Làng Hòa An xưa của Khu di tích Nguyễn Sinh sắc.

Theo đó, lễ hội tái hiện không gian văn hóa cổ truyền Nam Bộ với trải nghiệm các hoạt động biểu diễn nhạc lễ, thư pháp, trà đạo; tái hiện không gian văn hóa chợ quê.

Lễ hội còn tổ chức triển lãm tranh; ảnh; trải nghiệm làng nghề thủ công truyền thống: đan lục bình, dệt chiếu, đan đát; Liên hoan Đờn ca tài tử, hát dân ca và Hò Đồng Tháp…

Một điểm mới của lễ giỗ năm nay là các hoạt động văn hóa truyền thống, ẩm thực, trò chơi dân gian, trưng bày sản phẩm OCOP… trên phố đi bộ kết nối các không gian văn hóa của thành phố Cao Lãnh.

Các tổ chức, cá nhân trao bảng tượng trưng tiền ủng hộ Quỹ Khuyến học Nguyễn Sinh Sắc.

Dịp này, đại diện các tổ chức, cá nhân trao bảng tượng trưng tiền ủng hộ Quỹ Khuyến học Nguyễn Sinh Sắc hơn 12,4 tỷ đồng (2 năm 2021-2022). Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong trao Bảng tri ân cho các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Khuyến học Nguyễn Sinh Sắc nhiều năm liền.

HỮU NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/long-trong-am-cung-le-gio-lan-thu-93-cu-pho-bang-nguyen-sinh-sac-post725875.html