Lòng trung nghĩa của Quan Vũ được khắc họa trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

Nói đến vị danh tướng thời Tam Quốc là Quan Vũ, không ai là không biết. Một chiến tướng oai phong lẫm liệt nổi tiếng với tấm lòng trung nghĩa sắt son, trước sau như một.

Đây cũng là một nhân vật được xây dựng nên nhiều giai thoại nhất trong lịch sử Trung Hoa với những câu chuyện không những được truyền miệng lại mà còn xuất hiện cả trong nghệ thuật và diễn xướng suốt 2000 năm nay.

Quan Vũ (160 – 220) là một danh tướng sống ở cuối nhà Đông Hán, thời Tam Quốc. Tên chữ của ông là Trường Sinh, sau đổi thành Vân Trường, sinh ra và lớn lên tại Giải Lương, Hà Đông (nay là Vân Thành, tỉnh Sơn Tây).

Ông là người đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán, đồng thời cũng là anh em kết nghĩa với hoàng đế Lưu Bị và danh tướng Trương Phi.

Võ nghệ của Quan Vũ lần đầu được thể hiện, thiên hạ biết tới

Trong Tam Quốc diễn nghĩa, điển tích ôn tửu trảm Hoa Hùng được cho là chiến công đầu tay của Quan Vũ.

Lúc đó, 18 lộ chư hầu Quan Đông khởi binh vây thành Lạc Dương, thảo phạt gian thần Đổng Trác.

Chư hầu tiến cử Viên Thiệu làm minh chủ, Tôn Kiên làm tiên phong tới Dĩ Thủy Quan ứng chiến. Tướng của Đổng Trác là Kiêu kỵ hiệu úy Hoa Hùng tiếp chiến, đánh bại Tôn Kiên, chém đầu Tổ Mậu.

Trước tình thế bất lợi, Viên Thiệu than: “Tiếc rằng hai tướng Nhan Lương, Văn Xú chưa tới. Nếu có một người ở đây thôi, đâu cần phải sợ Hoa Hùng?”.

Nghe vậy, Quan Vũ bước ra, chủ động xin đi lấy đầu Hoa Hùng. Viên Thiệu và Viên Thuật không bằng lòng. Tào Tháo là người duy nhất ủng hộ ông xuất trận. Ông ta mời Vân Trường một chén rượu.

Quan Công chưa vội nhận lấy mà xách đao lên ngựa. Không lâu sau, khi ông xách đầu Hoa Hùng trở lại, chén rượu vẫn còn ấm.

Quan Vân Trường thực sự là dũng tướng hàng đầu thời Tam Quốc. Vì thế, bậc kiêu hùng như Tào Tháo cũng rất kính trọng ông.

Lòng trung nghĩa của Quan Vũ được khắc họa rõ nét

Đầu năm 200, Tào Tháo chia quân đi chuẩn bị đánh Từ châu. Lưu Bị biết mình thế yếu bèn sai người đi cầu cứu Viên Thiệu nhưng Thiệu chần chừ không ra quân. Tào Tháo gấp rút tiến đánh Từ châu.

Vài ngàn quân của Lưu Bị không chống nổi, bị thua tan tác. Lưu Bị bỏ chạy sang Hà Bắc theo Viên Thiệu, Trương Phi trốn về Nhữ Nam; còn Quan Vũ dẫn theo nhị vị phu nhân (vợ của Lưu bị) chạy trốn nhưng bị Tào Tháo truy đuổi, vây bắt không còn đường chạy.

Vì cứu nhị vị phu nhân nên Quan Vũ đã buộc phải đầu hàng. Nhưng trước khi đầu hàng Quan Vũ vẫn có 3 điều kiện dành cho Tào Tháo.

Thứ nhất: “Một khi biết được tin tức của Lưu Bị, dù ở chân trời góc bể, Quan Vũ sẽ lập tức rời đi”.

Thứ hai: “ Hàng vua Hán chứ không hàng tào tháo”.

Thứ ba: “ Đảm bảo cho nhị vị phu nhân được an toàn”.

Những điều kiện của Quan Vũ đều được Tào Tháo chấp nhận với hy vọng thu phục được Quan Vũ.

Ngay lần đầu khi gặp Quan Vũ, vị Thừa tướng quyền cao chức trọng uy danh hiển hách đã vội xuống ngựa để bước tới đón tướng tài. Thoáng nhìn thấy dây giày của Quan Vũ bị tuột, Tào Tháo không chút do dự cúi người quỳ gối xuống, tự tay cột lại giày trước mặt ba quân khiến Quan Vũ vừa bối rối vừa vô cùng cảm động.

Vốn là người chi dùng rất tiết kiệm nhưng để thu phục Quan Vũ, Tào Tháo không chỉ ban tặng mỹ nữ Giang Nam, mà còn ban rượu ngon, sơn hào hải vị, bạc vàng tơ lụa. Ngay cả con ngựa Xích Thố mà Lã Bố cưỡi khi xưa cũng được Tào Tháo tặng cho Quan Vũ mà không phải các dũng tướng từng vào sinh ra tử với mình.

"Cứ 3 hôm một tiệc nhỏ, 5 hôm một tiệc lớn, tặng mỹ nữ, vàng bạc, châu báu, phong hầu, vinh hoa phú quý đủ cả". Ông còn tâu lên vua Hán, sắc phong cho Quan Vũ làm thiên tướng quân, Hán Thọ đình hầu.

Tào Tháo đối với Quan Vũ tốt đến thế đã là cực điểm, không giống tính cách thường ngày của ông - "thà phụ cả thiên hạ". Nhưng Tào Tháo để ý thấy ông không có ý ở lại lâu dài với mình, bèn sai Trương Liêu đến thăm dò ông.

Quan Vũ thẳng thắn nói với Trương Liêu:"Tào Công đối với tôi rất tốt, trong lòng tôi biết rõ. Nhưng tôi chịu ơn trời cao đất dày của Lưu tướng quân, từng thề là cùng sống cùng chết, không thể phản bội được. Tôi không thể lưu lại nơi này, chỉ có điều phải đợi lập được công, báo đáp Tào Công thì tôi mới đi".

Trương Liêu trở về nói lại với Tào Tháo. Tào Tháo không những không tức giận mà càng thêm kính trọng ông. Tào Tháo khen ông là “Thờ chúa không quên gốc, thật là nghĩa sĩ thiên hạ vậy”.

Biết tin Lưu Bị đang ở trên đất Viên Thiệu, Quan Vũ đưa hai chị dâu đi tìm. Tào Tháo vì không muốn mất một viên hổ tướng hiếm có như Quan Vũ nên khi chia tay đã lờ đi, không cấp giấy qua ải cho ông, nhưng cũng không sai tướng đuổi bắt.

Trên chặng đường đi, các tướng trấn ải của Tào Tháo thấy ông không có giấy thông hành, nên đã không để cho Quan Vũ qua ải. Sau khi thuyết phục bất thành, ông đành phải mở đường máu mà đi.

Quan Vũ đã phải chém 6 tướng Tào để vượt qua 5 cửa ải. Tiếp tục cuộc hành trình, trên đường sang Nhữ Nam tìm Lưu Bị.

Sau này có bài thơ nói về Quan Vũ qua 5 ải chém 6 tướng để đi tìm Lưu Bị:

"Treo ấn phong vàng giã tướng Tào

Tìm anh trong dạ bước xôn xao…

Xông pha nghìn dặm bon chân ngựa

Xung đột năm quan múa lưỡi đao

Trời đất chứa chan lòng thiết nghĩa

Núi non lừng lẫy tiếng anh hào.

Một mình chém tướng ai đương nổi?

Đề vịnh xưa nay kể xiết bao!"

Có thể thấy Quan Vân Trường là một người trung nghĩa được khắc họa rõ nét nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, dù được phong tặng ấn tín, ngựa tốt, vàng bạc, châu báu, thiết đãi yến tiệc… Nhưng Quan Vũ vẫn không màng tới, một lòng nhớ về Lưu Bị, cuối cùng Quan Vũ đã đảm bảo được an toàn cho nhị vị phu nhân cùng đoàn tụ với Lưu Bị và Trương Phi.

Hà Vy (T/H)

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/long-trung-nghia-cua-quan-vu-duoc-khac-hoa-trong-tam-quoc-dien-nghia-d109498.html