Longform: Thượng đỉnh liên Triều: Bùng nổ căng thẳng, nín thở hòa giải tới phút chót

Ngày 27/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bước qua biên giới ở khu phi quân sự để tiến vào lãnh thổ Hàn Quốc và gặp gỡ Tổng thống Moon Jae-in. Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba sau hai hội nghị vào các năm 2000 và 2007. Ông Kim cũng là lãnh đạo đầu tiên của chính quyền Bình Nhưỡng băng qua vĩ tuyến 38 kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.

Sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn ở trong tình trạng chiến tranh khi kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải hiệp định hòa bình.

Trong một thời gian dài, cả Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn liên tục căng thẳng. Tuyên bố đình chiến nhưng thỏa thuận hòa bình chưa từng được thông qua đến tận bây giờ.

Hai nhà lãnh đạo tiền nhiệm của ông là Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun từng hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Jong Il vào các năm 2000 và 2007.

Hai hội nghị thượng đỉnh trước đó đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng các kỳ vọng về thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo đều không trở thành hiện thực.

Ông Kim Dae-jung tới Bình Nhưỡng năm 2000, Mỹ và Hàn Quốc đã phối hợp chặt chẽ để điều chỉnh chiến lược ngoại giao với Triều Tiên. Kim Dae-jung rời Bình Nhưỡng với nhiều thỏa thuận trong tay, đặc biệt là thỏa thuận tái đoàn tụ các gia đình ly tán bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, đổi lại Hàn Quốc đầu tư nguồn lực cho nền kinh tế Triều Tiên đang trì trệ. Tại cuộc gặp năm 2000, Tổng thống Kim Dae-jung đã được nhận giải Nobel hòa bình cho những nỗ lực thống nhất hai miền, nhưng thông tin về việc Seoul chuyển cho Bình Nhưỡng 200 triệu USD trước khi cuộc gặp diễn ra đã làm lu mờ di sản của ông. Tổng thống Kim Dae Jung đã công khai xin lỗi vì bí mật chuyển tiền cho Bình Nhưỡng nhưng khẳng định số tiền phục vụ cho các giao dịch kinh doanh ở Triều Tiên.

Trong khi đó, cuộc gặp năm 2007 giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong Il và Roh Moo-hyun cũng bị lu mờ và bác bỏ sau khi người kế nhiệm ông, Tổng thống Lee Myung-bak, lên nắm quyền.

Khi Tổng thống Roh tiến về Bình Nhưỡng vào năm 2007, ông là một tổng thống không được lòng dân và chỉ còn vài tháng trong nhiệm kỳ. Ông Roh muốn ký các thỏa thuận đảm bảo rằng Hàn Quốc tiếp tục viện trợ cho Triều Tiên sau khi ông rời nhiệm sở.

“Tổng thống Roh hy vọng chính quyền tiếp theo sẽ giữ một số chính sách cũ. Ông ấy muốn thực hiện nhiều thỏa thuận nhất có thể để đẩy nó cho người kế nhiệm”, giáo sư Andre Moo Lankov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin cho biết.

Theo ông Lankov, cả chính quyền của ông Kim Dae Jung và Roh Moo Hyun đều nhận thức được những rủi ro ngay từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Il chào đón họ ở Bình Nhưỡng và những thách thức nếu quay về trắng tay.

Thậm chí, trong cuộc gặp đầu tiên, Triều Tiên chỉ thể hiện thái độ: “Cứ bước tới, mọi thứ sẽ ổn thôi, dù chắc hẳn sẽ có một số yếu tố không chắc chắn và bất an”, ông Kim Hong Gul, con trai của cố Tổng thống Kim Dae Jung nói.

Căng thẳng vẫn liên tục kéo dài trong một thời gian dài và tưởng chừng không thể dịu xuống. Các chuyên gia từng cảnh báo đến một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất kỳ lúc nào sau các lời đe dọa liên tục và cứng rắn giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào năm ngoái.

Tính riêng năm 2017, Triều Tiên đã tiến hành khoảng 15 vụ phóng thử tên lửa, trong đó có 3 vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa, 2 lần bắn tên lửa bay qua Nhật Bản.

Các căng thẳng liên tục trong năm 2017 đã khiến thế giới nhiều lo lắng. Các nhà quan sát liên tục đưa ra cảnh báo nguy cơ về cuộc chiến tranh và hậu quả đáng sợ của nó.

Thậm chí, Thượng nghị sỹ Lindsey Graham nói trên CNN rằng, nếu chúng tôi phải đi đến chiến tranh để chấm dứt căng thẳng dai dẳng này, chúng tôi cũng sẽ làm. Nếu chiến tranh với Triều Tiên có thể xảy ra thì đơn giản hiểu rằng, chính bản thân Bình Nhưỡng đã gây ra điều này.

Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Frants Klintsevich từng nhấn mạnh: “Tôi không biết rõ lý do của các cuộc thử tên lửa này. Tôi cũng không khẳng định, trong trường hợp như vậy, đây có phải là “quả khinh khí cầu chờ nổ” sau các phản ứng của đối phương. Tôi hi vọng Washington sẽ đủ khéo léo để kiềm chế các hành động của mình.”

Tín hiệu đầu năm 2018 khiến thế giới nhiều bất ngờ. Triều Tiên đã cởi mở, liên tục 3 lần điện đàm với Hàn Quốc chỉ trong 24 giờ sau 2 năm im lặng vào ngày 3.1.

Đường dây nóng biên giới liên Triều được mở lúc 6h30 sáng 3/1 để Bình Nhưỡng và Seoul trao đổi về đề xuất của Hàn Quốc vào ngày đầu năm mới rằng, 2 bên nên tổ chức các cuộc thảo luận với nhau.

Cuộc điện đàm thứ nhất kéo dài 20 phút, 2 bên trao đổi về các vấn đề kỹ thuật và đảm bảo đường dây điện thoại hoạt động thông suốt. 2 giờ sau đó, Bình Nhưỡng sau đó tiếp tục gọi điện tới Hàn Quốc. "Phía Triều Tiên gọi cho chúng tôi lúc 18h07 và nói rằng "Hãy kết thúc vấn đề hôm nay", vị phát ngôn viên cho hay.

Cuộc điện đàm thứ 3 diễn ra vào sáng 4/1. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Seoul đã hỏi các đối tác ở Bình Nhưỡng liệu có tin tức gì hay không và nhận được câu trả lời rằng: "Không, chúng tôi sẽ thông báo khi có bất cứ thông tin mới nào". Sau đó, phía Triều Tiên cúp máy.

Cuộc điện đàm được cho là bước tiến quan trong trong quan hệ ngoại giao của hai nước trong gần 2 năm qua.

Các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên đã cùng diễu hành dưới một lá cờ chung trong lễ khai mạc Olympic Pyeongchang vào ngày 9/2. Cái bắt tay của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trên khán đài mang nhiều ý nghĩa. Những kết quả tích cực này của chiến lược ngoại giao thể thao đã mang lại nhiều hy vọng về ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc trong bài viết: "Pyeongchang 2018 khởi động với một buổi lễ với chủ đề về hòa bình và tương lai" đã dành nhiều đoạn để nói về sự xuất hiện chung của các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên tại thế vận hội này.

Một lá cờ chung in hình bán đảo Triều Tiên màu xanh trên nền trắng là biểu tượng của một bán đảo Triều Tiên thống nhất", bài báo cho biết.

Truyền thông Hàn Quốc thậm chí còn đưa tin, tinh thần thực sự của Olympic không phải là thi đấu và chiến thắng mà là về hòa bình và hòa hợp

Tờ Diplomat nhận định, Thế vận hội Olympic mùa Đông năm nay bao gồm nhiều biểu tượng của sự hòa giải liên Triều: 2 đội tuyển quốc gia đi dưới 1 lá cờ thống nhất, 1 đội khúc côn cầu chung, rồi bài truyền thống Arirang được dùng làm quốc ca không chính thức của đội tuyển thống nhất khi thi đấu.

Cả hai bên đã thông báo tuyên bố chung vào ngày 27/4, Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ ký hiệp ước hòa bình chính thức kết thúc 65 năm chiến tranh Triều Tiên vào cuối năm nay.

Tuyên bố chung nêu rõ: “Hàn Quốc và Triều Tiên đã cùng chia sẻ về các biện pháp ý nghĩa về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và đồng ý thực hiện rõ vai trò và trách nhiệm trong khía cạnh này. Hai bên đã đồng ý hỗ trợ và hợp tác cùng cộng đồng quốc tế vì vấn đề phi hạt nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên.”

Tài liệu “Tuyên bố Panmunjom về hòa bình, thịnh vượng và thống nhất tại bán đảo Triều Tiên” đã được tiết lộ sau một ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

“Cả hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố… sẽ không còn chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên và kỷ nguyên mới cho hòa bình bắt đầu”, tuyên bố nêu rõ.

Tổng thống Moon Jae-in khẳng định: “Tôi và ông Kim Jong-un đã đồng ý cho tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ thực hiện tại bán đảo Triều Tiên. Đây là mục tiêu chung trong tương lai”.

Đáp lại nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố: “Chúng ta đã chờ đợi khoảnh khắc này từ lâu. Tất cả chúng ta”.

Ông Kim nhấn mạnh: “Lộ trình tôi tiếp tục ngày hôm nay. Tôi thiện chí hi vọng, người dân Triều Tiên và Hàn Quốc đều mong muốn. Chúng ta sẽ sống trong hòa bình và thịnh vượng tại bán đảo Triều Tiên mà không lo sợ về bất kỳ cuộc chiến tranh nào”.

Tuy nhiên, theo CNN, ông Kim lại không hề đề cập đến tiến trình phi hạt nhân hóa trong bài phát biểu nhưng trong tuyên bố lại nêu rõ.

Theo Gary Samore, chuyên gia không phổ biến vũ khí hạt nhân tại trường Kennedy của Harvard, đây là thay đổi lớn của ông Kim, người vừa mới năm ngoái đưa ra nhiều lời đe dọa về việc tấn công hạt nhân Mỹ. Ông ấy là bậc thầy của cử chỉ táo bạo.

Ông Kim Jong-un thể hiện mình là lãnh đạo có vị thế trên quốc tế khi gặp Moon Jae-in nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ ông không nghiêm túc về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Còn theo giám đốc Dự án Vị thế Quốc phòng tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ Adam Mount, kết quả của hội nghị thượng đỉnh sẽ chưa thể rõ ràng vào hôm nay mà sẽ phụ thuộc vào phản ứng từ Washington và Bình Nhưỡng trong những ngày tới.

Một bình luận viên trên Tân Hoa Xã cho rằng, bước ngoặt lịch sử cho hòa bình đang diễn ra. Các bên liên quan cần phải chỉ ra thiện chí, kiên nhẫn, chân thành và thận trọng. Sự chân thành sẽ phá bỏ các rào cản trong quan hệ hai miền.

“Miễn là chúng ta cố gắng, các vấn đề sẽ được giải quyết. Nếu chúng ta tiếp tục đàm phán, băng sẽ tan chảy. Mùa xuân lại về và đơm hoa kết trái”, bình luận viên này nhấn mạnh.

Biên tập: Hồng Nhung, Kim Quý

Đồ họa: Minh Trang

Nguồn ảnh: Báo quốc tế

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/longform-thuong-dinh-lien-trieu-bung-no-cang-thang-nin-tho-hoa-giai-toi-phut-chot-334860.html