Lớp học '2 bảng, 1 thầy'

Một lớp học chỉ vài đứa trẻ, 2 tấm bảng với 1 thầy giáo nhưng đầy ắp tiếng cười. Đó là những gì đọng lại trong tôi khi đến tham quan lớp ghép 1+2 thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nậm Dạng (Văn Bàn).

Cách trung tâm xã Nậm Dạng chừng 4 km, điểm trường Nậm Lạn cheo leo trên quả đồi với 5 học sinh học lớp ghép 2 trình độ (lớp 1 và lớp 2). Lớp học vỏn vẹn vài bộ bàn ghế, được sắp xếp ngồi quay lưng lại với nhau. Vào giờ học, học sinh mỗi khối lớp lại hướng ánh mắt về phía 2 chiếc bảng đen ở 2 phía cuối lớp. Dù 2 khối lớp khác nhau, nhưng việc học tập của các em cũng quy củ và nghiêm túc. Tranh thủ giờ ra chơi, thầy giáo Lự Văn Điều tất tả cắm cơm, nhặt rau và thái thịt để lát học xong mới kịp giờ cơm trưa cho các em.

Thầy Điều tâm sự: Mỗi năm chúng tôi lại luân chuyển dạy lớp ghép, dần dần rồi cũng quen với công việc “3 vai” này. Để việc giảng dạy lớp ghép đạt hiệu quả, tôi đã phân học sinh theo 2 hướng. Phòng học được bố trí các dãy bàn với 2 chiếc bảng để học sinh khối lớp quay lưng với nhau. Khi học sinh lớp 1 học tiếng Việt, tôi cho các em lớp 2 học Toán, đồng thời phải hoạt động liên tục, thường xuyên đi lại trong lớp để điều tiết và phân phối thời gian giảng dạy cho phù hợp với 2 trình độ, chẳng mấy khi được ngồi yên một chỗ.

Trong khi đó, lớp học cả 2 buổi/ngày mà nhà các em lại xa, nếu về nhà ăn cơm trưa thì vừa mất nhiều thời gian, vừa khiến các em mệt mỏi, ảnh hưởng đến việc học. Năm học này, nhà trường được Dự án nuôi em hỗ trợ mỗi em 8.500 đồng ăn trưa nên tôi kiêm thêm nhiệm vụ “cô nuôi”. Thức ăn phải mua 1 lần cho cả tuần, tôi đã tự “bỏ tiền túi” mua chiếc tủ lạnh nhỏ để bảo quản thực phẩm.

Cách đó gần chục cây số là điểm trường Nậm Cằm với 100% học sinh là người Xá Phó. Nhìn bên ngoài, điểm trường kiên cố với dãy nhà cấp 4 nhưng lớp học không có gì ngoài 2 chiếc bảng với 6 bàn học. Năm học 2023 - 2024, cả điểm trường có 11 học sinh học lớp ghép 1+2. Thầy giáo Phạm Đăng Lâm phụ trách lớp học ghép vừa ân cần chỉ bảo học sinh lớp 1 viết chữ, rồi lại quay sang lớp 2 chỉ cách làm bài toán mới cho các em. Theo thầy Lâm, do đường xa, khó đi, gia đình không có điều kiện đưa con xuống trường chính học cùng các bạn nên các em phải ở lại học tại điểm trường.

Thầy Lâm vừa là thầy, vừa là cha chăm sóc các em học sinh.

Việc dạy và học ở lớp ghép khó khăn không chỉ ở việc “gieo chữ” mà những thầy, cô ở lớp nhiều khi còn thay bố mẹ chăm sóc các em.

“Hằng ngày, tôi đều mang theo gạo, thức ăn để nấu cơm trưa tại trường. Cũng may mắn là các em được các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm ủng hộ, hỗ trợ tiền ăn trưa. Do không có tiền thuê người nấu nên tôi kiêm luôn việc nấu cơm cho các em. Cùng với đó, chúng tôi vận động, thu gom quần áo cũ của mọi người tặng để mang đến cho các em. Rồi vào mùa lên nương, nhiều gia đình không có thời gian đưa con đến trường hoặc thiếu lao động, các em phải nghỉ học ở nhà. Chúng tôi lại leo núi, tìm đến nhà, lên nương gặp phụ huynh các em tuyên truyền, vận động, thuyết phục cho các em đến trường…"- thầy Lâm chia sẻ.

Theo thầy Lâm, để đảm bảo chất lượng giáo dục tại lớp ghép, khi xây dựng kế hoạch bài học, giáo viên cần lựa chọn đơn vị kiến thức cơ bản, cần thiết, tránh ôm đồm. Hình thức tổ chức các nhóm học tập linh hoạt, chọn phương pháp dạy học phù hợp với nội dung bài học, đồng thời phù hợp với đối tượng, nhóm trình độ, hoàn cảnh cụ thể.

Thầy Lâm cùng học trò "tăng gia sản xuất" để cải thiện bữa ăn bán trú.

Năm học này, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nậm Dạng có 2 lớp ghép với 16 em lớp 1 và lớp 2. Cả 2 điểm trường hiện đã được đầu tư xây dựng khang trang, tuy nhiên vì là điểm trường lẻ, số lượng học sinh ít nên không thể bố trí đầy đủ giáo viên các môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học.

Do khoảng cách từ nhà tới điểm trường chính xa, các em trong độ tuổi còn quá nhỏ nên trường vẫn duy trì lớp ghép tại điểm trường lẻ dù sĩ số mỗi lớp chỉ vài em. Đối với các lớp học ghép, nhà trường phân công những giáo viên nhiệt tình, có chuyên môn, kinh nghiệm, tâm huyết để giảng dạy.

Cô giáo Nguyễn Thị Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nậm Dạng cho biết

Chia tay thầy và trò 2 điểm trường, cái bắt tay thật chặt và ánh nhìn hân hoan, chào tạm biệt như một sự khẳng định niềm tin về tương lai. Dù gian nan, vất vả nhưng các thầy cô luôn cố gắng hết mình, dành trọn tình thương, quyết tâm “mang lớp” về tận thôn, bản để “ươm mầm xanh tri thức”.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/lop-hoc-2-bang-1-thay-post378317.html