Lớp học của 'thầy Minh'

Không giáo án, không tiền lương, nhưng ông Dương Du Minh (73 tuổi), thôn Đồng Mùng, xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh vẫn miệt mài dạy chữ cổ của người Dao Thanh Phán cho người dân nơi đây. Ông mong muốn, đồng bào mình hiểu và biết hết nghĩa của chữ mẹ đẻ, góp phần đáng kể trong việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Thầy Dương Du Minh dạy chữ cho các học sinh. Ảnh: Long Vũ

Tân Dân là xã vùng cao, các dân tộc Kinh, Tày, Sán Dìu và Dao Thanh Phán (chiếm đa số). Trải qua bao biến động của lịch sử, đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán vẫn luôn cố gắng gìn giữ những phong tục tập quán tốt đẹp của mình.Trong những năm gần đây, một số thầy cúng và đặc biệt là các vị Trưởng bản dân tộc Dao Thanh Phán đã có những cách làm hay để gìn giữ và bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc mình; trong đó có việc dạy học chữ cổ cho nam giới.

Một ngày giữa tháng 7, chúng tôi thật may mắn được chứng kiến buổi học chữ của bà con dân tộc Dao Thanh Phán. 20 giờ, nhà Văn hóa thôn Đồng Mùng chật kín người. Mỗi người một quyển sách, vở, một cây bút và một chỗ ngồi. Dạy học là “thầy Minh” (tên gọi thân thương được bà con dân bản nơi đây đặt cho ông).

Ông không chỉ là vị Trưởng thôn có uy tín, mà hơn thế nữa, còn là người thầy đáng kính của dân bản trong nhiều năm qua. Ông Minh cho biết : “Rất ít người trong đồng bào tôi biết chữ cổ của người Dao Thanh Phán! Lo ngại trước vấn đề này, tôi đã mạnh dạn xin ý kiến của lãnh đạo xã để mở một lớp dạy chữ Dao Thanh Phán cho đồng bào ngay tại thôn. Tôi luôn mong muốn đồng bào dân tộc mình, nhất là thiếu niên học sinh biết viết chữ và hiểu nghĩa của tiếng mẹ đẻ; từ đó, biết nghe lời ông bà, cha mẹ như môn học Đạo đức, Giáo dục công dân ở nhà trường”.

Không chỉ dạy các chữ cổ mà trong tiết học, ông Minh lồng ghép các bài nói chuyện về bản sắc của đồng bào mình cho người học nghe, hiểu. Đa số các học sinh nơi đây đều rất hào hứng khi được học lớp này. Việc học giúp họ thêm hiểu chữ của đồng bào mình, hiểu bản sắc văn hóa, qua đó gìn giữ nó. Lớp học chỉ dạy các học sinh nam (vì theo quan niệm của đồng bào Dao Thanh Phán, việc học chữ để đảm nhiệm các công việc cúng bái, lễ Tết của đồng bào mình) già có, trẻ có, công chức, nông dân, ngay cả các em học sinh cũng tới đây học khá đông. Với cách học truyền thống, ông Minh đọc các con chữ trước rồi tận tình hướng dẫn viết, giải thích nghĩa của từng chữ rồi dạy cách phát âm chữ đó.

Theo ông Minh, các bài học thường dạy các con chữ rồi ghép lại với nhau. Sau khi họ học thuộc, biết ghép rồi sẽ dạy các bài cúng gia tiên, cúng lễ, Tết, hay cao hơn là cúng bàn cổ (cúng cấp sắc cho những người trưởng thành). Anh Bàn Hữu Kiên, 17 tuổi, cho biết: “Tôi rất vui khi được tham dự lớp học của thầy Minh. Vì tới đây, tôi được biết các con chữ, đặc biệt là được nghe các bài nói về văn hóa của thầy. Tôi sẽ cố gắng hết sức để học và tiếp thu hết các chữ, các bài thầy Minh dạy”.

Ông Trịnh Văn Thủy, cán bộ văn hóa xã Tân Dân cho biết: “Với góc độ người làm cán bộ văn hóa xã hội nhiều năm, tôi thiết nghĩ, bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào các dân tộc trong huyện ở giai đoạn này là hết sức cần thiết, vì có bảo tồn được chữ viết và tiếng nói thì mới bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống. Hiện nay, số lượng người nói được tiếng mẹ đẻ, viết và hiểu được nghĩa chữ Dao cổ như ông Dương Du Minh ở xã Tân Dân còn rất ít. Chúng tôi rất trân trọng những việc làm đầy tâm huyết với đồng bào của ông Dương Du Minh trong những năm vừa qua”.

Hiện nay trong dân tộc Dao vẫn lưu truyền và sử dụng chữ viết của mình; tuy nhiên, số người biết đọc và viết được chữ Dao chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là các thầy mo, thầy cúng và một số cụ cao tuổi. Để con chữ của dân tộc Dao không bị mai một trong cuộc sống hiện đại, rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành, địa phương, để các bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao nói chung và dân tộc Dao Thanh Phán ở xã Tân Dân nói riêng được bảo tồn và phát triển trong cuộc sống hội nhập.

Long Vũ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lop-hoc-cua-thay-minh/