Lớp học đặc biệt của những đứa trẻ nhập cư ở Sài Gòn

'Không đành lòng nhìn đám nhỏ lang thang đầu đường xó chợ, nên khi dạy chữ cho tụi nó, tôi dạy luôn cả đạo đức', ông Hùng, thầy giáo của hơn trăm đứa trẻ nhập cư chia sẻ.

Chốn đỡ đầu những đứa trẻ nhập cư

"Thương tụi nó lắm, mình lớn lên trong nghèo khó nên biết tụi nó khổ lắm, chỉ mong là chỗ cho mấy đứa nhỏ nương tựa lúc khó khăn, ngặt nghèo. Chúng hông có chỗ tìm đến thì cũng còn mình đây lo cho tụi nó", ông Đoàn Minh Hùng, người đỡ đầu của lớp học cộng đồng của hơn trăm đứa trẻ nhập cư nói.

Lớp học đặc biệt này nằm gần xóm lao động của người dân tứ xứ đổ về Sài Gòn do ông Hùng thành lập hơn 5 năm nay. Đây là nơi đón hàng trăm đứa trẻ nhập cư đến tìm kiếm "con chữ". Những cháu bé này lớn nhỏ đủ cả, từ 6-7 tuổi đến 16-17 tuổi, tìm đến ông Hùng xin được học hành tử tế.

Lý do mở lớp của ông và vợ cũng rất đơn giản. Ông bảo: "Hôm đó bán rau cho cậu bé kia, thấy nó lớn tướng mà không biết thối tiền, thấy lạ tôi mới hỏi thì ra nó chưa từng được đi học".

Từ ngày cùng nhau sống ở một dãy phòng trọ, ông bà đã “tự nhiên thấy thương mấy đứa nhỏ, muốn tụi nó biết chữ nên kêu bọn trẻ về nhà để dạy. Thấm thoát đến giờ đã 10 năm.

Sau này, đám trẻ kéo nhau đi học đông dần. Các phụ huynh biết rồi dẫn con tới xin học. Từ đó, ông bà quyết định dằn túi thuê một căn nhà rộng rãi hơn để có thể dạy những đứa trẻ nhập cư, chưa từng từ chối trường hợp, hoàn cảnh nào.

Trước đây, vợ chồng ông Hùng bán cơm chay, nhưng sau vì nhiều việc nên chuyển sang bán cà phê. Việc dạy học cộng đồng cho lũ trẻ diễn ra vào buổi tối. Bên cạnh việc dạy dỗ, lớp của ông Hùng có chuẩn bị thêm một bữa cơm chay mỗi chiều để lũ trẻ ăn trước giờ vào học.

“Có thực mới vực được đạo, ăn no mới học được. Tụi nó nhà khó khăn, còn phải đi làm phụ cha mẹ nữa, ráng lo thêm cho chúng bữa cơm, cơm chay thôi, mà ngồi học cũng vững bụng”, bà Nguyễn Thị Kim Chi, vợ ông Hùng, nói.

Mọi người trong gia đình xác định ngoài chỗ để đám trẻ đến học tập, nơi đây cũng là căn nhà chia sẻ với chúng nhiều nỗi phiền lo. Thống nhất với nhau như vậy nên mọi người lớn nhỏ ai cũng đồng lòng làm việc để lớp học được duy trì ổn định và hoạt động tốt nhất.

Ngoài lo quán cà phê, ông Hùng thường đi sửa cân cho các tiểu thương trong chợ. Bà Chi đều đặn mỗi ngày ra chợ bỏ mối rau củ, đồng thời mua đồ về nấu cơm cho bọn trẻ.

Bữa cơm cho hơn 100 đứa trẻ và các thầy cô giáo tốn nhiều thời gian và công sức. Việc nấu cơm được chia ra, mỗi người một việc, ai cũng tất bật rộn ràng để có bữa ăn tươm tất. Ngoài con trai út đang học lớp 12, cả nhà ông Hùng đều chung tay lo bữa cơm chiều cho lũ trẻ.

Có kinh nghiệm nấu đồ chay gần 20 năm, người nhà ông Hùng chế biến món ăn thường vừa miệng, đủ đầy cơm canh mặn ngọt.

“Mình đi chợ là phải lựa kỹ, dặn người ta để đồ sạch, đồ tốt nấu cho mấy đứa nhỏ. Mình là người lớn, khỏe thì ăn sao cũng chống chọi được, tụi nó còn nhỏ, đồ ăn phải sạch sẽ, chất lượng. Tụi nó còn đang tuổi lớn mà, ăn đồ bậy bạ là bệnh liền. Chưa bao giờ có đứa nào ăn cơm ở đây mà đau bụng hay bị sao hết”, bà Chi nói về những bữa cơm mình nấu.

Ngoài việc phải kiếm tiền, lo lắng bữa cơm cho bọn trẻ, bà Chi còn kiêm luôn chăm sóc cho cả đàn chó hơn chục con ở nhà. Nhà nuôi nhiều chó mèo, phần vì yêu thương động vật, phần cũng là làm gương cho mấy đứa nhỏ.

“Mình dạy tụi nó yêu thương nhau, yêu thương động vật, vậy là tụi nó cứ ra đường thấy chó mèo hoang là đem về cho ông bà nuôi. Con chó, con mèo cũng có sinh mạng của tụi nó mà, mình thương là mình nuôi. Nhưng nhất quyết là phải ngừa bệnh cho chó mèo, tắm táp, vì tụi nhỏ tới đi học ôm ấp, cưng nựng, đâu có để cho chó mèo bẩn hay bệnh ảnh hưởng tụi nó được” bà Chi nói.

Lớp học ở đây cũng thường xuyên nhận được quần áo cũ quyên góp. Cứ có là được nhà ông bà sắp xếp cẩn thận, phân loại để dành cho bọn trẻ. Nhờ sự thu vén khéo léo của bà Chi mà căn nhà dù nhiều người, nhiều việc dồn dập từ sáng tới chiều nhưng vẫn gọn gàng, quy củ.

Lớp học của những đứa trẻ nhập cư về Sài Gòn từ tứ xứ Lớp học nằm gần xóm lao động của người dân tứ xứ đổ về Sài Gòn do ông Hùng thành lập hơn 5 năm nay. Đây là nơi đón hàng trăm đứa trẻ nhập cư đến tìm kiếm "con chữ".

"Ở đây miễn phí tình thương"

Cứ khoảng 5h chiều, căn nhà của ông Hùng lại nghe í ới tiếng nói cười. Với lũ trẻ bình thường, đây là giờ chúng về nhà nghỉ ngơi, thư giãn sau một ngày dài học tập ở lớp. Còn với lũ trẻ nhập cư, đây mới là những giờ phút chúng chân chính được là trẻ con, được học tập, được chơi đùa, đặt xuống nỗi lo về những tờ vé số chưa bán hết, bỏ lại sau lưng nỗi ám ảnh về cơm áo gạo tiền, nỗi ám ảnh mà đáng lẽ ở cái tuổi mình chúng không phải bận tâm đến.

Bên cạnh con chữ, đám trẻ tới lớp học còn được ông Hùng dạy đạo đức, cách cư xử đúng mực, lẽ phải, lối làm người. Ông chỉ bảo tụi nhỏ từ câu chào hỏi, tiếng dạ thưa cho tới cách sống, đối nhân xử thế trong đời. Tất cả đứa trẻ đến lớp, thấy người lớn bất kể quen lạ, đều cúi đầu chắp tay chào.

Hầu hết đều là trẻ con đường phố, sống ở những xóm lao động nhập cư, cả đám vẫn đùa giỡn, cười nói nhưng vẫn rất quy củ, nề nếp.

“Không đành lòng nhìn tụi nó cứ lang thang đầu đường xó chợ, rồi học thói xấu, thói hư nên mình dạy chữ cũng dạy luôn đạo đức. Hồi mới tới, tụi nó dữ, không nghe lời, mà giờ đứa nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép hết. Cha mẹ tụi nó đi làm suốt ngày, thời gian đâu mà quan tâm dạy dỗ con, coi như mình dạy thay cha mẹ tụi nó vậy”, ông Hùng chia sẻ.

Ngoài được dạy con chữ, đạo đức, thứ quý giá với bọn trẻ khi đến lớp học chính là nhận được tình thương yêu và sự quan tâm của cả gia đình ông Hùng. Tụi nhỏ có chuyện gì cũng thỏ thẻ tâm sự với ông với bà, vui buồn hay lo lắng, kể ra là được chia sẻ hết.

Ông Hùng nhớ có lần, một đứa tới lớp mà cứ ngồi khóc, hỏi ra mới biết “hôm qua giỗ mẹ con mà ba con không có tiền nấu cơm cúng, nên con không mời ông bà qua được”.

Ông Hùng, bà Chi nặng lòng với những đứa trẻ tới mức dặn dò rằng đứa nào cũng phải ghi số ông bà lên tường nhà, có chuyện cấp bách cứ gọi cho ông bà, không được giấu, nửa đêm ông bà cũng chạy đi.

“Lần đó, Dương Tài nghỉ học mấy bữa liền, hai vợ chồng sốt ruột quá phải chạy qua nhà trọ nó. Qua tới thì thấy nó sốt nặng nằm co ro trong nhà, bà với mẹ không có tiền mua thuốc, vậy là tức tốc bế nó vô bệnh viện. Bác sĩ nói để thêm một bữa nữa chắc nó co giật là không cứu kịp”, ông Hùng kể lại câu chuyện của cậu bé nhặt ve chai trong lớp mình.

Giờ học của lớp thường là 6h tối, những đứa bé, ít tuổi thường đến sớm để ăn cơm, rồi vào lớp kịp ôn lại bài vở. Những đứa lớn hơn một chút gần sát giờ học mới có mặt, hỏi ra thì tụi nhỏ kể còn phải đi làm, bán cho xong mấy tờ vé dò, nhặt cho hết mấy cái lon nước ngọt ngoài công viên... rồi mới chạy đến học.

Lớp đông, nhiều người nhưng bọn trẻ ăn uống rất trật tự, xếp hàng lấy cơm, rồi ra ngồi ngay ngắn, ăn xong là tự dọn dẹp chén đũa. Đứa nào cũng xem đây là gia đình thứ hai chứ không phải lớp học như bình thường.

Bọn trẻ được ông Hùng dạy phải biết quý trọng thức ăn, đứa nào ăn xong cũng giơ chén, giơ tô ra khoe với ông con ăn hết sạch, không chừa lại. Đứa nào có ý định bỏ thừa là được chấn chỉnh ngay, vậy là ngoan ngoãn ăn bằng hết.

Bé Nguyễn Văn Tài làm nghề lượm ve chai cảm động khi nhắc tới ông bà: "Ông bà đối xử với bọn con như ruột thịt vậy. Con cũng sợ ông bà mắng lắm vì biếng học, nhưng sợ hơn nữa là ông bà lớn tuổi bị ốm rồi không ai dạy bọn con nữa".

Bọn trẻ được dạy “lớn làm việc lớn, nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, ăn xong là đứa nào cũng tự giác vào dọn bàn, kéo bảng, xếp ghế đợi thầy cô vào dạy học. Chẳng đứa nào bảo đứa nào, cứ đến lớp là tự giác dọn bàn dọn ghế trong niềm vui và sự háo hức.

Trước khi vào học, ông Hùng thường đi dọc lối để giữ trật tự. Đám trẻ ngày nào cũng như ngày nào, đều chắp tay, ngồi đọc 10 lần câu “A di đà phật”, rồi mới bắt đầu vào học. Những ngày bình thường, chúng học văn hóa, tối thứ sáu sẽ được ông Hùng đứng lớp dạy đạo đức, tập thiền định.

Từng bàn tay, dáng ngồi của các bé đều được bà Chi cẩn thận chỉnh sửa mỗi khi có thời gian. Với những đứa trẻ ở đây, sự ân cần, lo lắng của vợ chồng ông Hùng là niềm an ủi rất lớn. Chúng xem họ như ông bà trong nhà mình, nhất nhất nghe lời chẳng phải sợ mà vì "con được ông bà thương nên con cũng thương ông bà".

Vì đặc thù độ tuổi, trình độ của mấy đứa nhỏ ở đây có sự khác biệt. Có khi cùng một lứa, chúng được chia ra nhiều lớp khác nhau, để thầy cô dễ truyền đạt kiến thức, mà bọn trẻ cũng dễ tiếp thu hơn.

Đi học ở đây không giống trên trường, bọn trẻ không đứa nào bảo đứa nào, đều đặn tự giác đến lớp. Gần như nếu không có việc quá cấp bách, chúng sẽ không bỏ lỡ bất kỳ buổi học nào, dù lớp cũng chẳng điểm danh.

Học buổi tối, nhiều đứa vì phải đi làm cả ngày kiếm tiền nên không tránh được có lúc mệt mỏi hay buồn ngủ. Thế nhưng, vì háo hức được lên lớp, được khen thưởng và phát tập, bọn trẻ học rất chăm chú và tập trung, dù việc tiếp nhận của chúng có phần nào tương đối chậm.

Lớp học không đồng đều như trong trường học, năng lực tiếp nhận của bọn trẻ cũng không quá xuất sắc, nhiều đứa vì đi làm nên chỉ có hai tiếng lên lớp mỗi ngày, không có thời gian làm bài vở ở nhà. Bọn trẻ học tập có phần chậm hơn với bạn đồng lứa, thế nhưng thầy cô thì rất kiên nhẫn với chúng.

Ông Hùng lúc nào cũng mong mỏi là mấy đứa nhỏ đi học đều đặn, có cái chữ trong tay, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Nhiều đứa sau khi học ở lớp cộng đồng, muốn đi học nghề, cũng được ông hỗ trợ cho tiền ăn học. Nhiều đứa nhà xa, ông mua xe đạp điện cũ, sửa lại rồi để mấy đứa cùng nhau đi học.

Lớp học cộng đồng của ông Hùng còn có chỗ cho những người công nhân lao động lớn tuổi nhưng chưa may mắn được tiếp cận kiến thức. Dãy bàn cho người lớn được ông bà tinh tế để riêng ra ngoài để anh chị lớn dễ học và không "xí hổ" với mấy đứa nhỏ.

Ông Hùng, bà Chi xem bọn trẻ như con như cháu trong nhà, bọn nó cũng thương quý ông bà như gia đình. Biết là không thể nào giúp hết được tất cả, nhưng nghe đứa nào không được học tiếp phải chuyển chỗ khác hay về quê đi làm ông bà lại sốt ruột lo lắng: "Mình không lo được hết nhưng ráng được phần nào là ráng cho tụi nó. Ở đây cái gì thiếu chứ tình thương là không thiếu".

Vợ chồng ông Hùng mang nhiều nỗi lo trong lòng về tương lai bọn trẻ. Ông bà không biết với bệnh tật tuổi già, rồi kinh phí duy trì tiếp tục thì tương lai lớp học sẽ được mấy năm nữa. Nhưng vì tụi nhỏ, cả nhà ai cũng động viên, ủng hộ nhau cùng cố gắng, hết sức hết lòng mà làm.

Kể cả chú sửa xe hàng xóm cũng nói: "Ông bà ấy như có nghiệp vậy, ôm việc dạy lũ trẻ tự bỏ cả tiền túi ra mà lo cho chúng, nhiều lúc thấy bọn nó vui mà thương ông bà ghê".

Lúc lớp học đã râm ran tiếng đọc bài, cũng là lúc vợ chồng ông Hùng có đôi phút rảnh rỗi, dành riêng cho những chuyện thường nhật của gia đình mình.

Cả hai vợ chồng đều hiểu rất rõ việc mình làm. Ông bà luôn nói rằng: “Những chuyện mình làm, không phải là mình phải làm mà đều là mình được làm hết. Nhìn mấy đứa nhỏ bơ vơ mình không chịu được, không chịu được nên là cứ thương tụi nó, lo cho tụi nó hết lòng mình thôi”.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/lop-hoc-dac-biet-cua-nhung-dua-tre-nhap-cu-o-sai-gon-73421.html