Lớp học đặc biệt ở vùng biên Tam Quang

Học trò là những phụ nữ đã lớn tuổi, đôi bàn tay chai sạn, chỉ quen cầm cái cuốc, cái dao lên nương rẫy, nay lóng ngóng khi cầm bút đưa từng nét chữ. Thầy giáo là những người lính mang quân hàm xanh, dù không một ngày trải qua nghiệp vụ sư phạm, nhưng với sự nhiệt tình, tận tụy, họ đã giúp những người phụ nữ ở xã vùng biên Tam Quang xóa mù chữ. Tiếng đánh vần, những tiếng cười giòn tan của họ vang lên xua đi sự tịch mịch về đêm ở vùng biên này...

Đồn trưởng Phan Thanh Hồng thăm lớp học xóa mù chữ do Đồn Biên phòng Tam Quang tổ chức. Ảnh: Võ Ngọc Sơn

Gõ cửa nhà dân vận động xóa mù chữ

Hơn 19 giờ, lớp xóa mù chữ ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An do những người lính Biên phòng đứng lớp, đã chật kín chỗ. Các mẹ, các chị miệt mài nắn nót từng con chữ. Đây là lớp học xóa mù chữ dành cho phụ nữ dân tộc Thái với nhiều lứa tuổi. Học viên lớn tuổi nhất là chị Lô Thị Thu, sinh năm 1968; học viên trẻ nhất là Lô Thị Hội, sinh năm 1992.

Nói về ý tưởng của việc ra đời lớp học này, Thượng tá Phan Thanh Hồng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Quang, BĐBP Nghệ An cho biết, trong một lần ngồi nói chuyện với một già bản, tình cờ nghe chị con dâu nói với bố chồng: “Cháu nó đọc cái chữ khó quá, đúng hay không ông giúp với, con có chữ mô mà bày”.

Vậy nên trên đường từ nhà già bản trở về đơn vị, anh Hồng hết sức day dứt về nỗi niềm khát khao con chữ của người mẹ trẻ. Sau đó, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Tam Quang tổ chức khảo sát và tìm hiểu nguyện vọng của các mẹ, các chị rồi đi đến quyết định mở lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ ở các bản vùng biên.

Được cấp trên đồng ý, được tập thể Đảng ủy và Ban Chỉ huy đồn nhất trí cao, nhưng khi bắt đầu triển khai, lớp học gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Vận động cán bộ, chiến sĩ làm thầy giáo không khó, nhưng chương trình thế nào? Lớp học đặt ở đâu? Bàn ghế, bảng và sách, vở? Chị em ở bản vùng biên trăm thứ việc, vậy học giờ nào? Hàng chục câu hỏi đặt ra đối với cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Tam Quang. “Cứ làm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm” - Kết luận của chỉ huy đồn như là mệnh lệnh. Mừng thay, Đảng ủy xã Tam Quang, các chi bộ ở các bản nhất trí cao.

Để hiện thực hóa chủ trương mở lớp học xóa mù chữ, cán bộ vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Tam Quang về bản cùng Trưởng bản, Chi hội trưởng Phụ nữ và già làng đến gõ cửa từng nhà vận động người dân tham gia. Chỉ trong thời gian ngắn đã có hơn 40 phụ nữ đăng ký học. Đồn Biên phòng Tam Quang thống nhất với chính quyền địa phương chọn Nhà văn hóa bản Liên Hương ở trung tâm xã làm lớp học.

Thiếu tá Bùi Hồng Mạnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tam Quang được cử phụ trách lớp, đồng thời là Tổ trưởng Tổ giáo viên; Đại úy Đặng Xuân Quang, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng làm giáo viên và Trung úy Kha Văn Thoại, nhân viên vận động quần chúng làm trợ giáo. Lớp học tình thương chính thức khai giảng vào ngày 22-4-2018.

Sau 2 tuần đầu đi vào hoạt động, lớp học lại vấp phải những khó khăn: Một số học viên đến lớp không thường xuyên; trình độ nhận thức, tiếp thu của học viên chậm; thời tiết thất thường; nhiều người ở xa đi lại khó khăn... Có người đề xuất đổi lịch sang học ngày, có người đề nghị chỉ học 2 tối một tuần. Lại có ý kiến nên tách lớp theo bản... Chỉ huy Đồn Biên phòng Tam Quang tiếp cận các Trưởng bản, già làng và tham khảo những học viên lớn tuổi. Cuối cùng, lớp được mở tại bản Liên Hương. Sĩ số của lớp duy trì đều cho đến nay là 34 học viên.

Ngày lên nương, tối đến lớp

Với sự quyết tâm vượt qua những khó khăn để duy trì bằng được lớp học xóa mù chữ cho bà con, các cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quang đã nỗ lực không ngừng. Trong quá trình dạy chữ, các giáo viên còn thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền chính sách và pháp luật của Nhà nước vào nội dung bài học để giúp các học viên có thêm kiến thức. Nhiều buổi học, giáo viên tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học viên.

Các học viên “đặc biệt” của lớp học xóa mù chữ ở xã Tam Quang. Ảnh: Võ Ngọc Sơn.

Ban ngày, các chị, các mẹ lên nương, buổi tối lại rủ nhau đến lớp. Từ ngày được học chữ, được biết nhiều kiến thức về chính sách, pháp luật, những người phụ nữ Thái quanh năm chỉ biết cái bếp và nương rẫy, nay thay đổi hẳn tư duy, nhận thức. Họ tự tin trong giao tiếp; nhiều người mạnh dạn tham gia ý kiến trong các cuộc họp bản; biết đem kiến thức khoa học áp dụng vào sản xuất và chăm sóc con cái.

Được học chữ, phụ nữ trong bản động viên chồng con tham gia các hoạt động bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương và xây dựng làng bản về mọi mặt. Đó là thành công nhất của công tác vân động quần chúng ở Đồn Biên phòng Tam Quang trong thực hiện phong trào thi đua “BĐBP Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Trong quá trình học tập, một vấn đề mới đặt ra là phụ nữ không chỉ có nhu cầu biết đọc, biết viết mà nhiều người mong muốn được đọc sách, báo; có chị còn ước mình viết được ca khúc để hát về bản mình, xã mình... Quan trọng hơn là hiện nay, nhờ lớp học này mà không ai tái mù chữ. Mong sao, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền hỗ trợ cùng BĐBP để từng bước nâng cao dân trí ở vùng biên.

Tạm biệt xã Tam Quang, tạm biệt Đồn Biên phòng Tam Quang, tôi nhớ mãi những lời ông La Quang Đạo, Bí thư Chi bộ bản Liên Hương: “Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quang giúp dân thời gian qua hiệu quả lắm! Lớp học tình thương đã thể hiện sâu sắc vai trò, tình cảm, trách nhiệm của BĐBP đối với nhân dân ở khu vực biên giới. Đó là điều rất đáng trân trọng”.

Lăng Hồng Quang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lop-hoc-dac-biet-o-vung-bien-tam-quang/