Lớp học không có chỗ cho ứng xử phi giáo dục

Sau sự việc xảy ra ở trung tâm tiếng Anh không phép MST English, khi người đóng vai trò cô giáo thản nhiên 'mày – tao' và mắng học sinh 'mặt người óc lợn' được công khai trên các trang mạng xã hội, người ta mới quan tâm đến tính pháp lý của trung tâm, tìm hiểu chứng chỉ sư phạm của người dạy.

Trong môi trường giáo dục, nếu dành chỗ cho những ứng xử phi giáo dục, thì biết đâu chuyện tương tự có thể sẽ lại xảy ra.

Môi trường giáo dục, không thể có ứng xử ngoài giáo dục

Sự việc bà Kim Tuyến – đóng vai trò là giáo viên đứng lớp xưng “mày – tao” với học sinh, khiến nhiều người cho rằng, người này đang mang ngôn ngữ “chợ búa” vào môi trường lớp học. Thực tế là, ngôn ngữ và văn hóa ứng xử ở đâu, ngoài môi trường giáo dục và không phù hợp với giáo dục, đều không thể sử dụng được ở nơi mà chúng ta gọi là “dạy chữ, rèn người”.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: “Mọi sự việc xảy ra đều là hiện tượng của xã hội. Không thể lấy một vài hiện tượng xấu để đánh đồng tất cả, làm vậy thì thiếu đi sự công tâm. Vì vậy, không thể lấy việc cô Kim Tuyến chửi học viên “mặt người óc lợn” để phê phán ngành giáo dục, lên án đạo đức giáo viên”.

Đúng là không thể từ một hiện tượng, có thể vội vàng kết luận bản chất, không thể vì một con sâu, mà bỏ rầu cả nồi canh khi phần lớn các thầy cô giáo trong tổng số 2 triệu giáo viên của cả nước đều đang cố gắng, nỗ lực và gắn bó với nghề, có phẩm chất nghề nghiệp đáng xem trọng.

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, chuyện “mày – tao” trong môi trường giáo dục, không chỉ ở các trung tâm học thêm vẫn còn không ít. Một là có nhầm lẫn xưng hô giữa các môi trường sống của thầy và trò, hai là sự chuyển đổi ngôn ngữ không đồng điệu giữa các nền văn hóa. Nhất là ở bộ môn tiếng Anh, khi ngôn ngữ này chỉ sử dụng “You” cho ngôi thứ 2, khiến nhiều giáo viên hay “mày – tao” với học viên và xem đó là… bình thường.

Trước đó, tại Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Phùng Xuân Nhạ đã có những chia sẻ tâm huyết liên quan đến quy tắc ứng xử trong trường học: “Khi học sinh gặp thầy thì phải đứng lại chào chứ không phải vừa chạy vừa chào, còn thầy được học sinh chào thì phải tươi cười, niềm nở”. Nghĩa là ở môi trường giáo dục, mọi giao tiếp, ứng xử phải giáo dục, không thể xen lẫn vào đó ngôn ngữ, hành vi, thái độ nửa vời, ngoài giáo dục được.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” giai đoạn 2018-2025, với mục tiêu hoàn thành bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học trước năm học 2018-2019.

Trong đó, Bộ nhận định về văn hóa ứng xử trong học sinh, sinh viên hiện nay còn nhiều hạn chế, yếu kém. Theo kết quả khảo sát tháng 12-2017, có 8,6% học sinh và 20,3% sinh viên tự nhận mình thường xuyên nói tục, chửi bậy. Nếu các em đã có xưng hô không chuẩn mực, mà thầy cô cũng dùng ngôn ngữ ứng xử không phù hợp, vậy môi trường giáo dục sẽ ra sao?

Ứng xử giữa thầy – trò trong môi trường giáo dục phải đúng mực. Ảnh P.T

Thầy phải “tự soi”, “tự sửa” trước tiên

Theo Bộ GD&ĐT, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường là để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng con người Việt Nam nhân ái, nghĩa tình, trách nhiệm, trung thực và sáng tạo.

Tuy nhiên, thời gian gần đây xảy ra tình trạng một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành giáo dục và trong dư luận xã hội.

Để nâng cao đạo đức nhà giáo, chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh, TP rà soát, có giải pháp phù hợp thực hiện nghiêm các quy định, nhất là Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ về trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; các Phòng GD&ĐT tập huấn phòng ngừa hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo; tăng cường thanh tra, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo…

Đối với cơ sở đào tạo giáo viên đề ra yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, hình thức đào tạo; rèn luyện kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm và bồi dưỡng đạo đức nhà giáo cho sinh viên sư phạm.

Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên hàng năm theo quy định; những trường hợp vi phạm tùy theo mức độ và quy định, tạm dừng giảng dạy, bố trí làm việc khác để chờ xử lý hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng làm việc/ hợp đồng lao động…

Khắc phục tình trạng quản lý, giáo dục “quyền uy”, áp đặt đối với học trò. Các thầy giáo, cô giáo cần có ý thức và trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự người thầy, luôn “tự soi”, “tự sửa”, thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Như TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Người ta đã chỉ ra, người giáo viên không chỉ có tri thức để giáo dục học viên mà quan trọng hơn là phải có nhân cách”.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/lop-hoc-khong-co-cho-cho-ung-xu-phi-giao-duc-115192.html