Lớp học tình thương của cô giáo tật nguyền

Lớp học miễn phí của cô giáo tật nguyền Rmah H'Blao đã duy trì được 7 năm với toàn bộ học sinh là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Với tấm lòng cao cả, từ lâu cô đã "biến" ngôi nhà của mình trở thành lớp học tình thương với rộn rã tiếng cười đùa của con trẻ nghèo khó…

Cô giáo tật nguyền với khát khao "gieo chữ"

Chúng tôi ghé thăm làng Chao Pông (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, Gia Lai) vào những ngày se lạnh của tiết trời Tây Nguyên. Không khó lắm để tìm đường vào nhà của cô giáo H'Blao vì trong làng chẳng ai còn lạ với cái lớp học tình thương do cô đứng lớp. Ngay từ đầu cổng, tiếng ê a học bài của trẻ nhỏ như làm cho không khí ngày đầu đông thêm ấm áp.

Cô H'Blao đang miệt mài nắn nót từng con chữ cho học sinh chợt giật mình khi bắt gặp ống kính phóng viên. Tạm cho các em nghỉ giải lao, cô H'Blao kéo khách ngồi xuống rồi rót nước ra mời. Cô H'Blao năm nay 30 tuổi, nhưng thân hình vẫn chỉ nhỏ bé như cô gái 15.

Cô tâm sự, năm lên 3 tuổi, bị "con ma rừng" mang tên bại liệt hành hạ. Và di chứng của những cơn sốt dai dẳng là đôi chân của cô bé bị teo lại, mất khả năng di chuyển. Tuy nhiên với sự cố gắng tập luyện để được bước đi trên đôi chân của mình, cô bé ấy đã chiến thắng được số phận nghiệt ngã.

Chân dung cô giáo tật nguyền bên lớp học.

Với sự giúp đỡ của người thân trong gia đình, H'Blao đã có thể đi lại dù rất khó khăn. Ngay từ nhỏ, H'Blao đã mơ ước sau này sẽ trở thành cô giáo để dạy chữ cho trẻ em trong làng. Để thực hiện ước mơ của mình cô đã cố gắng học thật giỏi. Trời không phụ lòng người, sau tất cả cố gắng H'Blao cũng tốt nghiệp THPT với tấm bằng khá.

Với niềm đam mê dạy học cháy bỏng, H'Blao đã thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai- chuyên ngành Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, do sức yếu, lại phải học xa nhà, nửa học kỳ năm học thứ 2 (năm 2011) H'Blao phải nghỉ học giữa chừng.

"Lúc bị bệnh phải nghỉ học mình buồn lắm, phấn đấu cả chục năm trời mới được đi học, học chưa đâu vào đâu đã phải nghỉ. Nhưng vì sức khỏe không cho phép nên mình bắt buộc phải về nhà. Về nhà được 3 tháng, nhìn những đứa trẻ trong làng nghịch ngợm nô đùa ở sân, chân tay đen nhẻm.

Có đứa thì ê a tập đánh vần nhưng không đúng âm tiết. Có đứa cặm cụi viết từng nét chữ nguệch ngoạc trên bậc thềm nhà. Tự dưng mình thấy thương tụi nhỏ quá. Niềm đam mê dạy học của mình bỗng trỗi dậy, mình bàn bạc với bố mẹ xây lên lớp học này", H'Blao nhớ lại.

Để thực hiện ước mơ, cô H'Blao nhờ bố mẹ vay mượn hơn 40 triệu đồng. Có tiền, cô H'Blao mới nhờ anh em trong làng dựng nên phòng học đủ chỗ cho chừng 30 học sinh trong vườn cà phê của gia đình. Có phòng học, cô H'Blao lại đi mua bàn ghế, phấn bảng chuẩn bị cho ước mơ "gieo chữ" của mình. Ban đầu lớp học của H'Blao chỉ lèo tèo vài đứa trẻ. Sau đó cô giáo trẻ liền đi vận động các hộ gia đình cho con em đến lớp.

Cô H'Blao kể rằng thời gian đầu nhiều em bẵng đi vài hôm không đến lớp. Nghĩ các em bị ốm, cô giáo đến tận nhà hỏi mới hay em lên rẫy ở với bố mẹ vì không có ai trông em cho bố mẹ đi làm. Thế là cô phải động viên cả bố mẹ lẫn học sinh, rồi mua kẹo dỗ dành mới đưa các em trở lại lớp.

Để các em có thể tiếp thu bài một cách tốt nhất, cô giáo H'Blao đã chia lớp học thành 2 nhóm, theo từng độ tuổi và từng khả năng. Những học sinh học ở trường buổi sáng, cô sẽ kèm ở nhà vào buổi chiều và ngược lại. Theo cô giáo H'Blao, hiện cô đặc biệt chú trọng việc dạy cho các em đọc thông viết thạo Tiếng Việt và biết làm toán. Lớp học của cô bắt đầu từ 7h - 10h và 13h - 15h mỗi ngày.

"Tận dụng chiếc máy tính hồi còn đi học Cao đẳng, mình lên mạng tải các bài hát về dạy cho các em hát vào những buổi sinh hoạt đầu tuần. Còn những buổi cuối tuần mình kể cho các em nghe về những câu chuyện mang tính nhân văn, qua đó truyền đến các em lối sống đẹp...

Sợ các em quên đi truyền thống văn hóa của quê hương, những giờ ra chơi rảnh rỗi, mình thường kể cho các em nghe chuyện cổ dân gian của người J'rai. Nghe kể truyện cổ các em vui lắm. Có đứa còn bảo người lớn bận lên nương rẫy nên chưa bao giờ được nghe kể chuyện cổ dân gian cả"-H'Blao hồ hởi nói.

Mới đó mà lớp học miễn phí của cô giáo Rmah H'Blao đã duy trì được 7 năm nay với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số từ lớp 1 đến lớp 5. Hiện tại, lớp học của cô giáo H'Blao đã có 50 em, cứ đến hè lại tăng lên từ 60-70 em. Dù đi lại khó khăn, tuy nhiên đối với các trò cô luôn dành tất cả sức lực để cầm tay nắn nót cho các em từng chữ một, giảng chi tiết từng phép tính, câu văn...

Nói về lớp học tình thương mà hai đứa con mình đang theo học, chị Siu Blom (làng Chư Bố 2, xã Ia Phang) chia sẻ: "Cô H'Blao dạy học cho 2 con của tôi hoàn toàn miễn phí. Lúc đầu tụi nhỏ không muốn đi học đâu, nhưng rồi thấy bạn bè lũ lượt kéo đến nhà cô theo học thì mấy đứa con tôi cũng chộn rộn đi theo.

Đến lớp, giọng cô nhỏ nhẹ, giảng bài tận tình, các con của tôi rất thích học rồi ngày nào cũng đến lớp. Nhờ có lớp học của cô H'Blao mà con em chúng tôi học tập tiến bộ hơn nhiều".

Cô H'Blao và lớp học tình thương của mình.

Vượt qua nỗi đau

Đáp lại ân tình của cô giáo, năm học vừa qua lớp học của cô giáo H'Blao đã có 19 em đạt học sinh giỏi và tiên tiến. Tâm sự với chúng tôi, cô giáo trẻ trải lòng: "Nhìn thành tích học tập của các em mình vui lắm. Các em học sinh ở đây rất ngoan nhưng bố mẹ đi làm rẫy nên không có thời gian quan tâm đến con cái, từ miếng cơm, manh áo cũng như việc học còn nhiều thiếu thốn. Vậy nên, mình muốn mở lớp học tình thương để dạy học miễn phí cho các em. Mình muốn dành tất cả niềm yêu thương này đến với các em và cũng hi vọng tương lai các em sẽ tốt hơn".

Đã 27 năm nay kể từ khi bị sốt bại liệt cô giáo H'Blao vẫn đang phải sống với đôi chân nhỏ xíu vì bị teo cơ chân, hơn thế 1 chân còn bị liệt co quắp, đi lại bất tiện.

Tuy nhiên, chúng tôi lại không hề nghe cô kể đến việc điều trị bệnh tình của mình mà chỉ nghe đến lớp học, các em học sinh và ước mơ được làm cô giáo của H' Blao. Nếu như được điều trị, có lẽ đôi chân của H'Blao sẽ sớm lành lặn trở lại, nhưng đối với cô giáo trẻ, việc học của các em còn quan trọng hơn đôi chân của mình.

"Hiện tại, cuộc sống của mình vẫn khá tốt mình vẫn đi lại, mình không muốn điều trị là vì không muốn ảnh hưởng đến việc học của các em", cô giáo trải lòng. Ban ngày cô dành thời gian dạy cho các em học sinh và làm công tác xã hội ở xã. Tranh thủ thời gian buổi tối cô nhận tranh về thêu kiếm thêm thu nhập.

Không chỉ dạy chữ, dạy toán, cô H'Blao còn dạy học sinh những kỹ năng sống, những bài học làm người qua từng câu chuyện sinh động với mong muốn các em nhỏ sẽ học tập thật tốt để theo đuổi mơ ước của mình.

"Mong rằng các em có được cái chữ và ngày càng học cao hơn nữa để trở thành người có ích cho xã hội. Mong sẽ có nhiều em sau này khi học xong sẽ đồng hành cùng tôi tiếp tục đem cái chữ đến với các em học sinh nghèo trong làng mình"- H'Blao tâm sự.

Lớp học của cô giáo H'Blao dạy miễn phí cho 50 em học sinh trong vùng.

Ông Trần Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ia Phang (huyện Chư Pưh) cho biết, mặc dù cô H'Blao bị khuyết tật từ nhỏ, sống nương tựa vào bố mẹ nhưng cô vẫn dốc lòng mở lớp học tình thương để truyền dạy kiến thức cho các em học sinh. Các em học sinh đến đây chủ yếu có hoàn cảnh khó khăn, không có tiền để đi học thêm bên ngoài. Lớp học của cô H'Blao mở ra đã giúp các em củng cố thêm kiến thức trên trường lớp.

Ông Kpah Jihveng, trưởng thôn Chao Pông, cho biết: "Có cô H'Blao dạy chữ miễn phí cho con cháu trong làng như vậy mình mừng lắm. Mình đi đến nhà nào cũng động viên bố mẹ ngoài cho con đến trường, thời gian rảnh thì thêm lớp học của cô H'Blao. Các cháu phải biết cái chữ sau này mới biết làm giàu cho làng cho bản".

Chúng tôi chia tay lớp học tình thương của cô giáo H'Blao nhưng bên tai vẫn còn văng vẳng tiếng trẻ học chữ. Ngoài kia, những cơn gió đầu đông đang thổi về se lạnh. Nhưng dường như trong lớp học ấy sự ấm áp vẫn được thắp đầy bởi sự nhiệt huyết của cô giáo tật nguyền H'Blao.
Nhật Đăng

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/anh-hung-mac-thuong-phuc/lop-hoc-tinh-thuong-cua-co-giao-tat-nguyen-515496/