Lớp học tình thương của trẻ em nghèo

Ngoài nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ an ninh biên giới, giúp bà con phát triển kinh tế, vào các buổi tối, những người lính mang quân hàm xanh lại 'gieo chữ' cho những em học sinh nghèo Việt kiều ở vùng biên giới xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Lớp học tình thương không chỉ giúp các em xóa mù chữ, mà còn mở ra tương lai tươi sáng hơn cho các em nơi vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Binh nhất Nguyễn Hương Giang dạy chữ cho các em học sinh. Ảnh: Đức Hiệp

Những năm gần đây, một số gia đình người Việt từng sinh sống ở Biển Hồ (Campuchia) chuyển về sinh sống trên địa bàn xã Tuyên Bình. Họ cất lều hoặc sống trên ghe dọc theo biên giới. Tất cả đều không có giấy tờ tùy thân, nguồn sống chủ yếu bằng làm thuê, cắt lục bình và bán vé số nên hoàn cảnh rất khó khăn. Bên cạnh đó, do lối sống lạc hậu, đa số trẻ em phải nghỉ học sớm theo ba mẹ đi làm kiếm sống. Trước tình hình đó, Đồn BP Tuyên Bình, BĐBP Long An đã cùng với chính quyền địa phương tiến hành rà soát và vận động các em đến lớp học tình thương, do đơn vị tổ chức.

Lớp học tình thương được Đồn BP Tuyên Bình tổ chức vào các buổi từ 19 - 21 giờ, tại trường Tiểu học Tuyên Bình. Lớp học chủ yếu là những con em người Việt kiều, không biết chữ hoặc các em biết chữ nhưng nghỉ học từ lâu. Từ năm 2013-2016, Đồn BP Tuyên Bình đã tổ chức 3 lớp học tình thương, đầu năm học 2017, đơn vị tiếp tục mở lớp cho 40 học sinh, trong đó, lớp 1 có 20 em, lớp 2 và lớp 3 có 20 em. Lớp học chủ yếu dạy Toán và Tiếng Việt. Những môn học này giúp cho các em biết đọc, biết viết, biết tính toán và nắm bắt những kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống.

Thiếu tá Đỗ Văn Long, Chính trị viên Đồn BP Tuyên Bình cho biết: "Ngay từ khi lớp học được tổ chức, Đồn BP Tuyên Bình đã giao cho Đoàn Thanh niên và phân công các chiến sĩ trẻ trực tiếp phụ trách lớp học. Học trò có khi ít, khi nhiều, có ngày học, ngày nghỉ, nhưng các thầy giáo thì chưa lúc nào vắng mặt. Để tranh thủ tối đa thời gian, giúp các em theo kịp chương trình như các bạn học trường chính quy, các "thầy giáo" quyết định dạy học tất cả các buổi tối trong tuần, kể cả thứ 7 và Chủ nhật. Học sinh được chia lớp theo trình độ để thầy giáo có thể kèm cặp cho từng em".

Em Nguyễn Thị Kim Lý, 14 tuổi, lẽ ra phải học hết Tiểu học, nhưng từ khi đến với lớp học tình thương, em mới được các thầy giáo Biên phòng dạy cho cách cầm bút, viết những nét chữ đầu tiên. Gia đình Lý rất nghèo, hằng ngày, cô học trò phải đi vớt lục bình giúp gia đình. Tối đến, các thầy giáo lại giúp Lý đánh vần, luyện từng nét chữ. Chỉ trong một thời gian ngắn, em đã biết đọc, biết viết. Ông Nguyễn Văn Hoan, bố của Nguyễn Thị Kim Lý phấn khởi nói: "Gia đình khó khăn nên tôi rất sợ con cái sau này không biết chữ sẽ cực khổ như vợ chồng chúng tôi. Nay cháu được đi học, biết đọc, biết viết, chúng tôi sẽ cố gắng lo cho cháu học hành đàng hoàng để cháu có tương lai tốt hơn".

Binh nhất Nguyễn Hương Giang (sinh năm 1995), quê ở thị trấn Tân Hưng, phụ trách nhóm học sinh lớp 2 và lớp 3 của lớp học tình thương tâm sự: "Khi được giao nhiệm vụ phụ trách lớp học, tôi thấy đây vừa là nhiệm vụ, vừa là niềm vinh dự của một chiến sĩ Biên phòng. Qua thời gian dạy học, tôi càng hiểu và đồng cảm hơn hoàn cảnh khó khăn của các em. Đặc biệt, có nhiều em, sau một ngày làm thuê, bán vé số để phụ giúp gia đình đã không kịp ăn tối mà đến ngay lớp học. Chính tinh thần ham học và sự tiến bộ của các em là nguồn động lực thôi thúc chúng tôi duy trì lớp học".

Rời lớp học ở Tuyên Bình, những tiếng đánh vần con chữ vẫn vọng lên đâu đó. Mọi thứ vẫn in đậm trong tâm trí chúng tôi về hình ảnh những em học sinh tranh thủ đến lớp học, rồi lại vội vã trở về theo bố mẹ đi vớt lục bình, đánh cá. Vượt lên trên mọi khó khăn, những lớp học tình thương như thế này đã góp phần gắn kết tình quân dân nơi biên cương Tổ quốc.

Đức Hiệp

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lop-hoc-tinh-thuong-cua-tre-em-ngheo/