Lớp học treo mong manh 'cửa miệng' tử thần

Dù phải chịu nỗi đau rất lớn về thể xác, em thì trọc đầu, em thì gầy guộc, héo quắt, da dẻ xanh xao… nhưng các bệnh nhi tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM đều có chung nỗi khao khát được đến trường.

Cả đời người không viết hết cuốn vở

Với mục đích giúp các bệnh nhi bị ung thư đang điều trị tại bệnh viện có một nơi thư giãn tinh thần sau những cơn đau vật vã hay truyền hóa chất dai dẳng, đồng thời tiếp thêm nghị lực sống cho các em, lớp học chữ của cô Đinh Thị Kim Phấn (giáo viên về hưu, quận 1 TPHCM) ra đời. Từ đây, biết bao câu chuyện cảm động về tình cô trò, tình nguyện viên với bệnh nhi được cô Phấn ghi lại tỉ mỉ bằng trí nhớ của một nhà giáo tuổi 62.

Hình ảnh của em Hồ Khương Đằng (xã Phước Tuy, Cần Đước, Long An) một học sinh giỏi 5 năm liền tại trường tiểu học khiến cô Phấn không thể nào quên. Em mắc căn bệnh u sợi thần kinh, lần lượt cắt bỏ 2 chân và một tay trái. Dù vậy, ý chí ham học hỏi của em vẫn không bị lụi tắt. Những ngày điều trị ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM, em đều đến học tại lớp cô Phấn. Em vẫn hạnh phúc khi còn được cầm, được nắm, được bắt tay biết bao người bạn, cô giáo, các tình nguyện viên tại lớp học.

Cô Phấn đang dạy học cho bé Nguyễn Tuyết Lan

Cô Phấn kể: “Khương Đằng đã trải qua 9 lần mổ nhưng lần nào em cũng cố gắng vượt qua. Em đến với lớp học chữ khi không còn được bay nhảy trên đôi chân của mình em vẫn hồn nhiên bên thầy cô, bạn bè với khuôn mặt tươi tắn. Sự ham học đó theo em ngay đến khi em trút hơi thở cuối cùng”.

Số phận của em Phan Anh Trường quê ở Bình Định cũng bi đát không kém gì Khương Đằng. Ngày em đạt được danh hiệu học sinh giỏi toán cấp tỉnh cũng là ngày em biết mình mắc căn bệnh ung thư quái ác. Việc học của em bắt đầu dang dở bởi những lần xạ trị kéo dài. Em tìm kiến thức ở lớp học của cô Phấn. Ngay đến phút cuối của cuộc đời, em vẫn xin ba mẹ được ở lại học. Cô Phấn phải khuyên em về quê cùng ba mẹ khi nào khỏe sẽ được vào học cùng cô. Thế nhưng em đã mất ngay trên đường về. Ước nguyện trở lại lớp học của cô mãi mãi dừng lại.

Em Nguyễn Tuyết Lan (5 tuổi) có gương mặt xinh xắn, cái đầu trọc lốc vì thuốc trị bệnh, tay phải truyền nước nhưng em vẫn vui cười đến lớp. Tuyết Lan nói thầm: “Con rất thích đi học, ở lớp con thích nhất là được múa bài "Con cào cào". Sau này hết bệnh, con thích được giữ em, con sẽ bày lại cho em múa”.

Ước mơ đơn giản ấy của Tuyết Lan có lẽ khó thành hiện thực khi bệnh của em được chuẩn đoán chỉ còn sống được vài tháng. Và tại lớp học chữ này, còn rất nhiều hoàn cảnh đáng thương như vậy. Nhiều em chưa kịp viết đúng tên mình đã lìa đời, nhiều cuốn vở viết dở đành xếp lại một bên.

Xoa dịu những nỗi đau

Lớp học tình thương ra đời năm 2009, khởi nguồn từ chương trình “Viết tiếp ước mơ của Thúy”. Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn là người trực tiếp phụ trách lớp. Ban đầu cô Phấn đến phòng bệnh để dạy. Về sau, số lượng học sinh đăng ký theo học càng nhiều, cô được Bệnh viện tạo điều kiện cho một căn phòng riêng nằm tại Khoa Nội nhi, lịch dạy đều đặn vào thứ 6 và chủ nhật hằng tuần. Hiện nay, bên cạnh cô Phấn còn có thêm 40 tình nguyện viên cũng là giáo viên về hưu và các bạn sinh viên. Các tình nguyện viên sẽ chia lịch để thay nhau đến dạy chữ tại đây. Các em tham gia lớp học được học theo đúng độ tuổi của mình, mỗi tình nguyện viên sẽ kèm cặp một em.

Mỗi buổi, các em sẽ được học chữ, làm toán và tập làm văn theo sách giáo khoa. Giữa buổi sẽ là thời gian học múa hoặc các hoạt động về văn nghệ, thể dục nhẹ và cuối buổi học sẽ được phát quà. Tùy vào sức khỏe mà sĩ số nhiều hay ít, trung bình mỗi buổi dao động từ 20 - 30 em. Chương trình dạy từ lớp 1 đến lớp 9, chủ yếu là 2 môn Toán và Văn. Nguồn kinh phí để lớp học hoạt động chủ yếu do cô Phấn vận động từ các nhà hảo tâm và đến từ các bạn tình nguyện viên.

Các tình nguyện viên tham gia dạy học

Cô Phấn cho biết: “Nhiều người hỏi tôi có bị chai cảm xúc không khi 10 năm qua liên tiếp phải chứng kiến cảnh học sinh của mình đang học lại phải rời xa cuộc đời. Tôi cũng là con người mà làm sao không buồn được chứ, chỉ có điều tôi không được phép dừng lại công việc của mình. Còn rất nhiều em đang đợi tôi chỉ dạy, truyền cảm hứng để các em chiến đấu vượt qua bệnh tật”.

Dù đã bước sang tuổi 62 nhưng cô Phấn vẫn kiên trì với sự nghiệp trồng người của mình. Với cô Phấn, những con chữ được viết, được đọc tròn vành rõ nghĩa, những nụ cười của các em mỗi giờ đến lớp, hay những em hết bệnh trở về với lớp học chính thức ngoài kia… là những món quà nhận lại đầy ý nghĩa và là động lực để cô tiếp tục cống hiến cho đời.

Phạm Thương - Vũ Hoàng

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/lop-hoc-treo-mong-manh-cua-mieng-tu-than-post51187.html