LPBank không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đang tìm đối tác ngoại

ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của LienVietPostBank chiều nay đã thông qua tên viết tắt LPBank và toàn bộ tờ trình khác về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, phương án tăng vốn, bầu nhân sự cấp cao...

Ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank

Bất động sản chiếm 15% tổng dư nợ, bao phủ nợ xấu 142%

Chiều nay, ĐHĐCĐ LienVietPostBank đã thông qua toàn bộ tờ trình. Theo đó, cổ đông nhất trí thông qua việc đổi tên viết tắt sang LPBank; mục tiêu lợi nhuận năm 2023 là 6.000 tỷ đồng; chia cổ tức năm 2022 ở mức 19%; tăng 65,8% vốn điều lệ thông qua 4 cấu phần, bầu 7 thành viên HĐQT và 4 thành viên BKS...

Đáng chú ý, trong phần chất vấn chiều nay, hàng loạt cổ đông quan tâm đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong bối cảnh rủi ro tăng cao.

Với các câu hỏi liên quan đến xử lý nợ xấu cũng như tỷ lệ bao phủ nợ xấu, ông Bùi Thái Hà, Phó tổng giám đốc LPBank cho hay, tìnhh hình kinh tế - xã hội năm 2023 vẫn còn nhiều thách thức. Dự báo, kinh tế năm nay phục hồi chậm, dẫn tới tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn của ngân hàng có khả năng tăng cao thời gian tới. LPBank thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng đầy đủ theo đúng quy định pháp luật.

Tính đến 31/12/2022, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của LPBank là 142%. Điều này thể hiện bộ đệm tài chính của Ngân hàng tương đối lành mạnh, vững vàng để Ngân hàng vượt qua thời gian tới.

Tuy vậy, do thời gian qua nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid 19, lạm phát gia tăng trong toàn cầu, tác động tiêu cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản… nên nợ xấu có thể gia tăng. Do đó, xử lý nợ xấu sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của LPBank hiện nay và thời gian tới.

Về dư nợ tín dụng bất động sản và TPDN, ông Hà khẳng định, hiện hơn 50% dư nợ cho vay của ngân hàng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ cho vay bất động sản chỉ chiếm 15% tổng dư nợ của ngân hàng và tất cả đều có tài sản đảm bảo.

LPBank không đầu tư, phân phối TPDN nên không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tác động tiêu cực của thị trường TPDN hiện nay. Lượng trái phiếu mà ngân hàng đang nắm giữ chủ yếu là TPCP và trái phiếu của một số TCTD uy tín.

Hợp tác với VNPost không bị ảnh hưởng ngay cả khi VNPost thoái vốn

Việc cổ đông lớn VNPost có ý định thoái vốn khiến nhiều cổ đông băn khoăn. Về vấn đề này, ông Bùi Thái Hà cho hay, trên cơ sở hợp tác giữa hai bên, thời gian qua, LPBank đã mở rộng mạng lưới tới 63 tỉnh, thành phố, phân bổ đều đến các huyện. Từ thời điểm hợp tác đến nay, huy động vốn của ngân hàng đã tăng 11 lần.

Ngân hàng cũng phối hợp với VNPost phục vụ nhiều khách hàng ở khu vực nông nghiệp nông thôn và đưa nhiều sản phẩm dịch vụ đến với người dân vùng sâu, vùng xa, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Việc VNPost thoái vốn không thành công thời gian qua, theo ông Hà, là do giá khởi điểm quá cao so với thị giá cổ phiếu LPB trên thị trường. Việc thoái vốn của khỏi LPBank là trách nhiệm của VNPost trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chủ trương thoái vốn ngoài ngành, LPBbank không thể can thiệp hoặc tác động gì với quá trình thoái vốn của VNPost.

Tuy nhiên, ngay cả khi VNPost thoái vốn, việc hợp tác giữa hai bên cũng không bị ảnh hưởng do hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện trong 50 năm.

Đang tìm kiếm đối tác ngoại, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số

Một trong cấu phần tăng vốn của LPBank năm nay là bán vốn cho đối tác ngoại. Lãnh đạo LPBank cho hay vẫn đang tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài.

Năm 2023, đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong các định hướng chiến lược của LPBank. Ông Hồ Nam Tiến, quyền Tổng giám đốc LPBank cho hay, năm 2022, Ngân hàng đã làm việc với đối tác IBM tư vấn về công nghệ thông tin để làm cơ sở cho đầu tư, ứng dụng công nghệ mới.

Bên cạnh đó, thời gian qua, LPBank cũng đã thành lập văn phòng chuyển đổi số để thực hiện chuyển đổi mô hình, cơ cấu tổ chức kinh doanh cũng như các mô hình chuyển đổi số, gia tăng trải nghiệm và tương tác với khách hàng.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số song vẫn mở rộng mạng lưới không có gì mâu thuẫn mà sẽ giúp LPBank phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng. Vì hiện nay, không phải sản phẩm nào của LPBank cũng được giao dịch trên kênh số, đặc biệt là các sản phẩm đỏi hỏi chuẩn mực quản trị rủi ro cao. Mặc dù vậy, kênh số sẽ được ngân hàng đẩy mạnh thời gian tới. Năm 2022, số lượng khách hang trên kênh số của LPBank tăng mạnh, số lượng khách hàng mới năm 2022 tăng trưởng bằng khoảng 60% của cả 14 năm về trước.

Việc thúc đẩy số hóa của LPBank thời gian qua cũng khiến tỷ lệ CIR của Ngân hàng giảm mạnh, cho thấy chi phí được kiểm soát tốt. Thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục kiểm soát CIR nhờ đẩy mạnh số hóa, tối ưu hóa quy trình vận hành trên kênh số và quy trình quản lý nội bộ để đảm bảo quá trình ra quyết định nhanh chóng.

Ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch LPBank cho biết thêm, năm 2023, LPBank sẽ chú trọng phát triển các trụ cột chính để phát triển an toàn, bền vững. Thời gian tới, HĐQT ngân hàng sẽ không ngừng đổi mới, quyết liệt hành động.

Mục tiêu của HĐQT đặt ra nhiệm kỳ tới là nâng cao thu nhập và chế độ phúc lợi cho cán bộ nhân viên, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho nhà đầu tư và cổ đông, tối ưu lợi ích cho khách hàng và đối tác, tập trung nguồn lực chuyển đổi số, số hóa, thực hiện trách nhiệm với cộng động thông qua các hoạt động an sinh xã hội, trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam...

H.T

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lpbank-khong-dau-tu-trai-phieu-doanh-nghiep-dang-tim-doi-tac-ngoai-d188309.html